Phân công công tác của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng
Hôm nay (13/4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 621/QĐ-TTg phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ.
- 12-04-2016Không thể có chuyện Thủ tướng kiêm phó Thủ tướng
- 09-04-2016Tiểu sử các Tân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên Chính phủ
- 09-04-2016GS.TS Vương Đình Huệ - Cậu học trò nghèo giỏi nhất vùng trở thành tân Phó Thủ tướng
- 09-04-2016Hôm nay, Quốc hội bầu 3 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng mới
- 08-04-2016Lộ diện các chức danh Phó Thủ tướng, Bộ trưởng được đề cử
Theo đó, phân công nhiệm vụ của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ như sau:
1. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ
a) Lãnh đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.
b) Trực tiếp chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác sau đây:
- Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước và các vùng (bao gồm cả quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất).
- Chiến lược, chính sách tài chính, tín dụng, tiền tệ quốc gia.
- Chi ngân sách nhà nước, sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước, Quỹ dự trữ tài chính, Quỹ dự trữ ngoại hối và các Quỹ khác của Nhà nước; phát hành công trái, trái phiếu Chính phủ; kế hoạch cung ứng tiền hằng năm.
- Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
- Công tác xây dựng thể chế; tổ chức bộ máy và công tác cán bộ; địa giới hành chính nhà nước; phát triển nông nghiệp, nông thôn; những vấn đề chung về công tác dân tộc, tôn giáo và thi đua, khen thưởng.
- Những nhiệm vụ đột xuất, quan trọng và những giải pháp có tính đột phá trên các lĩnh vực.
- Quan hệ phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
c) Theo dõi và chỉ đạo: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
d) Trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về Biển Đông - Hải đảo, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quốc gia giáo dục, Chủ tịch một số Hội đồng, Ủy ban quốc gia và Trưởng một số Ban Chỉ đạo khác.
2. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình
a) Làm nhiệm vụ Phó Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ.
b) Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
- Cải cách hành chính.
- Phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
- Phòng chống tham nhũng; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
- Phòng chống tội phạm.
- Đặc xá.
- Cải cách tư pháp.
- Xử lý các vấn đề thường xuyên về công tác dân tộc, tôn giáo và thi đua khen thưởng.
- Phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
c) Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
d) Làm nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm; Chủ tịch các Hội đồng, các Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo lĩnh vực liên quan.
đ) Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.
3. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ủy viên Ban cán sự Đảng Chính phủ
a) Trực tiếp làm nhiệm vụ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
b) Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
- Ngoại giao và quan hệ đối ngoại (bao gồm đối ngoại Đảng, Nhà nước và nhân dân).
- Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và viện trợ phi chính phủ.
- Hội nhập quốc tế; theo dõi, chỉ đạo đàm phán và thực hiện các cam kết quốc tế song phương, đa phương (trừ các lĩnh vực quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này).
- Quan hệ với các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
- Công tác biên giới và các vấn đề Biển Đông - Hải đảo.
- Công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
- Các vấn đề về nhân quyền.
c) Làm Chủ tịch các Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, Trưởng Ban chỉ đạo về Nhân quyền, Chủ tịch các Hội đồng quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo lĩnh vực liên quan.
d) Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.
4. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Ủy viên Ban cán sự Đảng Chính phủ
a) Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
- Khối kinh tế tổng hợp, bao gồm: Kế hoạch; tài chính, giá cả; tiền tệ ngân hàng; thị trường chứng khoán, các nguồn đầu tư tài chính; dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
- Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
- Hội nhập kinh tế quốc tế; theo dõi, chỉ đạo đàm phán và thực hiện các Hiệp định kinh tế song phương và đa phương.
- Chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội; xóa đói giảm nghèo.
- Phát triển các loại hình doanh nghiệp.
- Kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
b) Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
c) Làm nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; Trưởng Ban Chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương nhà nước; Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; Chủ tịch các Hội đồng quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo lĩnh vực liên quan.
d) Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.
5. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban cán sự Đảng Chính phủ
a) Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
- Giáo dục và đào tạo.
- Khoa học và công nghệ.
- Lao động, việc làm và các vấn đề xã hội.
- Thông tin và truyền thông.
- Văn hóa, du lịch; thể dục, thể thao.
- Y tế, dân số, gia đình và trẻ em.
b) Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
c) Làm Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh; Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch; Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm; Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Chủ tịch các Hội đồng quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo lĩnh vực liên quan.
d) Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.
6. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Ban cán sự Đảng Chính phủ
a) Giúp Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
- Công nghiệp, thương mại - xuất nhập khẩu, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường.
- Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI).
- Chỉ đạo bảo đảm năng lượng và tiết kiệm năng lượng.
- Các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản theo phân cấp của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công.
- Các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.
- Công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.
b) Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
c) Làm nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước; Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước các Dự án trọng điểm về dầu khí; Trưởng Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm; Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản; Chủ tịch các Hội đồng quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo lĩnh vực liên quan.
d) Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành; các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ./.