MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phấn đấu có 12 - 15 ngân hàng đáp ứng đủ mức vốn tự có theo Basel II

20-06-2017 - 11:24 AM | Tài chính - ngân hàng

Đến năm 2020, các ngân hàng thương mại triển khai áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực vốn Basel II, trong đó phấn đấu có 12 - 15 ngân hàng đáp ứng đủ mức vốn tự có theo Chuẩn mực vốn Basel II.

Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Trong đó, đối với ngành ngân hàng, cần tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; xử lý cơ bản và triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; đến năm 2020, các ngân hàng thương mại triển khai áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực vốn Basel II, trong đó phấn đấu có 12 - 15 ngân hàng đáp ứng đủ mức vốn tự có theo Chuẩn mực vốn Basel II; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay bảo đảm cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4.

Hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các chính sách, công cụ, các chỉ tiêu giám sát nợ công, bộ máy quản lý nợ công, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và pháp luật có liên quan, phù hợp với thông lệ quốc tế, để kiểm soát toàn diện rủi ro và hiệu quả nợ công. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ nước ngoài quốc gia hằng năm trong giới hạn, mục tiêu đề ra; đảm bảo dư địa dự phòng cho các rủi ro tiềm ẩn; thực hiện tái cơ cấu nợ công nhằm giảm thiểu các rủi ro về kỳ hạn nợ, rủi ro tái cấp vốn, thanh khoản, tỷ giá, lãi suất, tín dụng; bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Giám sát chặt chẽ việc cho vay, sử dụng vốn của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cho các mục đích của ngân sách.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương về tài chính - ngân sách nhà nước và nợ công. Cụ thể, siết chặt kỷ luật tài khóa, ngân sách, nợ công; thực hiện thu chi trong phạm vi dự toán, vay nợ, giải ngân trong phạm vi kế hoạch và hạn mức được cấp thẩm quyền quyết định; chỉ ban hành cơ chế, chính sách chi khi có nguồn tài chính đảm bảo; hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán, chuyển nguồn, điều chỉnh tổng mức đầu tư các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay; xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản và không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản mới. Tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán, thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm trong công tác quyết toán các dự án hoàn thành.

Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước; không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế. Các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn...

Mai Ngọc

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên