MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phần Lan có phương pháp 'trị' bạo lực học đường hiệu quả nhưng vì sao chưa thể áp dụng ở các quốc gia khác?

19-04-2023 - 14:39 PM | Sống

Bạo lực học đường là một vấn đề nghiêm trọng và dường như chưa có đất nước nào có thể giải quyết triệt để.

Bạo lực học đường có thể có nhiều hình thức khác nhau, như tác động vật lý, dùng lời nói gây tổn thương hoặc bắt nạt trực tuyến. Nỗi đau nạn nhân phải chịu đựng không phải lúc nào cũng hiển hiện trên da thịt, chúng không dừng lại ở những vết bầm tím cơ thể mà còn là vết cắt sâu trong tâm trí, để lại sự thương tổn ám ảnh nạn nhân đến mãi về sau.

Một báo cáo của Viện Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia vào năm 2017 đã nhấn mạnh rằng bạo lực học đường đang trở thành một “vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng” đối với giới trẻ. Vì những hậu quả mà bắt nạt học đường gây ra, hầu như mọi quốc gia đều cố gắng giảm thiểu tình trạng bắt nạt nhằm kiến tạo một môi trường giáo dục lành mạnh nhất. Một số quốc gia tiêu biểu có thể kể đến Nhật Bản, Thụy Điển, Na Uy, Hàn Quốc, hoặc Phần Lan. Và nổi bật trong số đó là Phần Lan.

Chuyện bắt nạt học đường trên thế giới: Phần Lan có phương pháp "trị" bạo lực hiệu quả nhưng vì sao chưa thể áp dụng rộng rãi ở Mỹ cũng như các quốc gia khác? - Ảnh 1.

Phần Lan đã có một chương trình thử nghiệm đã đạt được thành công rộng rãi trong việc chống lại bạo lực học đường tại các trường học. Chương trình này được gọi là KiVa - viết tắt của “kiusaamista vastaan”, có nghĩa là “chống lại bạo lực học đường”.

Chương trình đã được phát triển bởi giáo viên và nhà nghiên cứu tại Đại học Turku, với sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ Phần Lan, và đã được triển khai rộng rãi tại các trường học trên cả nước. Phương pháp KiVa được cho là hiệu quả vì nó đầu tư cho bốn yếu tố sau:

- Tập trung vào cả lớp học: Thay vì chỉ tập trung vào kẻ bắt nạt và nạn nhân, KiVa đề cao vai trò của cả lớp học trong việc ngăn chặn bạo lực học đường. Chương trình này giúp toàn bộ cả lớp nhận thức rõ tác động của bạo lực, khuyến khích sự đoàn kết giữa các thành viên trong lớp học, xây dựng một văn hóa xã hội nơi bạo lực là hành vi không chấp nhận được.

- Đẩy mạnh vai trò của nhân chứng: KiVa tập trung vào những người chứng kiến bạo lực hoặc có “vai trò nhân chứng” trong các tình huống bạo lực. Nhờ chương trình, họ có đủ kỹ năng, kiến thức và công cụ để đối phó với bạo lực diễn ra trước mắt, đồng thời can thiệp và hỗ trợ nạn nhân kịp thời.

- Giúp nạn nhân tự bảo vệ: KiVa giúp nạn nhân có kỹ năng để tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự hỗ trợ từ người xung quanh. Chương trình cũng chỉ ra hành vi sai lầm thường gặp là “đổ lỗi cho nạn nhân”.

- Đa dạng cách ứng dụng: KiVa sử dụng nhiều công cụ đa dạng như bài học, trò chơi, phòng tránh, hỗ trợ tâm lý, giáo dục cộng đồng, đánh giá hiệu quả và theo dõi để đạt được kết quả tốt nhất trong ngăn chặn bạo lực học đường.

Các yếu tố này kết hợp lại giúp phương pháp KiVa có tiềm năng ngăn chặn bạo lực học đường và xây dựng một môi trường học tập an toàn, hòa đồng và giảm thiểu bắt nạt.

Chuyện bắt nạt học đường trên thế giới: Phần Lan có phương pháp "trị" bạo lực hiệu quả nhưng vì sao chưa thể áp dụng rộng rãi ở Mỹ cũng như các quốc gia khác? - Ảnh 2.

Cần phải chú trọng các phương pháp giáo dục tập thể

Để chứng minh, một nghiên cứu năm 2016 được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học California Los Angeles đã khảo sát hơn 7.000 học sinh từ lớp 4 đến lớp 6 tại gần 80 trường tiểu học Phần Lan. Khoảng một nửa trường áp dụng biện pháp KiVa, số còn lại thì không. Các nhà nghiên cứu nhận ra KiVa thật sự giúp ích cho các nạn nhân. Nhưng hiện tại các thí nghiệm chỉ đang gói gọn trong quy mô của đất nước, vậy nếu đem áp dụng rộng rãi trên thế giới thì sao?

Rất tiếc, KiVa bắt đầu bộc lộ một số nhược điểm.

Hiệu quả ở Phần Lan nhưng không hiệu quả ở Mỹ

“Theo tôi, Hoa Kỳ là một trường hợp khác biệt”, đó là nhận định của Dorothy Espelage, giáo sư tâm lý học tại Đại học Florida, nghiên cứu về bạo lực học đường và quấy rối. Bối cảnh và nền giáo dục của Mỹ có nhiều điểm không tương đồng với Phần Lan, vì vậy mà cách giáo trục trên không thực sự hiệu quả. Đầu tiên phải xét đến:

1. Trường học ở Mỹ rất đa dạng

Một trong những lý do khiến KiVa không hiệu quả là vì nó không được thiết kế cho các đối tượng đa dạng tại các hệ thống trường công của Hoa Kỳ. “Học sinh Phần Lan đồng nhất về kinh tế, chủng tộc và văn hoá, trong khi các trường học ở Hoa Kỳ rất đa dạng về tình trạng kinh tế xã hội, sắc tộc và tôn giáo”, Espelage, giáo sư Đại học Florida nhận định.

Theo Espelage, sự bất bình đẳng xã hội mà những học sinh này phải đối mặt - cho dù đó là chủng tộc hay giai cấp - làm tăng nguy cơ bị bắt nạt.

Theo Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia, thành phần chủng tộc trung bình của sinh viên Mỹ năm 2014 là 50% người da trắng, 25% người gốc Tây Ban Nha và 16% người Mỹ gốc Phi. 9% còn lại bao gồm người châu Á và tộc người thuộc đảo Thái Bình Dương, người Mỹ bản địa và những người thuộc chủng tộc hỗn hợp.

Chuyện bắt nạt học đường trên thế giới: Phần Lan có phương pháp "trị" bạo lực hiệu quả nhưng vì sao chưa thể áp dụng rộng rãi ở Mỹ cũng như các quốc gia khác? - Ảnh 3.

Trẻ em thuộc nhóm thiểu số dễ trở thành nạn nhân của tình trạng bắt nạt nhất

Nếu những đứa trẻ có chủng tộc và hoàn cảnh kinh tế xã hội khác biệt, chúng có thể “vin” vào đặc điểm này mà bắt nạt, bới móc lẫn nhau. Trong đó, trẻ em thuộc nhóm thiểu số dễ trở thành nạn nhân của tình trạng bắt nạt nhất

2. Các trường học ở Mỹ gặp khó khăn về nguồn lực

Các trường học ở Hoa Kỳ cũng có các mức tài trợ và khả năng tiếp cận các nguồn lực khác nhau, và vấn đề thậm chí còn nhìn thấy rõ hơn ở các khu dân cư chủ yếu là người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha. Tại đây, học sinh có khả năng sẽ theo đuổi các trường học kinh phí thấp, và dĩ nhiên cách dạy học cũng sẽ không thể so với các trường có nguồn lực dồi dào hơn.

“Giáo dục mang tính địa phương. Sẽ không có một chương trình phù hợp với tất cả. Nó sẽ phải được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh”, Espelage kết luận.

3. Trách nhiệm nằm ở giáo viên

Theo Hubbard, một vị giáo sư đã thử nghiệm KiVa ở Đại học Delaware, cho biết vẫn có cách để chương trình hiệu quả với một môi trường đa dạng học sinh. Tuy nhiên, lúc này rào cản chính không nằm ở các em, mà ở giáo viên. Rõ ràng, theo Hubbard, có một sự khác biệt nhất định giữa phong cách dạy của giáo viên Phần Lan và giáo viên Mỹ. Rất nhiều giáo viên chưa thể áp dụng và định hướng học sinh theo KiVa.

Hơn nữa, các giáo viên đồng thời phải cáng đáng rất nhiều vai trò cùng một lúc, họ phải phòng chống ma túy, giáo dục giới tính, ngăn chặn bắt nạt chỉ là một trong số rất nhiều việc họ phải làm. Vì vậy, lẽ dễ hiểu là họ không thể đầu tư nhiều như giáo viên Phần Lan.

Chuyện bắt nạt học đường trên thế giới: Phần Lan có phương pháp "trị" bạo lực hiệu quả nhưng vì sao chưa thể áp dụng rộng rãi ở Mỹ cũng như các quốc gia khác? - Ảnh 4.

4. Thực ra, nền giáo dục Phần Lan đã tốt và bình đẳng ngay từ đầu

Đây dường như là yếu tố quan trọng nhất cần xét đến. Nền giáo dục Phần Lan ngay từ vạch xuất phát đã vượt trội hơn hẳn so với thế giới. Đất nước này cũng cực kỳ chú trọng cho giáo dục.

Hubbard cho biết, giáo viên là một nghề rất được coi trọng bởi giá trị mang lại cho đất nước: “Những người giỏi nhất và thông minh nhất trở thành giáo viên, họ có bằng thạc sĩ và được xếp ngang hàng với bác sĩ và luật sư. Chính phủ coi trọng giáo viên và cũng trả lương xưng đáng cho họ”.

Hệ thống trường học Phần Lan thuộc loại tốt bậc nhất trên thế giới. Theo một báo cáo năm 2015 của Tổ chức Phát triển Kinh tế và Hợp tác có trụ sở tại Paris, chính phủ có nhiệm vụ cung cấp cơ hội học tập bình đẳng, miễn phí tới tất cả trẻ em có hoàn cảnh kinh tế xã hội khác nhau.

Với chừng ấy sự đầu tư với giáo dục của Phần Lan, hiển nhiên các chính sách ngăn chặn bắt nạt học đường cũng sẽ phát huy tác dụng (trong phạm vi đất nước).

Vậy Mỹ có thể làm gì trước tình huống này?

Thay đổi trọng tâm cách giáo dục

Để các chương trình phòng chống bắt nạt hoạt động hiệu quả, ban giám hiệu phải chịu khó đầu tư thử nghiệm các phương pháp và chấp nhận rằng quá trình này sẽ mất nhiều thời gian. Họ cũng cần hiểu các chương trình phòng chống bắt nạt không chỉ tốt cho sức khỏe của các em mà còn đối với việc học tập nói chung, nói rộng ra là cả uy tín của nhà trường.

Theo Hubbard, các phương pháp học tập thì liên tục xuất hiện nhưng các sáng kiến giúp cải thiện xã hội, tinh thần, cảm xúc của trẻ lại không có cùng “tốc độ” phát triển.

Để thuyết phục các nhà quản lý trường học thấy được lợi ích của các chương trình này, chính phủ cần nhấn mạnh rằng việc giảm bắt nạt sẽ giúp ích cho kết quả học tập và điểm kiểm tra của các em. Khi tất cả nhìn ra được “lợi ích chung”, khả năng những “cá nhân nhỏ bé” được giúp đỡ sẽ cao hơn.

Tránh xa các chính sách không khoan nhượng

Có một chính sách giáo dục phổ biến ở Mỹ có tên là chính sách không khoan nhượng (zero-tolerance policy). Đây là một phương pháp nghiêm ngặt, trong đó mọi trường hợp bắt nạt bạo lực sẽ bị xử lý với hậu quả đã được quy định từ trước, chẳng hạn như kỷ luật nặng, thậm chí có cả cảnh sát can thiệp. Các nhà phê bình cho rằng chính sách này có thể tạo ra hậu quả không mong muốn và cũng chẳng giải quyết được vấn đề cốt lõi của bạo lực học đường.

Hiện nay, nhiều trường học và tổ chức đang chuyển đổi sang các phương pháp toàn diện, tập trung vào phòng ngừa, can thiệp sớm, và khuyến khích văn hóa đoàn kết tích cực. Các chính sách có thể sẽ được thiết kế, điều chỉnh đôi chút tùy theo nhu cầu đặc thù của từng nhóm cộng đồng.

Espelage đồng ý rằng KiVa đã làm rất tốt một điều, đó là tập trung vào môi trường học đường tập thể, thay vì từng cá nhân. Và đây là điều mà nước Mỹ, cũng như toàn thế giới, có thể học hỏi theo.

Chuyện bắt nạt học đường trên thế giới: Phần Lan có phương pháp "trị" bạo lực hiệu quả nhưng vì sao chưa thể áp dụng rộng rãi ở Mỹ cũng như các quốc gia khác? - Ảnh 5.

Hiện nay, nhiều trường học và tổ chức đang chuyển đổi sang các phương pháp toàn diện, tập trung vào phòng ngừa, can thiệp sớm, và khuyến khích văn hóa đoàn kết tích cực

Theo Đông Hà

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên