MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phân tích kỹ thuật không phải ánh trăng lừa dối

Có một câu rất dễ nói: Mua vì cơ bản, bán vì kỹ thuật. Ý là khi lựa chọn cổ phiếu thì dùng cơ bản, khi mua bán thì dùng phân tích kỹ thuật. Nhà đầu tư lựa chọn hay mua bán cổ phiếu có thể dùng nhiều phương pháp, miễn là có một nền tảng phân tích vững chắc.

Tại một số giai đoạn nhà đầu tư nhận thấy cổ phiếu tăng một cách phi lí mà không dựa theo bất cứ yếu tố cơ bản nào, hoặc một số cổ phiếu đột ngột giảm sàn liên tục không có lí do. Lúc này các traders phải dựa vào phân tích kỹ thuật để theo dõi các yếu tố bất thường xảy ra mà thông tin chưa được công bố. Tòa soạn trích đăng bài viết của ông Đặng Nguyên Cường, Trưởng ban điều hành DOBF về việc áp dụng phân tích kỹ thuật trong đầu tư chứng khoán.

Năm 2011, anh bạn tôi lúc đó là trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán lớn, hào hứng chia sẻ về một cổ phiếu "để đời", giúp cho tôi và anh có thể “nên người” nhanh chóng. Đó là một công ty vận tải sẽ có lợi nhuận đột biến nhờ bán tài sản, hoạt động kinh doanh cơ bản ổn và định giá quá rẻ do thị trường suy giảm nhanh chóng. Anh hẳn nhiên là đã mua rất nhiều cổ phiếu này, ôm mộng đổi đời nhờ vào việc kiên nhẫn mua tích lũy ở mức giá thấp. Câu chuyện diễn ra đúng như vậy, trừ việc, giá không tăng. Tôi may mắn hơn, mua phải một cổ phiếu tiếp tục lỗ, nhưng tăng giá mạnh vì đầu cơ. Đó là ví dụ của việc, trên thị trường có những vấn đề mà phân tích cơ bản không lý giải được, lúc đó phải để cho các nhà phân tích kỹ thuật giải quyết.


Trên thị trường có những vấn đề mà phân tích cơ bản không lý giải được

Trên thị trường có những vấn đề mà phân tích cơ bản không lý giải được

Có lẽ từ khi thị trường chứng khoán khai sinh tại Việt Nam, phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật đã là cuộc tranh cãi kéo dài. Tôi còn nhớ những thầy đầu tiên của tôi, những cao thủ về phân tích cơ bản, thường dè bỉu phân tích kỹ thuật. Và rồi khi thị trường tăng trưởng không lý giải được vì những yếu tố đầu cơ phi lý, người ta lại tìm tới kỹ thuật như là một cứu cánh.

Nói qua một chút về lịch sử, có lẽ khái niệm về phân tích kỹ thuật được phổ biến đầu tiên là mô hình lá cờ tung bay của nhóm phân tích Boston năm 2007, mặc dù sau đó thị trường chứng minh họ sai cả về lý thuyết lẫn thực tế. Rồi giai đoạn 2009-2010 là thời kỳ nở rộ các khóa học Phân tích kỹ thuật, hơi giống với giai đoạn nở rộ các khóa học truyền thông kỹ thuật số (digital marketing) hiện nay. Nhưng khi đoán sai nhiều quá, người ta lại có xu hướng đổ lỗi cho sự khiếm khuyết của thị trường Việt Nam, đổ cho đội lái, thậm chí đổ cho BlueChips chi phối Index. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc trả lại cho phân tích kỹ thuật sự nguyên bản của nó, và chúng ta thường mắc phải những sai lầm sau đây:

Cố lý giải yếu tố phi thị trường theo kiểu thị trường

Nếu bạn đã tin vào vẽ chart, giá cổ phiếu sẽ bị điều khiển bởi một cá nhân hay một nhóm nào đó, hy vọng bạn sẽ không dùng phân tích kỹ thuật để dự đoán. Nó cũng giống như xem một trận bóng bị bán độ, nếu may mắn thì bạn đặt đúng cửa của nhà cái, còn sai là mất hết. Đơn thuần là may rủi, không có kỹ thuật gì ở đây. Nhiều người cố vẽ ra mô hình mà đội lái có thể thực hiện, và tin tưởng rằng mình khôn hơn họ và sẽ chạy trước. Tôi không chắc bao nhiêu % thành công theo chiến thuật này, nhưng có lẽ nó thuộc về một phạm trù nghiên cứu khác chứ không phải là kỹ thuật.

Phân tích kỹ thuật theo kiểu học vẹt

Tại Việt Nam, sẽ có rất nhiều chuyên gia phân tích kỹ thuật, nhưng sẽ rất ít theo cơ bản. Bởi vì chỉ cần nhìn chart, ai cũng dễ phán cổ phiếu lên hay xuống, hơn là mất vài tuần ngồi nghiền ngẫm thông tin cơ bản của cổ phiếu. Cũng chỉ cần vài tiếng đồng hồ đọc tài liệu trên google, ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận mớ kiến thức kỹ thuật tổng hợp trong vài slide.

Xin lưu ý, trong khi có rất nhiều sách tham khảo về phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật không có kiến thức chuẩn (trừ CMT, chỉ một số người đang theo đuổi). Hầu hết khái niệm về phân tích kỹ thuật là sự đúc kết rời rạc dựa trên việc trích nguồn từ sách tiếng Anh, và người đọc có thể đọc về chương 10, 11 trước khi đọc chương 1, 2.

Chính việc thiếu nền tảng lý thuyết chuẩn, nên hầu như mọi người chỉ biết cách áp dụng, hơn là tìm hiểu về bản chất sự việc. Điều này rất dễ dẫn đến hiện tượng, thay vì phân tích để tìm ra cái đúng, nhiều nhà đầu tư lại tin vào cái đúng trước và cố chứng minh nó bằng phân tích kỹ thuật.

Phức tạp hóa một điều đơn giản

Suy cho cùng, phân tích kỹ thuật cũng chỉ xoay quanh 2 thành phần: giá và khối lượng. Mọi chỉ báo, mô hình đều xoay quanh 2 yếu tố cơ bản này. Vì vậy có 1 từ mà dân phân tích phải nắm bằng lòng:”KISS”. Chẳng có yếu tố lãng mạn nào ở đây, đó là”Keep it simple, Stupid”. Nếu bạn là người vẽ đủ thứ lên đồ thị, thì đây chính là bệnh của bạn. Nên nhớ, phân tích kỹ thuật có nhiều trường phái: cổ điển, tân cổ điển, Candlestick, Ichimoku, Elliot, VSA… và mỗi trường phái dựa trên một niềm tin khác nhau. Bạn tin vào đâu thì hãy áp dụng nó, hơn là phải tin vào nhiều thứ thì mới đắc đạo.

Đổ lỗi cho khiếm khuyết của thị trường

Việt Nam là thị trường có độ biến động cao, như hầu hết các thị trường cận biên (frontier market)khác. Chúng ta chấp nhận phân tích có sai số, nhưng đừng quên rằng, phân tích kỹ thuật cho chúng ta sự lựa chọn. Đó là sự lựa chọn của việc nhìn vào chu kỳ dài hơn (để giảm độ nhiễu) hay chọn sang cổ phiếu có tính đại diện hơn. Nếu chúng ta chỉ chăm chăm vào biến động ngắn hạn mà quên đi bức tranh tổng thể, thì rất dễ bị cái ngắn hạn đó đánh gục ý chí.

Có một câu rất dễ nói: Mua vì cơ bản, bán vì kỹ thuật. Ý là khi lựa chọn cổ phiếu thì dùng cơ bản, khi mua bán thì dùng phân tích kỹ thuật. Chúng tôi cho rằng bạn lựa chọn hay mua bán cổ phiếu có thể dùng phương pháp nào cũng được, miễn là có một nền tảng phân tích vững chắc. Triết lý mà chúng tôi theo đuổi là chuẩn hóa lại kiến thức chứng khoán, và đưa những bài học lý thuyết vào thực chiến thị trường.

Theo Đặng Nguyên Cường, Trưởng ban điều hành DOBF

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên