Phân khúc bất động sản này vẫn ‘cháy hàng’ bất chấp dịch bệnh
Từ khi dịch bệnh Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc, làn sóng di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam khiến bất động sản công nghiệp tại nước ta trở thành điểm sáng trong mắt khối doanh nghiệp FDI.
- 22-11-2021‘Chê’ đầu tư đất nền vùng ven bấp bênh, nhiều nhà đầu tư mua đất trung tâm xây nhà để bán
- 22-11-2021Rầm rộ đấu giá đất, nhà đầu tư tham gia với tâm thế ‘được ăn cả, ngã về không’
- 22-11-2021Hưng Yên thành lập thêm khu công nghiệp mới quy mô 140ha
Bất chấp một năm 2021 đầy thách thức, Việt Nam vẫn đang tiếp tục chuyển đổi từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp có giá trị cao. Các ngành công nghiệp giá trị thấp đang dần dần hình thành ở những khu vực khác tại Đông Nam Á. Nguyên nhân là do Việt Nam không còn áp dụng các chính sách ưu đãi như trước, nên việc tìm kiếm nguồn lao động cũng như đất đai giá rẻ tại Việt Nam trở nên khá khó khăn. Tuy nhiên, nhà đầu tư của những ngành công nghiệp có giá trị cao tại nước ngoài vẫn lạc quan về sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.
Theo báo cáo Sách Trắng bất động sản công nghiệp Việt Nam vừa được Savills công bố cho biết, vùng Kinh Tế Trọng Điểm phía Bắc bao gồm Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh đang có tỷ lệ lấp đầy ổn định dù dịch bệnh vẫn hoành hành. Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Bắc có mạng lưới giao thông phát triển, đất công nghiệp đắc địa được hỗ trợ bởi sự phát triển của nhiều cơ sở hạ tầng mới; vị trí địa lý gần cùng với nguồn đầu tư Trung Quốc; đồng thời cũng là khu vực tập trung vào công nghiệp nặng, điện tử và các dự án quy mô lớn.
Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy tăng ở một số tỉnh nhưng nhìn chung vẫn ổn định. Tỷ lệ lấp đầy trung bình năm 2021 tại Bắc Ninh đạt 99%, Hà Nội 91%, Hưng Yên 88%, Hải Dương 86% và Hải Phòng 70%.
Savills cũng cho biết, do hạn chế đi lại và tỷ lệ lấp đầy tương đối ổn định, giá cả ít leo thang hơn so với giai đoạn 2018-2020. Giá tại Hà Nội đạt 129 USD/m2 và Bắc Ninh là 106 USD/m2, Hải Phòng tăng lên 101 USD/m2 và Hải Dương đạt 79 USD/m2. Trong đó, Hưng Yên có mức tăng mạnh nhất, đạt mức 22% so với cùng kỳ năm ngoái và giá là 101 USD/m2.
Tương tự, tại vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam trải dài từ TP. HCM đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Lợi thế của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm vị trí gần TP. HCM - trung tâm kinh tế của Việt Nam, cảng Cát Lái nằm trong giới hạn TP. HCM, nguồn cung lao động có tay nghề cao từ các cơ sở giáo dục tốt và các lĩnh vực đầu tư đa dạng.
Giống như miền Bắc, tỷ lệ lấp đầy tăng ở một số tỉnh nhưng nhìn chung ổn định. Tỷ lệ lấp đầy trung bình năm 2021 tại Tp.HCM đạt 99%, Đồng Nai 95%, Bình Dương 91%, Long An 84% và Bà Rịa-Vũng Tàu 80%.
Bên cạnh đó, giá thuê đất tại các khu công nghiệp gần thành phố lớn miền Bắc Tăng chậm lại so với giai đoạn 2018 - 2020. Giá thuê đất Khu công nghiệp tại TP. HCM khoảng 161 USD/m2, Long An 138 USD/m2, Bình Dương 108 USD/m2 và Đồng Nai 104 USD/m2. Giá chào thuê đất KCN tại Bà Rịa-Vũng Tàu là 94 USD/m2, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông John Campbell, Trưởng bộ phận dịch vụ Bất động sản Công nghiệp Savills Việt Nam, nguyên nhân là những nhà phát triển công nghiệp đã không thể cho thuê nhiều bất động sản như dự kiến bởi các nhà đầu tư nước ngoài và khách thuê không thể trực tiếp tham quan, lựa chọn và ký hợp đồng cho thuê bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, năm 2021 có nhiều nguồn cung bất động sản công nghiệp do sự ra đời của các khu công nghiệp và dự án mới.
“Việc phong tỏa và hạn chế đi lại đã làm chậm sự di dời hoạt động khỏi Trung Quốc vào năm 2021 như dự kiến. Song, các nhà phát triển tin rằng hoạt động cho thuê sẽ hiệu quả hơn vào năm 2022, khách thuê và nhà đầu tư cũng sẽ có nhiều lựa chọn về nguồn cung mới khi nhiều lệnh giãn cách được dỡ bỏ”, vị chuyên gia chia sẻ.