MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phải tìm ra ai đứng sau Vinastas

24-10-2016 - 08:32 AM | Doanh nghiệp

“Trong vụ nước mắm, nếu asen hữucơ không gây hại thì Vinastas khảo sát và công bố để làm gì?” - luật sư Hoàng Cao Sang đặt vấn đề.

Nhiều ý kiến cho rằng việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) khảo sát và công bố thông tin mập mờ về nước mắm đã gây hại cho doanh nghiệp (DN) nước mắm truyền thống, gây hoang mang cho người tiêu dùng (NTD).

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Cao Sang, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Việt Luật.

Không thể tuyên bố vi phạm nhưng không gây hại

. Phóng viên: Thưa luật sư, việc một hội như Vinastas thực hiện khảo sát về chất lượng, độ an toàn của các sản phẩm là đúng hay sai?

+ Luật sư Hoàng Cao Sang: Hội này được thành lập hợp pháp. Theo điều lệ của hội này thì họ có quyền độc lập khảo sát, thử nghiệm, công bố kết quả khảo sát; thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ; thông tin, cảnh báo cho NTD về hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình…

. Trong quyền thông tin đó có bao gồm thông tin cụ thể tên DN, tên sản phẩm vi phạm hay không, thưa luật sư?

+ Tôi không thấy có giới hạn nào về thông tin cụ thể tên DN, tên sản phẩm vi phạm. Mặc dù vậy, nhiều khảo sát trước đó của Vinastas như khảo sát cây xăng gian lận, thực phẩm sạch, cà phê... đã không công bố rõ tên tuổi DN và tên sản phẩm mà họ khảo sát. Còn vụ nước mắm thì lại lộ ra một danh sách cụ thể (dù Vinastas phủ nhận đã tiết lộ danh sách này - PV).

Việc công bố tên sản phẩm, tên DN là để NTD có thông tin cụ thể. Nếu công bố chung chung, không có tên cụ thể thì NTD biết đâu mà tránh sản phẩm vi phạm.

Theo tôi, khảo sát và công bố tên DN và tên sản phẩm cũng đều được cả. Nhưng muốn làm vậy thì phải rõ ràng, minh bạch từ cách chọn mẫu khảo sát, tại sao chọn DN này khảo sát mà không chọn DN kia, tiêu chí chọn, rồi quy trình lấy mẫu thế nào, đối chiếu vi phạm thế nào và cách thức công bố ra sao.

Đặc biệt hội phải hiểu rõ về quy định pháp luật, các loại tiêu chuẩn, quy chuẩn và phải chính xác trong việc đánh giá vi phạm của DN, mức độ vi phạm. Vinastas không thể tuyên bố rằng DN sai, rồi sau đấy lại bảo rằng DN không sai hoặc không gây hại.

. Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng Vinastas có nhận tài trợ để khảo sát nhằm “đánh” nước mắm truyền thống. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

+ Hội vẫn có quyền nhận tài trợ. Theo tôi biết, điều lệ của Vinastas cũng cho phép họ nhận tài trợ.

Vấn đề là hội phải làm việc theo đúng tôn chỉ, mục đích của hội. Anh đã nói rõ là hoạt động nhằm hỗ trợ cho NTD, không vì mục đích “chơi xấu” nhau, không làm “dao” cho DN này đánh DN kia. Anh phải minh bạch, khách quan, không có mục đích xấu.

Nghi vấn về động cơ của Vinastas

. Theo ông,Vinastas công bố thông tin về thạch tín trong nước mắm là đúng hay sai, có minh bạch hay không?

+ Thông tin vụ thạch tín mà Vinastas đã đưa ra không khách quan, không minh bạch. Do đó có nghi vấn về động cơ, mục đích của hội này. Cơ quan quản lý cần vào cuộc để xác minh động cơ, mục đích của khảo sát này là gì. Thông tin về danh sách cụ thể tên DN, tên nước mắm... xuất phát từ đâu, mục đích gì, có ai đứng sau không.

Thêm nữa, trong vụ nước mắm, nếu asen hữu cơ không gây hại thì đặt vấn đề là hội này khảo sát để làm gì, công bố để làm gì? Nếu khảo sát để hoàn thiện quy định của ngành nước mắm (như Vinastas tuyên bố - PV) thì chỉ cần gửi kết quả và kiến nghị cho Bộ Y tế là được rồi, không cần đưa thông tin lệch lạc làm hoảng loạn NTD.

Tóm lại, Vinastas đã lập lờ, thông tin sai lệch để NTD hiểu nhầm thì hành vi đó là vi phạm pháp luật.

. Vinastas công bố thông tin 67% mẫu nước mắm được khảo sát có hàm lượng asen vượt ngưỡng gây nhầm lẫn giữa asen hữu cơ (luôn có mặt trong cá biển, không độc hại) và asen vô cơ (độc hại).Vinastas đã cung cấp thông tin sai thì phải chịu trách nhiệm cụ thể như thế nào?

+ Điều 22 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nói rõ khi cung cấp thông tin thì đồng thời chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Điều 63 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ghi rõ “Tổ chức đánh giá sự phù hợp cung cấp kết quả sai thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho tổ chức, cá nhân yêu cầu đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Tôi cho rằng DN nước mắm cần phải tìm một tổ chức khác để đánh giá sản phẩm của mình phù hợp tiêu chuẩn, chứng minh rằng đánh giá của Vinastas là sai thì Vinastas và đơn vị làm đánh giá cho Vinastas phải bồi thường.

. Xin cám ơn luật sư.

Có quyền yêu cầu Vinastas cung cấp thông tin về nhà tài trợ

TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng thông tin nước mắm có asen mà Vinastas công bố là không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến DN nước mắm truyền thống, có lợi cho DN nước mắm công nghiệp. Vấn đề quan trọng khi muốn xử lý trường hợp trên là phải tìm ra ai, DN nào đứng sau Vinastas.

Theo Luật Cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh có quyền yêu cầu Vinastas cung cấp thông tin về DN tài trợ; có thể chứng minh DN đó có hành vi gièm pha DN khác theo Điều 43 Luật Cạnh tranh. Cụ thể theo luật, cấm DN gièm pha DN khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của DN đó.

Về phía Vinastas, hội này đã không làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình; đã đưa ra thông tin không khách quan, định hướng sai cho NTD. Do đó, cơ quan chủ quản của hội này có thể xử lý vi phạm của hội theo điều lệ hội và quy định quản lý hội, thậm chí giải tán hội.

“Chưa đúng chuẩn mực tác nghiệp”

Ngày 23-10, trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, nói trong vụ việc liên quan đến nước mắm, chưa thể kết luận được các báo có sai phạm hay có động cơ gì, tuy nhiên có một số tờ báo đưa thông tin chưa cân nhắc kỹ.

“Bởi lẽ một đơn vị có tính chất hội nghề nghiệp là Vinastas đưa ra kết luận không được giải thích rõ ràng, chưa có sự phối hợp của cơ quan nhà nước thì báo chí cần phải cân nhắc nhìn nhận xem đưa thông tin ấy thì có lợi hay không có lợi cho nhân dân, DN, nền kinh tế; cần kiểm chứng độ tin cậy đến đâu… chứ không chỉ thông tin một chiều” - ông Minh nói.

Cùng ngày, tại buổi giao lưu trực tuyến “Cuộc chiến nước mắm và nỗi niềm người sản xuất truyền thống”, do báo Nông Thôn Ngày Nay/báo điện tử Dân Việt tổ chức, nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông Quốc gia, bày tỏ: “Có thể có một số tờ báo có động cơ nhưng có một số báo khác không có động cơ song do chạy theo thông tin, đuổi theo mạng xã hội nên không đủ bình tĩnh, chín chắn thông thường để kiểm tra nguồn tin và không có nguồn tin để đảm bảo cho thông tin của mình".

Cũng theo ông Tuyến, chưa nói đến “thuyết âm mưu”, nghi vấn động cơ, chỉ riêng về mặt tác nghiệp, vụ này là “nỗi hổ thẹn” của báo chí khi đưa tin không đúng tiêu chuẩn tác nghiệp.

Viết Thịnh

Theo Quỳnh Như

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên