MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Phân bón giả tràn lan, giá cao gấp 200%, nông dân đã nghèo còn đeo cái khổ"

08-06-2022 - 08:10 AM | Thị trường

Giá vật tư nông nghiệp như phân bón ngày càng tăng cao, phân bón giả tràn lan, trong khi đó, giá nông sản rẻ, khiến đời sống người nông dân đã khó nay lại càng khó hơn.

Đây là những trăn trở của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước Quốc hội chiều nay (7/6).

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) hỏi, tình hình sản xuất nông nghiệp trong thời gian vừa qua vẫn gặp nhiều khó khăn khi giá phân bón tăng cao, có thời điểm tăng 200%. Các sản phẩm vật tư như thuốc trừ sâu hay giá xăng dầu cũng tăng rất mạnh. Trong khi sản phẩm nông nghiệp thì khó bán. Vậy, cần giải pháp gì để kiểm soát giá cả vật tư nông nghiệp giúp nông dân an tâm sản xuất?

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) lo ngại, thời gian qua, nông “gánh” chịu nạn phân bón giả, gây thiệt hại lớn cho người nông dân, nông dân đã nghèo còn phải đeo cái khổ.

“Bộ trưởng có biết tình trạng này không và giải pháp nào để xử lý nghiêm tình trạng phân bón giả? Bên cạnh đó, với vai trò là tư lệnh ngành, Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao thương hiệu nông sản Việt trên trường quốc tế”, đại biểu đặt câu hỏi.

Cùng quan tâm về vấn đề giá vật tư nông nghiệp, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) trăn trở, thời gian vừa qua, giá phân bón và vật tư nông nghiệp tăng phi mã. Đây là bài toán cấp thiết của ngành nông nghiệp. Ngoài các giải pháp về kiểm soát giá được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra, Bộ trưởng có giải pháp như thế nào trong thời gian tới để kiểm soát giá vật tư nông nghiệp, giá phân bón?

Qua tiếp xúc cử tri tại địa phương, đại biểu Nguyễn Huy Thái, đoàn Bạc Liêu chất vấn, thời gian vừa qua cử tri phản ánh rất nhiều về việc giảm vật tư nông nghiệp, trong đó có giá phân bón liên tục tăng cao. Trước thực trạng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo bà con nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón hữu cơ. Đây được cho là giải pháp căn cơ chủ động và tích cực. Tuy nhiên, có một thực trạng là từ trước đến nay, tập quán sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác nông nghiệp chủ yếu tập trung ở miền Bắc và miền Trung. Bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long chưa hoặc ít chủ động sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Đại biểu đề nghị, với vai trò là Tư lệnh ngành, Bộ trưởng sẽ làm gì để giải pháp theo khuyến cáo chưa được triển khai rộng và ứng dụng thực sự đạt hiệu quả trên những cánh đồng và thửa ruộng trong thời gian tới, trong đó có việc thay đổi tập quán canh tác của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long?

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường. Chia sẻ với bà con nông dân cùng doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc, vấn đề vật tư phân bón, giá nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp đều tăng cao trong bối cảnh thị trường đã bị đứt gãy…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã rất năng động, linh hoạt để góp phần làm nên kết quả xuất khẩu nông nghiệp, nông lâm, thủy sản trong năm 2021 đạt mức rất cao trong bối cảnh khó khăn. Về vấn đề giá nguyên liệu đầu vào, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vấn đề này liên quan tới thị trường, quản lý doanh nghiệp, vật tư đầu vào sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu…

“Nước ta làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân bón, thuốc, nguyên liệu để chế biến thức ăn. Đây là vấn đề Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp nhằm nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp, để tạo ra cái giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công thương cũng đã có rất nhiều phiên họp, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng phân bón, các doanh nghiệp… liên quan đến lĩnh vực này cố gắng thuyết phục. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường không dễ mà áp đặt một mệnh lệnh hành chính. Trong hoàn cảnh này, các hiệp hội cũng đã có những can thiệp nhất định”, Bộ trưởng cho biết./.

Theo Nguyễn Trang

VOV

Trở lên trên