Phân khúc BĐS vừa để ở vừa kinh doanh hút khách trước lo ngại lạm phát
Trong quý 1/2022, số lượng giao dịch biệt thự/nhà phố tại TP.HCM tăng mạnh do người dân đang phải đối mặt với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraina và lạm phát toàn cầu.
- 22-04-2022Vì sao giá chung cư Hà Nội và TP.HCM vẫn tiếp tục tăng trong khi giao dịch giảm?
- 21-04-2022Chuyên gia lo ngại bong bóng BĐS có thể xảy ra vào 2023 nếu không kịp thời điều chỉnh nguồn cung, dòng vốn
- 21-04-2022Đề xuất cấp sổ đỏ cho condotel, "cởi trói" cho hàng trăm dự án bất động sản nghỉ dưỡng
Thị trường Hà Nội thu hút nhà đầu tư
Theo báo cáo của Colliers Việt Nam, tại thị trường Hà Nội, trong quý 1/2022, chịu ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19 sau Tết, các chủ đầu tư phải hoãn thời gian mở bán nên lượng cung giảm nhẹ.
Hầu hết nguồn cung trong quý 1/2022 đến từ các giai đoạn trước của các dự án hiện hữu. Bất động sản nằm trong khu đô thị lớn thu hút nhiều người mua hơn do đầy đủ tiện ích. Vinhomes tiếp tục thống lĩnh thị trường bất động sản đất nền với nhiều khu đô thị lớn là vị trí tiềm năng.
Quận Hà Đông dẫn đầu về nguồn cung, dẫn đầu là một số chủ đầu tư như Sunshine, Nam Cường Group, Vinhomes. Biệt thự chiếm 20% tổng nguồn cung toàn thị trường, trong khi đó, nhà phố chiếm 40% và nhà phố thương mại chiếm 40% tổng nguồn cung bất động sản đất nền.
Trong quý 1/2022, số lượng giao dịch tại Hà Nội giảm nhẹ do ảnh hưởng của Covid-19 sau Tết. Hầu hết các giao dịch trong quý này đến từ thị trường thứ cấp và nằm ở các quận ngoại thành.
Các giai đoạn tiếp theo từ các dự án lớn như Vinhomes Đan Phượng, Ecopark, Gamuda City vẫn đang được mở bán. Các dự án có chất lượng xây dựng tốt, tiến độ thi công nhanh đã hấp dẫn hơn không chỉ các nhà đầu tư ở Hà Nội, mà còn cả các nhà đầu tư từ các tỉnh lân cận và TP. Hồ Chí Minh. Việc ra mắt các tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông là yếu tố khiến thị trường Hà Nội sẽ sôi động hơn trong vài năm tới.
Nguồn cung tại TP.HCM dịch chuyển sang các tỉnh lân cận
Còn tại thị trường TP.HCM, nguồn cung trong quý 1/2022 chủ yếu đến từ các dự án hiện hữu liên tục mở bán, chỉ có một dự án mới mở bán tại TP. Thủ Đức. Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho từ thị trường thứ cấp vẫn ở mức cao. Do quy mô đất nền lớn cần có để xây phố, các dự án bất động sản đất nền có xu hướng phát triển ở các vị trí ngoài trung tâm nơi có quỹ đất lớn, nguồn cung bất động sản đất nền cũng đang chuyển sang các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai trong những năm gần đây.
TP.HCM vẫn còn quỹ đất cho bất động sản đất nền ở một số quận, huyện ngoại thành, tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn đang chờ đợi sự phát triển của cơ sở hạ tầng.
Xét về giá, ở thị trường sơ cấp, trong quý 1/2022, số lượng giao dịch tăng mạnh do người dân đang phải đối mặt với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraina và lạm phát toàn cầu. Xét về loại hình bất động sản đất nền, nhà phố thương mại đang dần trở nên kém hấp dẫn so với những năm trước, do ngành bán lẻ đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch, trong khi hình thức kinh doanh đang dần chuyển sang thương mại điện tử.
Tuy nhiên, các căn nhà phố thương mại tại khối đế của các tòa chung cư vẫn có sức hút lớn. Nhà phố vẫn là một nơi tốt để nắm giữ tài sản cho các nhà đầu tư cá nhân. Mặc dù kinh tế trong nước đang dần hồi phục, người mua đã chuyển sự quan tâm đối với bất động sản tại các khu vực khác. Thị trường tại các tỉnh trở hấp dẫn hơn đối với người mua với lượng lớn nguồn cung bất động sản giá cả phải chăng và các điều khoản thanh toán hấp dẫn hơn. Nguồn cung hạn chế và mặt bằng giá cao đã thu hẹp phạm vi người mua tại TP.HCM.
Thị trường bất động sản đất nền TP.HCM dự kiến sẽ tập trung vào TP. Thủ Đức, các quận phía Tây và phía Bắc, thị trường biệt thự xây sẵn và nhà liền kề tập trung chủ yếu ở TP.Thủ Đức và Huyện Nhà Bè. Các dự án mới ra mắt dự kiến sẽ có quy mô lớn hơn trong vòng ba năm tới.
Thị trường đất nền gần đây tập trung vào các khu vực lân cận của TP.HCM như huyện Long Thành, Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai và huyện Bến Lức của tỉnh Long An, nơi có nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng sắp được triển khai hoặc phê duyệt để triển khai.
Về các kênh huy động vốn, Chính phủ tiếp tục thắt chặt tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản làm hạn chế cơ hội tiếp cận các quỹ tài chính của các chủ đầu tư.
Hơn nữa, họ còn gây khó khăn cho khách hàng và các nhà đầu tư cá nhân khi sử dụng đòn bẩy tài chính trong việc tài trợ cho nhu cầu của họ không chỉ để có được chỗ ở mà còn để đầu tư sinh lời.
Theo chuyên gia của Collers, bất động sản biệt thự và nhà phố được cư dân Việt Nam ưa chuộng theo truyền thống, vừa để ở vừa để đầu tư. Điều này là do quan niệm rằng đất đai vẫn giữ giá trị theo thời gian và truyền thống ưa chuộng nhà đất của người Việt.
Từ năm 2022 trở đi, Hà Nội có quỹ đất lớn nằm ở các huyện ngoại thành như Quốc Oai, Hoài Đức hay Hưng Yên. Việc thắt chặt chi tiêu và các quy định pháp lý sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các nhà phát triển bất động sản và khách hàng nhưng sẽ làm cho thị trường lành mạnh và minh bạch hơn.
Trong vài năm tới, sự điều chỉnh của thị trường do thay đổi pháp lý sẽ sớm diễn ra nhanh chóng, và kỳ vọng thị trường sẽ trở lại sôi động sau một thời gian ảm đạm.