MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phái sinh tháng 4: Giao dịch của tổ chức trong nước tăng 3,2 lần

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 4 giảm theo xu hướng chung của thị trường...

Sự giảm sút của giao dịch chứng khoán phái sinh trong tháng 4 được lý giải bởi nguyên nhân từ sự ảm đạm của thị trường cơ sở. Và như vậy diễn biến hiện tại đang cho thấy một mối liên thông ngày càng chặt chẽ giữa hai thị trường này.

Theo thống kê từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong tháng 4/2019, cùng với thị trường cơ sở giảm điểm và giao dịch chững lại, giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh giảm mạnh so với tháng 3 khi khối lượng giao dịch bình quân giảm 40,45% đạt 80.729 hợp đồng/phiên.

Phiên giao dịch ngày 22/4/2019 có khối lượng giao dịch thấp nhất trong tháng, cũng là mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, đạt 56.298 hợp đồng, trong khi đó phiên giao dịch ngày 9/4/2019 có khối lượng giao dịch cao nhất trong tháng, đạt 103.908 hợp đồng.

Đáng chú ý, phiên giao dịch cuối cùng của tháng để bước vào kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày, thị trường chứng khoán phái sinh đã có được một phiên giao dịch khá ấn tượng với tổng khối lượng hợp đồng được giao dịch đạt 102.677 hợp đồng. Đây là phiên thứ 3 trong tổng số gần 20 phiên giao dịch của tháng có khối lượng hợp đồng giao dịch đạt con số trên 100.000 hợp đồng - mức bình quân của tháng trước đó.

Các số liệu thống kê cho thấy, giá trị giao dịch trung bình của rổ chỉ số VN30 trong tháng qua chỉ đạt mức 1.400 tỷ đồng, giảm 30% so với hồi giữa tháng 3. Cá biệt, giá trị hợp đồng tương lai được giao dịch trong phiên giao dịch ngày 19/4 chỉ ở mức gần 950 tỷ đồng, bằng 50% giá trị giao dịch trung bình của rổ chỉ số VN30 trong tháng 3/2019.

Trong tháng 4, có 1 mã sản phẩm là VN30F1902 đáo hạn ngày 18/4/2019 và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã niêm yết bổ sung sản phẩm thay thế là VN30F1912 vào ngày 19/4/2019. Tại thời điểm cuối tháng 4 có 4 mã hợp đồng được giao dịch là VN30F1905, VN30F1906 và VN30F1909, và VN30F1912.

Mặc dù khối lượng mở (OI) toàn thị trường giảm 10,93% so với tháng trước, tính đến cuối ngày 29/4/2019, khối lượng OI của toàn thị trường đạt 21.267 hợp đồng nhưng tháng 4 cũng là tháng có khối lượng mở OI đạt kỷ lục tính từ ngày khai trương thị trường với 29.474 hợp đồng tại ngày 11/4/2019.

Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn tiếp tục tăng lên. Tại thời điểm cuối tháng 4, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 70.112 tài khoản, tăng 4,04% so với tháng trước.

Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước tháng này vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhưng đã giảm nhiều so với các tháng trước, chiếm 92,9% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) tăng mạnh, đạt 6,84%, tăng gấp hơn 3,2 lần so với tháng trước.

Đặc biệt, khối lượng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước (không bao gồm tự doanh) tăng gần gấp 3 lần so với tháng 3, đạt hơn 185 nghìn hợp đồng. So sánh khối lượng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước và khối tự doanh trong tháng 4 thì giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước cao gấp 7,5 lần khối tự doanh, và đây cũng là khối lượng giao dịch lớn nhất của các nhà đầu tư tổ chức trong nước kể từ khi khai trương thị trường phái sinh.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 4 giảm theo xu hướng chung của thị trường, đạt 8.165 hợp đồng, bằng 60% so với tháng trước, chiếm 0,27% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.

Tuy ghi nhận tăng trưởng liên tục, song quy mô của thị trường chứng khoán phái sinh còn nhỏ. Mặc dù giá trị giao dịch lớn, nhưng đó là giá trị danh nghĩa, không phải là giá trị của dòng tiền thực đổ vào thị trường chứng khoán phái sinh. Đến hiện tại, dòng tiền thực đổ vào thị trường chứng khoán phái sinh (dưới hình thức ký quỹ cho vị thế) bằng khoảng 10% giá trị danh nghĩa, tương đương khoảng 1.400 tỷ đồng.

Về mặt lý thuyết, đối với nhà đầu tư giá trị, khi thị trường cơ sở giảm, thay vì phải bán danh mục trên thị trường cơ sở để cắt lỗ thì nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán trên thị trường phái sinh sẽ đóng vị thế để kiếm lời, bù đắp khoản thua lỗ trên thị trường cơ sở, chặn được đà bán tháo trên thị trường cơ sở.

Đây là chiến lược phòng ngừa rủi ro (hedging), hạn chế đà sụt giảm của chỉ số thị trường cơ sở. Đối với các nhà đầu cơ, khi thị trường cơ sở sụt giảm, cơ hội kiếm lời không còn thì họ sẽ tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường phái sinh, vì thị trường này cho phép họ kiếm lợi ngay cả khi thị trường cơ sở giảm.

Điều đó giải thích tại sao thanh khoản của thị trường phái sinh thông thường sẽ tăng rất mạnh trong các giai đoạn thị trường cơ sở rung lắc, biến động mạnh. Đây cũng chính là hiệu ứng thị trường, giúp trấn an và ổn định tâm lý của nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán phái sinh là giải pháp hữu hiệu để giữ chân nhà đầu tư, tránh tình trạng họ tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán khi thị trường cơ sở sụt giảm.

Nhưng với những diễn biến ngược của thị trường chứng khoán phái sinh tháng 4, xem ra chức năng phòng vệ đã không được sử dụng.

Theo Hoài Vũ

VnEconomy

Trở lên trên