Phân cấp thực hiện 16 dự án trong Chương trình phục hồi kinh tế cho UBND các tỉnh
16 dự án, dự án thành phần được đầu tư theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vừa được phân cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản. Ảnh: TTXVN.
16 dự án, dự án thành phần được đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vừa được phân cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản.
- 28-07-2022Phấn đấu đến năm 2030 hình thành 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển
- 28-07-2022Những chính sách có hiệu lực trong tháng 8/2022 người sắp mua nhà, xây nhà cần biết
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phạm vi điều chỉnh là các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội khoá XV về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trừ các dự án, dự án thành phần do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản.
Quyết định nêu rõ phân cấp triệt để cho UBND cấp tỉnh có đề xuất, đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý sau khi đã sử dụng tối đa năng lực của Bộ Giao thông vận tải.
Các tuyến cao tốc được phân chia thành các dự án thành phần và phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản theo địa giới hành chính. Trường hợp ranh giới, địa giới hành chính nằm giữa các vị trí công trình cầu, hầm hoặc nút giao thì toàn bộ công trình cầu, hầm hoặc nút giao sẽ thuộc về một dự án thành phần.
UBND cấp tỉnh được phân cấp làm cơ quan chủ quản có trách nhiệm bố trí vốn đầu tư (kể cả trong trường hợp phát sinh tăng tổng mức đầu tư) để hoàn thành dự án đúng tiến độ; bảo đảm đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý hoặc có biện pháp tăng cường bảo đảm đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý thực hiện các dự án, dự án thành phần đáp ứng tiến độ và chất lượng yêu cầu theo quy định. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện trong việc triển khai dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, khả thi và đồng bộ của dự án.
Theo đó, tổng số có 16 dự án, dự án thành phần được phân cấp cho các UBND tỉnh.
Cụ thể, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản dự án thành phần 1; Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản dự án thành phần 2; UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản dự án thành phần 3.
Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản dự án thành phần 1; Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản dự án thành phần 2; UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chủ quản dự án thành phần 3.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 do UBND tỉnh An Giang là cơ quan chủ quản dự án thành phần 1; UBND thành phố Cần Thơ là cơ quan chủ quản dự án thành phần 2; UBND tỉnh Hậu Giang là cơ quan chủ quản dự án thành phần 3; UBND tỉnh Sóc Trăng là cơ quan chủ quản dự án thành phần 4.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 do UBND tỉnh Đồng Tháp là cơ quan chủ quản dự án thành phần 1; UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan chủ quản dự án thành phần 2.
Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 (đoạn qua tỉnh Tuyên Quang) do UBND tỉnh Tuyên Quang là cơ quan chủ quản.
UBND tỉnh Hà Giang là cơ quan chủ quản dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 (đoạn qua tỉnh Hà Giang).
UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan chủ quản dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình).
UBND tỉnh Nam Định là cơ quan chủ quản dự án đầu tư cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định trên tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
Trước đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị phân cấp 14 trên 16 dự án cho địa phương và 2 dự án còn lại giao Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng việc giao 14 dự án thành phần cho các địa phương làm cơ quan chủ quản thì trách nhiệm của UBND cấp tỉnh rất nặng nề. Cùng với việc phải kiện toàn nhân sự, đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm của ban quản lý dự án trực thuộc hoặc tư vấn quản lý dự án, UBND cấp tỉnh còn phải bố trí đủ phần vốn ngân sách địa phương để thực hiện. Trong trường hợp tổng mức đầu tư dự án tăng, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp để triển khai thực hiện dự án.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho rằng việc giao địa phương làm cơ quan chủ quản thể hiện sự phân cấp tối đa cho địa phương. Mặt khác, 2 dự án thành phần giao Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản đều là những đoạn tuyến có tính chất phức tạp về mặt kỹ thuật hoặc nằm trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố.
Người đồng hành