Phải trao TP.HCM quyền tự chủ chi ngân sách và khoán thu
Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Hoàng Ngân (giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM). Theo ông, TP.HCM không thể cất cánh do bị bó buộc về cơ chế, trong đó có việc nguồn ngân sách để lại cho TP.HCM ít quá.
Sau những kiến nghị của TP.HCM tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về những cơ chế nhằm “cởi trói” cho TP.HCM phát huy hết tiềm năng, nhiều chuyên gia tiếp tục đóng góp thêm các ý kiến.
* PGS.TS Trần Hoàng Ngân (giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM):
Ảnh: V.D.
Nên có cơ chế khoán thu cho TP.HCM
TP.HCM không thể cất cánh do bị bó buộc về cơ chế, trong đó có việc nguồn ngân sách để lại cho TP.HCM ít quá là chuyện tồn tại trong nhiều năm qua và thực tế hiện nay đang đòi hỏi bức bách phải có cơ chế để tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề ngân sách, phân cấp quản lý, tổ chức chính quyền địa phương.
Trước mắt, trung ương nên cho TP được thí điểm những vấn đề như TP đề nghị trong một thời gian. Sau đó từ thực tiễn cuộc sống đi đến hoàn thiện hệ thống luật pháp.
Một trong những quan điểm phải thống nhất là đầu tư cho TP để TP phục vụ, đóng góp cho cả nước nhiều hơn.
Nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước hiện nay đang bị chặn bởi nợ công ở mức cao. Do vậy quan điểm là phải lựa chọn những nơi đầu tư tạo ra đòn bẩy cao nhất. TP.HCM là địa phương có khả năng sử dụng hiệu quả nguồn tài chính đó.
Ngoài ra phải trao cho TP những quyền tự chủ nhất định, tự chủ trong chi ngân sách, còn thu ngân sách thì theo tôi nên có cơ chế khoán thu cho TP.HCM. Phần thu vượt trên mức khoán thì TP được quyền giữ lại để chi đầu tư phát triển. Như vậy sẽ tạo thêm động lực cho TP, chứ như hiện nay thu ngân sách vượt nhưng xin thưởng thì khó. Hiện giờ cái gì cũng phải ra trung ương “xin” thì làm cái gì cũng chậm. Bên cạnh đó phải phân cấp cho HĐND nhiều quyền hơn.
Hiện nghị quyết 16 đã có và những đề xuất của TP.HCM chính là những cụ thể hóa để triển khai tinh thần nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, từ đó các cơ quan liên quan sẽ bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn hiện nay để TP.HCM phát triển.
* TS Trần Du Lịch:
Ảnh: V.D.
Cho TP chủ động tạo nguồn thu
Tôi cho rằng những bức xúc của TP.HCM là thực và cũng nhận thấy một sự bất hợp lý trong cơ chế ngân sách hiện nay. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là cần có cơ chế sao cho TP chủ động tạo được nguồn thu và điều này đã được đặt ra gần 20 năm trước.
Nhưng vấn đề gốc là chúng ta duy trì một cơ chế ngân sách nhà nước lồng ghép trung ương - địa phương mà thiếu sự minh bạch. Lâu nay chúng ta làm ngân sách dựa trên chi rồi tính ngược lại tỉ lệ điều tiết, chứ không dựa theo nguồn thu. Trong khi cân đối ngân sách địa phương phải đứng trên quan điểm nguồn thu theo Luật ngân sách chứ không phải cò kè bớt một thêm hai, rồi TP chỉ được giữ lại 23%. Luật chính quyền địa phương đã nói rõ ba cơ chế phân quyền, ủy quyền và phân cấp thì ngân sách cũng phải vậy. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm địa phương là tự chủ về ngân sách và nâng cao vai trò của hội đồng nhân dân.
TP đã nhìn thấy những bất cập, vừa qua một số luật mới cũng được ban hành, nhưng nói thật những luật đó vẫn còn trói buộc. TP có “bảo kiếm” là nghị quyết 20 của Bộ Chính trị và sau này là nghị quyết 16: những vấn đề gì luật pháp chưa quy định hoặc không được quy định nhưng không phù hợp với điều kiện thực tiễn TP thì đề nghị Chính phủ cho làm thí điểm. Một trong những nội dung cần thí điểm là kiến nghị cơ chế cho TP chủ động được nguồn thu, chứ không phải đi xin điều tiết thêm cái nọ, cái kia. Và mô hình này nên áp dụng cho nhiều đô thị khác chứ không phải chỉ TP.HCM.
* Ông Trần Ngọc Thơ (trưởng khoa tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):
Ảnh: Đình Dân
Xây dựng TP.HCM thành hệ sinh thái trung tâm tài chính
Để có thể thoát khỏi những cơ chế đang bị ràng buộc hiện nay, TP.HCM cần được xây dựng để trở thành hệ sinh thái trung tâm kinh tế tài chính (hệ sinh thái).
Đây là một cấu trúc cân bằng năng động, trong đó TP phải là chủ thể chính cùng với các tỉnh thành trong vùng liên kết tạo thành một hệ sinh thái, để tất cả đều có khả năng tương tác và phụ thuộc lẫn nhau cùng phát triển. Hệ sinh thái TP phải vừa là kênh luân chuyển vốn vừa là nơi đóng vai trò quyết định trong đầu tư, tích lũy vốn, là đầu tàu tăng trưởng kinh tế và đổi mới kỹ thuật của cả nước.
Muốn vậy, thay vì mòn mỏi trông chờ trung ương trao cho cơ chế đặc thù thì TP cần phải tự mình tạo ra hệ sinh thái riêng có bằng một công cuộc cải cách hành chính không khoan nhượng và thực chất: phải làm sao cho chi phí giao dịch liên quan đến kinh doanh và đầu tư ở TP phải là nơi thấp nhất của cả nước và của cả khu vực, từ đó TP sẽ là nơi tạo ra mức sinh lợi kinh doanh và đầu tư cao nhất.
Thủ tục hành chính, ô nhiễm môi trường, tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng... đã làm chi phí giao dịch khi làm ăn và sinh sống ở TP thuộc loại cao nhất thế giới thì làm sao trở thành số một được? Như vậy, liệu có nhà đầu tư chân chính nào muốn đầu tư ở TP, hay họ chỉ nhăm nhe kinh doanh đất đai để rồi tháo chạy?
Để thay đổi điều này, tôi nghĩ hoàn toàn nằm trong tầm tay của lãnh đạo và nhân dân TP. Nếu trung ương có cho TP cơ chế, trước mắt cơ chế đó phải làm sao tạo ra chi phí giao dịch thấp nhất cho công cuộc làm ăn và sinh sống ngay tại hệ sinh thái TP.
* Ông Trương Văn Phước (phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia):
Ảnh: N.Khánh
Đội ngũ cũng phải thay đổi
TP.HCM không chỉ cần những cơ chế về vốn, về nguồn lực tài chính... mà còn cần cả việc làm sao khơi gợi lại sức mạnh tiềm năng của các thành phần kinh tế ở TP này. Đã đến lúc cần phải có các chính sách, các động lực làm thế nào để khơi tăng lại tính năng động, tính sáng tạo của một vùng đất đã có một bề dày truyền thống: luôn đi đầu xử lý những vấn đề rất gai góc của nền kinh tế VN.
Muốn thế thì việc cần phải làm ngay, làm dứt khoát là bộ máy công chức phải thay đổi cung cách phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nền kinh tế sao cho khác đi với những gì đang tồn tại. TP.HCM sẽ không thể phát triển nếu tiếp tục duy trì những tư duy, những quan điểm của một bộ máy công chức không ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với sự phát triển của cộng đồng, của doanh nghiệp và cả của người dân.
Để thay đổi điều này cần phải có một hệ thống giám sát bộ máy cán bộ công chức bằng các chỉ tiêu rất định lượng về thời gian, về chất lượng phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.
Riêng vấn đề cơ sở hạ tầng của TP.HCM còn chậm phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của nó, tôi nghĩ rằng lãnh đạo TP cần khẩn trương đẩy mạnh kết nối hạ tầng của TP với khu vực kinh tế Đông và Tây Nam bộ. Để làm được điều này, tất nhiên có rất nhiều cách: có thể từ nguồn vốn nhà nước, có thể kêu gọi tư nhân đầu tư, có thể phát hành trái phiếu mời người dân mua. Vấn đề là làm sao tạo được các cơ chế phù hợp để thu hút vốn hiệu quả nhất.
* TS Lưu Bích Hồ (nguyên viện trưởng Viện Chiến lược phát triển):
Ảnh: Mai Công Thành
Phải cắt giảm chi trên cả nước
Trong bối cảnh ngân sách trung ương khó khăn, hụt thu thì việc điều chỉnh tỉ lệ này theo hướng để lại cho TP nhiều hơn 23% như hiện nay ngay trong năm nay và một vài năm tới là rất khó. Do đó, nói đến ngân sách TP.HCM thì phải nhìn tổng thể cả nước. Để đất nước phát triển thì chúng ta phải cắt giảm chi, nhất là chi thường xuyên cho bộ máy nhà nước, không đổ vốn vào công trình chậm tiến độ, hiệu quả đầu tư thấp. Nếu không giảm chi thì không bao giờ thoát khỏi cảnh thu không đủ chi và cũng không có nguồn để đầu tư cho TP.HCM và cả những địa phương khác.
Về định hướng phát triển TP.HCM, tôi nghĩ vốn, nguồn tiền là quan trọng để xây dựng cơ sở hạ tầng, để đầu tư trường học, bệnh viện… Vì có thực mới vực được đạo. Song cố gắng nâng cao năng suất, hiệu quả khoa học công nghệ, đi vào hướng phát triển chiều sâu trở thành TP tiên tiến về khoa học công nghệ. Chứ không thể phát triển theo kiểu như cũ là chỉ nhăm nhăm đầu tư vào các công trình, dự án có hàm lượng khoa học thấp, sử dụng vốn hiệu quả ít.
ThS Đỗ Gioan Hảo (giảng viên khoa thuế - hải quan Đại học Tài chính - marketing):
Nên rà soát các nguồn lực
Theo tôi, TP muốn có sự đột phá không thể dựa vào ngân sách, mà phải huy động nguồn khác. Cụ thể cần rà soát các tiềm lực tài chính dưới dạng quyền sử dụng đất, nhà xưởng, kho bãi, ngay cả doanh nghiệp nhà nước lĩnh vực nào không cần nắm thì bán đi để quy đổi thành tiền. Ngoài ra có thể đi vay, tất nhiên khả năng cũng khó khăn dù TP có một số lợi thế. Tóm lại, phải xoay chuyển tổng thể để có nguồn lực.
Quan trọng nhất là TP đề nghị trung ương xác định lại tỉ lệ phân chia, thuyết phục trung ương để có tỉ lệ phân chia hợp lý hơn. TP là trung tâm kinh tế - xã hội hiện nay của cả nước, đang gánh rất nhiều cho các địa phương khác. Do vậy trung ương và các địa phương khác cũng nên có cách nhìn lại và chia sẻ gánh nặng cho TP bằng những việc làm cụ thể, từ đó tạo sức lan tỏa.
Theo kế hoạch, trong phiên họp Thường vụ Quốc hội tháng 6 tới, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất tiền thưởng do vượt thu năm 2015 cho các địa phương, trong đó có TP.HCM. Tinh thần là có sự chia sẻ của địa phương với trung ương.
(Vụ Quản lý ngân sách - Bộ Tài chính)
Tuổi trẻ