MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phân tích những điểm lạc quan "bất thường" trong bức thư ông Trump gửi Triều Tiên

26-05-2018 - 08:16 AM | Tài chính quốc tế

Ông Trump đã gợi ý sẽ tìm cách nối lại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6. Ông Kim đang nắm trong tay thế chủ động hơn trong tình hình hiện tại ở bán đảo liên Triều.

Oh Young-jin, một cây viết kì cựu của tờ Korea Times, đã đưa ra những phân tích cụ thể và cho thấy cái nhìn mới mẻ về bức thư tổng thống Mỹ Donald Trump gửi cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Theo ông, các sự kiện mới mẻ sẽ diễn ra liên tiếp và mọi vấn đề sẽ mau chóng được giải quyết chứ không lâm vào đường cùng như nhiều người dự đoán.

Những phân tích mới

Đầu tiên, có thể thấy rằng lần này, ông Trump không viết trên Twitter trước khi công bố bức thư. Đây là chuyện bất thường đối với vị tổng thống cực kì ưa chuộng mạng xã hội. Điều đó cho thấy rằng, ông Trump thực sự muốn xử lí chuyện Triều Tiên bằng sự tôn trọng nhất định.

Ngoài ra, bức thư được viết rất chỉn chu và có chữ kí của ông Trump, chứng tỏ một phong thái cẩn trọng và chuyên nghiệp. Ngày được đóng dấu trên thư là ngày 24/5, tức là ông Trump đã công bố bức thư này thậm chí trước khi ông Kim đọc được.

Thông tin nội dung bức thư được đăng tải trước 11h tối (giờ Triều Tiên), tức là buổi sáng sớm tại Washington. Như vậy, ít nhất có thể nói rằng ông Kim đã không cầm bản gốc của lá thư khi ông biết tin ông Trump hủy cuộc gặp.

 Phân tích những điểm lạc quan bất thường trong bức thư ông Trump gửi Triều Tiên - Ảnh 1.

Hình ảnh ông Kim Jong Un đi thị sát cây cầu mới được Triều Tiên đăng tải vào ngày 25/5, sau khi có thông báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh. Ảnh: KCNA

Mặt khác, trong bức thư, ông Trump gọi ông Kim là "Ngài". Đây là sự chuyển biến mang tính bước ngoặt nếu xét tới việc tổng thống Mỹ từng gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là "Người Tên lửa" trong những bài viết trên Twitter.

Đây là động thái khéo léo và lịch sự của ông Trump, biến lá thư hủy bỏ trở thành một tấm phiếu tạm hoãn cuộc gặp vào ngày 12/6 tới.

Triều Tiên đáp lại nhã nhặn không kém. Vài giờ sau đó, Phó Ngoại trưởng Kim Kye-gwan nói Triều Tiên luôn sẵn sàng đối thoại với Mỹ bất kì lúc nào, dưới bất kì hình thức nào.

Phải nhắc lại rằng, ông Kim đã từng đe dọa hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh sau khi Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton đề cập tới chuyện áp dụng mô hình giải trừ hạt nhân của Libya và yêu cầu đem các sản phẩm hạt nhân của Triều Tiên giao nộp cho Mỹ.

Sau đó, những bất đồng xoay quanh phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và phó ngoại trưởng Triều Tiên Choe Sun-hui đã buộc ông Kim Jong Un thừa nhận rằng cần phải đối thoại trực tiếp để giải quyết những mâu thuẫn không đáng có này.

Tuy nhiên, ông Kim cũng khẳng định Triều Tiên chỉ đồng ý đối thoại sòng phẳng, chứ không phải "van xin" để được đối thoại với Mỹ.

Nhìn chung, những động thái mới đây nhất giữa Mỹ và Triều Tiên có thể coi là "đòn gió" giữa hai bên nhằm chiếm được vị trí thuận lợi hơn trên bàn đàm phán.

Ông Young-jin cho rằng, nếu đây là một trận đấu vật, thì ông Trump và ông Kim là những đối thủ cực kì chuyên nghiệp, biết cách tạo ra sự va chạm kịch tính trên sàn đấu nhưng không làm đối phương bị thương. Nhưng rủi ro vẫn luôn tồn tại, và không ai muốn cuộc đối đầu hạt nhân nổ ra thật sự.

Ông Trump đã gợi ý sẽ tìm cách nối lại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6. Ông Kim đang nắm trong tay thế chủ động hơn trong tình hình hiện tại ở bán đảo liên Triều.

Nội dung bức thư ông Trump viết cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un:

Thưa ngài Chủ tịch:

Chúng tôi đánh giá cao thời gian, lòng kiên nhẫn cũng như nỗ lực của ông về các cuộc đàm phán gần đây giữa chúng ta liên quan tới cuộc gặp thượng đỉnh mà các bên bấy lâu đều theo đuổi, dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore. Chúng tôi nhận được thông tin rằng cuộc gặp do Triều Tiên đề nghị nhưng đối với chúng tôi, chuyện đó không hề liên quan. Tôi rất mong gặp ông tại đó. Đáng buồn là, xét từ thái độ tức giận khủng khiếp cũng như thù địch công khai thể hiện trong thông cáo mới đây nhất của ông, tôi cảm thấy bây giờ chưa phải thời điểm phù hợp để tiến hành cuộc gặp đã được lên kế hoạch từ rất lâu này. Vì thế, xin hãy để lá thư này đảm nhận nhiệm vụ tượng trưng cho một điều rằng, thượng đỉnh Singapore, vì lợi ích của các bên, nhưng là thiệt hại của thế giới, sẽ không diễn ra. Ông có nói về năng lực hạt nhân của mình, nhưng năng lực của chúng tôi lớn lao và mạnh mẽ đến nỗi tôi cầu Chúa sẽ không được sử dụng tới.

Tôi cảm thấy một cuộc đối thoại tuyệt vời đang được xây dựng giữa ông với tôi, và sau cùng, chỉ có cuộc đối thoại đó là đáng kể. Một ngày nào đó, tôi mong được gặp ông. Trong lúc chờ đợi, tôi muốn cảm ơn ông vì đã trả tự do cho các con tin, những người giờ đây đã được đoàn tụ với gia đình. Đó là một cử chỉ đẹp đẽ và đáng cảm kích.

Nếu ông thay đổi suy nghĩ về cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng nhất mực này thì đừng chần chừ mà gọi điện hoặc viết thư cho tôi. Thế giới và đặc biệt là Triều Tiên đã mất đi một cơ hội lớn để đạt được sự thịnh vượng, giàu có và hòa bình dài lâu. Cơ hội bị bỏ lỡ này là một khoảnh khắc thật sự đáng buồn trong lịch sử.

Theo Tất Đạt

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên