MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phần thâm hụt xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ chuyển dịch chủ yếu sang Việt Nam

Trong 31 tỷ USD chuyển dịch sang các nước châu Á, Việt Nam chiếm 14 tỷ USD, tương đương 46% toàn khu vực. Doanh nghiệp Mỹ đang tìm kiếm đối tác Việt Nam trong các ngành như công nghệ, hãng sản xuất, chuỗi bán lẻ, hàng tiêu dùng, thiết bị vật tư y tế...Để hấp thụ được dòng vốn chuyển dịch và hợp tác cùng doanh nghiệp Mỹ, Việt Nam vẫn còn những điểm cần hoàn thiện, đặc biệt là môi trường chính sách.

Chia sẻ về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ tại thị trường Việt Nam trong xu hướng chuyển dịch sản xuất và mở rộng dòng đầu tư với những thị trường ngoài Trung Quốc, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết doanh nghiệp Mỹ đang trong quá trình tìm kiếm đối tác Việt Nam. Các lĩnh vực được ưu tiên bao gồm công nghệ, hãng sản xuất, chuỗi bán lẻ, hàng tiêu dùng, thiết bị vật tư y tế, ngành điện, nguyên liệu linh kiện đầu vào sản xuất và công nghiệp phụ trợ như van vòi nước, sợi tổng hợp, đèn bàn, tủ lạnh, lò nướng..

Phần thâm hụt xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ chuyển dịch chủ yếu sang Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN.

“Đây là những lĩnh vực rất tiềm năng, phù hợp với năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt. Trên thực tế, doanh nghiệp nội đã tham gia sản xuất và cung ứng một phần trong chuỗi cung ứng với đối tác Mỹ”, ông Thành cho biết.

Đặc biệt, cơ hội còn lớn khi phần thâm hụt xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã chuyển dịch chủ yếu sang Việt Nam. Ông Thành dẫn số liệu của Mỹ, xuất khẩu từ Trung Quốc vào thị trường này 2019 giảm 90 tỷ USD so với 2018. Trong đó, 31 tỷ USD chuyển dịch sang các nước châu Á, 23 tỷ USD sang Mexico và 23 tỷ USD sang EU. Trong số 31 tỷ USD, Việt Nam chiếm 14 tỷ USD, tương đương 46% toàn khu vực.

“Con số này tạo ra một hiệu ứng tích cực trước mỗi quyết định mở rộng hoặc đa dạng hóa thị trường đầu tư ngoài Trung Quốc. Cùng với thành tích kiểm soát tốt dịch Covid-19, trong số những thị trường còn lại của Đông Nam Á, Việt Nam luôn nổi lên là điểm đến ưu tiên của đối tác Mỹ”, ông Thành nói.

Bên cạnh xu hướng dịch chuyển sản xuất, nhiều doanh nghiệp Mỹ lựa chọn việc chuyển phần mở rộng đầu tư ra bên ngoài thay vì tiếp tục đầu tư tại đại lục. Một mặt là do hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc vẫn thuận lợi và mặt khác là thực hiện phương châm kinh doanh không bỏ trứng vào một giỏ. Theo đó, ngoài việc sản xuất để xuất khẩu trở lại vào Mỹ hay EU thì bản thân thị trường nội địa hơn 1,4 tỷ dân theo số liệu của Liên Hợp Quốc, cũng hấp dẫn không kém.

"Không một nhà đầu tư nào lại từ bỏ một cách dễ dàng miếng bánh béo bở như vậy. Thời gian qua, Hội đồng tư vấn kinh doanh Hoa Kỳ đã tư vấn cho nhiều doanh nghiệp Mỹ mở rộng đầu tư và né chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sang các thị trường như Việt Nam, Ấn Độ hoặc Indonesia", ông Thành nói.

Xu hướng đa dạng hóa thị trường sản xuất bên ngoài Trung Quốc đã bắt đầu từ 2014. Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, hoạt động này được đẩy mạnh hơn vào 2018. Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng nổ, xu hướng chuyển dịch càng diễn ra mạnh mẽ với tốc độ nhanh hơn.

Trước đây, nhằm tối giảm chi phí, nhà đầu tư Mỹ lựa chọn Trung Quốc để đặt nhà máy sản xuất. Sau này, do ảnh hưởng của thương chiến và dịch Covid-19, doanh nghiệp Mỹ cho rằng địa điểm sản xuất không chỉ tối ưu được chi phí mà còn phải là nơi có khả năng chống chịu trước những cú sốc và ít rủi ro. Khi cộng gộp các yếu tố vừa nêu, nhà đầu tư Mỹ cho rằng Trung Quốc không còn là địa điểm lý tưởng để phát triển mô hình kinh doanh bền vững và đó chính là cơ hội cho thị trường Việt Nam.

Phần thâm hụt xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ chuyển dịch chủ yếu sang Việt Nam - Ảnh 2.

Trang thiết bị y tế là một trong những ngành doanh nghiệp Mỹ đang tìm đối tác Việt Nam.

Tuy nhiên, để hấp thụ được dòng vốn đầu tư mở rộng từ Trung Quốc chuyển dịch sang nói chung và trở thành đối tác của doanh nghiệp Mỹ thì Việt Nam vẫn còn vô vàn những thách thức cần phải hoàn thiện.

Ông Thành cho rằng rào cản lớn nhất mà Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN luôn phải làm việc với Chính phủ, bộ ngành hàng chục năm nay để tháo gỡ khó khăn đó là môi trường chính sách.

Vị này nói thêm: “Tính ổn định của chính sách, đặc biệt là chính sách về thuế, kinh tế số không nhất quán và còn sơ khai. Bên cạnh đó những điều kiện, kinh doanh thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà”.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI người từng tham gia rất nhiều kỳ diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ cũng cho biết những rào cản điều kiện kinh doanh hiện vẫn là quan ngại hàng đầu và chưa đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư Mỹ về môi trường đầu tư. Những quan ngại này cũng trùng với kết quả tổng kết về rào cản thương mại, đầu tư trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành được VCCI thực hiện.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cũng đặt vấn đề, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu khiến Việt Nam được hưởng lợi nhưng sẽ không nhiều như kỳ vọng. Nếu một công ty Hoa Kỳ lớn mở rộng đầu tư sang Việt Nam sẽ đòi hỏi hạ tầng, nhân công và cơ chế quản lý theo tiêu chuẩn cao và doanh nghiệp Việt có thể đáp ứng được những nhu cầu này hay không?

Đến nay, Hoa Kỳ là một trong những đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập đạt hơn 25 tỷ USD, trong đó mặt hàng dệt may, máy vi tính và linh kiện có kim ngạch lớn nhất, trị giá lần lượt là hơn 4,8 tỷ USD và gần 3,5 tỷ USD. Sau 25 năm thiết lập quan hệ, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đã tăng 7.000%. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu những mặt hàng như dệt may, giày dép, thời trang, thủy sản...

Về đầu tư, Mỹ hiện là nhà đầu tư lớn thứ 11 tại Việt Nam với 1.032 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 9,4 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.

Theo Ngọc Hà

Người đồng hành

Trở lên trên