Phận đời "chị Dậu" và nỗi phẫn uất của người đàn bà bị thu giường
Việc gia đình chị Toàn bị cán bộ tịch thu chiếc giường, huyện Nông Cống cho rằng, đó là hành động... tự nguyện của gia chủ. Tuy nhiên, chị Toàn bảo, đó là những lời bịa đặt.
Ngôi nhà bi thương và khoản nợ khó trả
Như bài báo trước chúng tôi đã nhắc qua chuyện gia đình chị Lê Thị Soi, một hộ nghèo khốn khổ ở làng Thành Liên, người cũng bị làng đem "miếng mồi" hộ nghèo ra nhử để ép đóng nốt khoản nợ mà gia đình chị đã nặng mang từ mấy năm trước.
Ở Thành Liên, nhắc đến gia đình chị Soi, bất cứ ai cũng không cầm được nước mắt, bởi cuộc đời người đàn bà nhom nhách ấy là chuỗi dài bi kịch.
Lần về lại Thành Liên này, chúng tôi đã hai lần ghé thăm gia đình người đàn bà bất hạnh đang một nách nuôi ba con nhỏ ấy. Sở dĩ phải quay lại nhà chị Soi thêm lần nữa bởi người đàn bà khốn khổ này đã giấu chúng tôi một sự thật đau lòng.
Nhà chị Soi nằm khuất dưới tán cây thâm u. Tuy là nhà xây mái bằng nhưng chẳng vôi ve gì, cửa giả tuềnh toàng bởi được ghép tạm bằng mấy tấm ván xù xì. Trời tí tách mưa càng khiến cảnh vật quanh ngôi nhà ấy thêm phần lạnh lẽo, u buồn.
Thấy có khách viếng thăm, chị Soi cuống cuồng mở cửa. Ngoài sân cảnh vật đã buồn, trong nhà còn thấy thê lương gấp bội. Giữa nhà, chị Soi đặt bàn thờ chồng. Cạnh bàn thờ là cả nắm khăn xô trắng xóa.
Chồng mất sớm, bỏ lại chị Soi chơ vơ giữa đời.
Có với nhau 3 mặt con lít nhít, anh Nguyễn Văn Ba, chồng chị Soi đã vội vã lìa đời khi tuổi mới vừa 30. Mất chồng, côi cút giữa đời, gánh nặng con cái đã nhiều lúc chị Soi thấy mình đuối sức.
Lần đầu ghé thăm, trò chuyện với chúng tôi, chị Soi chỉ bảo, chồng chị vắn số bởi lâm bệnh hiểm nghèo.
Sau ngày chồng mất, bởi không muốn âm dương vương vấn nên khi dọn nhà chị đã hóa vàng tất cả những giấy tờ mà anh để lại. Trong đám giấy má nhàu nhĩ ấy có cả xấp giấy thông báo các khoản thu của xã, của làng mà anh tích từ nhiều năm trước.
Đến cuối năm 2015, khi làng họp bình xét hộ nghèo, chị mới ngã ngửa khi biết đích xác gia đình mình còn thiếu 5 triệu tiền đường từ mùa đóng góp trước đó.
Thân góa phụ, một mình bươn trải lần ăn cho đàn con nheo nhóc, biết gia đình mình lọt vào "danh sách đề cử" hộ nghèo của làng, chị mừng muốn rơi nước mắt.
Tuy nhiên, niềm hân hoan, hi vọng ấy bỗng nhiên tắt ngấm bởi làng có ý kiến, gia đình phải xóa khoản nợ trên thì chứng nhận hộ nghèo mới có thể đến tay.
"Miếng mồi" cay đắng
Nghĩ "được cái hộ nghèo" thì phận mình cùng bày con bớt khổ nên tính toán đắn đo, thiệt hơn cân nhắc, cuối buổi họp làng chị đã đánh liều cam kết sẽ gắng sức giải quyết khoản nợ kếch xù trên.
Được nhời như cởi tấm lòng, biên bản họp làng hôm ấy đã ghi dòng chữ đầy bao dung, nhân ái: "Sau khi được nhân dân thống nhất đồng ý cho gia đình chị Soi trong năm 2016 chia ra làm 3 đợt phải thanh toán xong đường làng, chị Soi cũng đã thống nhất ký vào biên bản để được hộ nghèo năm 2016".
Chị Soi bảo, khi ấy đồng ý thanh toán nợ nhưng kỳ thực chị cũng chẳng biết lấy tiền ở đâu.
Sau khi vay mượn để trả một phần nợ, chị Soi cũng được đón nhận... chứng nhận hộ nghèo.
Sau buổi họp ấy, chị Soi đã chạy vạy vay mượn khắp nơi.
Chừng tháng sau, khi đã trả cho làng phần ba số tiền gia đình đang nợ, chị đã được trưởng làng bảo lên xã nhận quyết định hộ nghèo.
"Người khác thì được nhận những khoản ưu đãi từ đầu năm nhưng gia đình tôi chỉ được nhận từ tháng thứ hai trở đi. Cán bộ xã bảo, tháng một do tôi chưa có chứng nhận hộ nghèo nên không được nhận ưu đãi", chị Soi cho biết.
Cũng theo chị Soi, cho tới thời điểm này, bảo hiểm y tế dành cho hộ nghèo của 4 mẹ con, chị vẫn chưa được nhận.
"Có chứng nhận hộ nghèo rồi tôi mừng quá nên cũng không nhớ đến mấy cái thẻ bảo hiểm ấy. Cũng may năm qua mấy mẹ con tôi không ai phải ốm đau gì", chị Soi hồn nhiên.
Bi kịch phận nghèo
Như đã nói ở trên, chúng tôi phải quay lại gia đình chị Soi lần thứ hai bởi lần thứ nhất, khi ra về chúng tôi mới tình cờ phát hiện một sự thật xa xót. Sự thật ấy, lần gặp đầu tiên, chị Soi đã cố tình che giấu.
Sự thật ấy liên quan đến cái chết của chồng chị Soi.
Lần gặp đầu tiên, dù mấy lần gặng hỏi, chị Soi chỉ bảo chồng mình giã từ dương thế bởi bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, nhắc đến cảnh ngộ của chị, người làng buột miệng bảo, chồng chị Soi chết bởi quyên sinh.
Anh kết liễu đời mình bằng liều thuốc diệt cỏ. Nguyên nhân nào khiến người đàn ông trụ cột gia đình phải bỏ vợ, bỏ con mà lìa đời trong đau đớn?
Nhắc đến chuyện chồng mình, lần này người đàn bà có khuôn mắt khắc khổ ấy đã chứa chan nước mắt.
Chị Soi bảo, khi lấy nhau, chồng chị cũng là người chịu thương chịu khó. Bất kể nơi nào có việc là anh cũng xúm vào làm những mong kiếm được tiền nuôi vợ, nuôi con.
Tuy nhiên, con đẻ sòn sòn, lại thêm nặng gánh đóng góp cho làng, cho xã nên cái nghèo cứ quẩn quanh, bám riết.
Bất lực với đời, anh lao vào rượu rồi tìm vận may bằng trò chơi đề đóm. Thấy chồng phẫn chí, chị Soi đã nhiều lần khuyên nhủ. Tuy nhiên, anh chỉ nghe được vài ngày rồi cứ khi có chuyện bế tắc lại lấy rượu làm vui.
Trước lúc quyên sinh mấy tháng, chị Soi thấy chồng mình có biểu hiện khác lạ. Anh hay nói về cái chết và coi đó là lối thoát cho cuộc đời bế tắc của mình.
Thấy chồng mình tâm lý bất ổn, chị cũng thấy hoang mang. Vài tháng sau, một lần sang nhà nội, anh của chồng chị mới cho biết một chuyện rụng rời. Theo đó, anh chồng chị cho biết, chồng chị bị bệnh gan, không muốn vợ con lo nên kết đã giấu kết quả xét nghiệm.
Biết tin đó, về nhà, chị Soi đã động viên chồng lo đường chạy chữa. Thế nhưng, nói thế nào thì anh cũng chỉ ậm ừ. Có lẽ, nhìn cảnh nhà, nhìn khoản nợ mà hai vợ chồng đang nai lưng gánh nên chồng chị đã có… dự tính riêng cho mình.
Một nách nuôi 3 đứa con, chị Soi đã vô cùng vất vả.
Chị Soi kể, trưa ấy, khi chị đi thả bò về thì vẫn thấy chồng nằm co ro trên giường. Về nhà, vội vàng xuống bếp thổi cơm thì chị thấy chồng kêu đau đầu. Lên hỏi chuyện thì anh bảo, giờ chỉ muốn chết thôi.
Nghe chồng nói vậy, chị đã mếu máo nói, anh không thương em thì thương lấy các con. Nghĩ mình nói vậy thì chồng sẽ tỉnh ra nhưng nào ngờ anh nằm thêm một lát anh đã vùng dậy lặng lẽ lấy xe đi.
Cơm dọn ra mà chồng vẫn không thấy về, chị cuống cuồng đi tìm nhưng không thấy. Tới chiều, người làng báo về, chồng chị đã chết trên núi, bên cạnh là chai thuốc diệt cỏ.
Chồng quyên sinh, chị Soi sốc nặng. Nhiều tháng sau nỗi đau vẫn còn giằng xé tâm can. Nỗi đau ấy khiến chị sọp đi. Thời gian ấy, người làng còn tưởng chị sẽ theo chồng về bên kia thế giới.
Không còn chồng, biết phận mình, chị Soi đã gắng sức tần tảo sớm hôm để kiếm tiền nuôi ba đứa con thơ dại. Việc đồng áng xong là chị lại làm ngồi khâu nón để bán thêm. Nhiều đêm, khi làng đã yên giấc, chị vẫn chong đèn làm việc.
Vụ đóng góp 6 tháng đầu năm vừa qua, tuy làng, xã không làm công trình lớn, tuy được hưởng những chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo nhưng 4 mẹ con chị vẫn phải đóng các khoản… lặt vặt là hơn 1,2 triệu đồng. Khoản nợ tiền đường đến giờ vẫn còn hơn 4 triệu đồng.
Niềm tin đặt nhầm chỗ
Ở làng Thành Liên, chị Nguyễn Thị Toàn cũng có hoàn cảnh bi đát như gia đình chị Soi. Chị Toàn chính là chủ nhân của chiếc giường đã bị cán bộ làng, xã xông vào nhà tịch thu khi gia đình không đủ tiền đóng góp mà chúng tôi đã phản ánh trong bài báo trước.
Lại nhắc chuyện khó tin nhưng có thật này, ngay sau khi chúng tôi đăng tải bài viết trên, chị Toàn đã được xã mời lên… làm việc.
Theo lời chị Toàn, buổi làm việc ấy có cả sự có mặt của cán bộ huyện Nông Cống. Tại đây, chị Toàn cũng kể lại toàn bộ sự việc như đã từng kể với chúng tôi.
Sau buổi làm việc ấy, trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại, chị Toàn tỏ ra vô cùng mừng rỡ.
"Giờ cán bộ huyện đã xuống làm việc rồi, những người thấp cổ bé họng như chúng tôi có cơ hội kêu rồi!", qua điện thoại chị Toàn nói đầy tin tưởng.
Tuy nhiên, niềm tin của người đàn bà quanh năm đầu tắt mặt tối này đã đặt nhầm chỗ.
Không đủ tiền đóng góp, chị Toàn đã bị cán bộ làng xã đến nhà tịch thu chiếc giường, tài sản duy nhất của gia đình.
Báo cáo của UBND huyện Nông Cống đã không giống như những gì chị Toàn đã trình bày.
Cụ thể, tổ công tác cho rằng "việc đưa giường về nhà văn hóa thôn có nhiều lý do, theo lời bà Toàn kể, ông Tám chồng bà thần kinh không bình thường, thường xuyên uống rượu, hay gây gổ đánh đập vợ con, đập phá tài sản.
Vì vậy, bà Toàn đã nhiều lần phải nhờ thôn can thiệp để bảo vệ tài sản của gia đình".
Giống như lời ông Nguyễn Sỹ Thành, trưởng làng Thành Liên, báo cáo của UBND huyện Nông Cống cũng cho rằng, việc cán bộ làng, xã thu giường của gia đình chị Toàn là do chị có… yêu cầu!
Đọc xong bản báo cáo trên, tay chị Toàn run bắn. "Tôi không hề nói như vậy. Rõ ràng, năm đó một đoàn cán bộ xã, làng đến nhà rồi cưỡng chế tháo chiếc giường mang đi. Tôi là người bình thường chứ không phải thần kinh.
Làm gì có chuyện cả nhà có một cái giường, giữa mùa đông rét mướt lại nhờ làng đến mang đi!?", chị Toàn bức xúc.
Theo chị Toàn, khi kể với chúng tôi, chị có nhầm lẫn về mặt thời gian. Theo đó, sự việc cán bộ làng, xã ập đến nhà chị và khênh đi chiếc giường, tài sản duy nhất của gia đình diễn ra vào khoảng năm 2006-2007.
"Hành động của các ông ấy đến chết tôi cũng không quên được nên khi lên xã, tôi đã kể rất rõ ràng", chị Toàn cho biết.
Lá đơn phẫn uất
Cũng trong phần "xác minh" này, bản báo cáo nhấn mạnh những việc làm ý nghĩa mà chính quyền sở tại ưu ái dành cho gia đình chị Toàn.
"Năm 2012, anh Tám chồng bà Toàn đi làm ở miền Nam và bị chết (không rõ nguyên nhân), dân làng đã quyên góp tiền đã chị Toàn vào nam đưa mộ anh Tám về.
Sau khi anh Tám chết, nhân dân làng Thành Liên, chính quyền thôn, xã đã luôn quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ chị Toàn trong việc phát triển kinh tế gia đình", báo cáo nêu rõ.
Nhắc đến chồng, chị Toàn lại thêm phần nức nở. Cắm xong cho chồng nén nhang, nước mắt vắn dài, chị Toàn bảo: "Sao người ta điêu đến thế! Chồng tôi bây giờ vẫn nằm ở Quy Nhơn chứ đưa về hồi nào!".
Không chỉ ghi trong báo cáo những lời không đúng sự thật, theo chị Toàn, những ngày qua, trên loa truyền thanh của xã còn lớn tiếng rêu rao, gia đình chị còn được chính quyền ủng hộ mấy triệu đồng để xóa nhà tranh tre dột nát.
"Họ nói mà không biết ngượng, nhà tôi làm đã lâu rồi, họ nào có ủng hộ đồng nào!", chị Toàn tức giận.
Chị Toàn làm đơn phản ứng lại báo cái sai sự thật của UBND huyện Nông Cống.
Bức xúc với những lời lẽ không đúng sự thật trong bản báo cáo trên nên đêm đó chị Toàn đã thức trắng để viết đơn… khiếu nại. Đơn của chị Toàn phủ kín 4 trang giấy, tuy chữ nghĩa vẹo xiêu nhưng đong đầy nước mắt oán giận.
"Tôi tin rằng, nếu giải quyết theo đường lối này thì người dân muôn đời phải chịu áp lực, cưỡng chế… Tôi tha thiết yêu cầu, nhà nước pháp luật cấp trên giải quyết một cách đúng đắn, nghiêm minh", cuối đơn chị Toàn viết.
Trí thức trẻ/ Soha