Pháo đài cổ xưa nhất thế giới lộ diện giữa “vùng bí ẩn” nước Nga
Nhóm khảo cổ Nga - Đức đã tìm thấy một hệ thống pháo đài 8.000 tuổi "không thể tin nổi" ẩn mình ở hoang mạc kỳ thú Siberia của Nga.
Theo Heritage Daily, đây là pháo đài cổ xưa nhất từng được khai quật, bao gồm các công trình phòng thủ phức tạp bao quanh một khu định cư 8.000 năm tuổi.
Pháo đài trải rộng trên 2 cụm cấu trúc định cư cổ đại là Amnya I và Amnya II.
Trong đó, Amnya I bao gồm các địa điểm bề mặt còn tồn tại như bờ đê và mương bao quanh mũi một mỏm đất và 10 hố lõm là dấu tích của các căn nhà.
Mười hố lõm nhà khác cũng được phát hiện cách khoảng 50 m về phía Đông, thuộc khu định cư Amnya II.
Phát hiện khảo cổ vô giá này đến từ nỗ lực của nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi TS Henny Piezonka từ Viện Khảo cổ học Tiền sử thuộc Đại học Tự do Berlin (Đức), phối hợp với các cộng sự từ Viện Lịch sử và Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Đại học Liên bang Urals (Nga) và Đại học Christian Albrechts (Đức).
Các cuộc khai quật cũng tìm thấy 45 chiếc bình gốm trong khu phức hợp, bao gồm dạng nhọn và phẳng thể hiện 2 kiểu gốm truyền thống riêng biệt của các nền văn minh Siberia cổ xưa.
Niên đại 8.000 năm của pháo đài và khu định cư đã được xác định thông qua phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon phóng xạ, điều giúp xác lập địa điểm này là một di sản lớn của thế giới - pháo đài lâu đời nhất từng được biết đến.
Các cuộc điều tra địa tầng và thực vật cổ khác của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy cư dân khu vực phía Tây Siberia này có lối sống phức tạp dựa trên nguồn tài nguyên dồi dào của những cánh rừng taiga.
Đây chỉ là một trong hằng hà sa số những phát hiện thú vị từ vùng đất vắng vẻ của nước Nga hiện đại.
Từ Siberia bí ẩn và kỳ thú, các nhà khảo cổ học, cổ nhân loại học, cổ sinh vật học khắp thế giới đã khai quật được vô số tàn tích, kho báu của người dân cổ đại, hay xa xưa hơn là các mẫu vật hiếm có thuộc về các loài người cổ và nhiều động vật đã tuyệt chủng.
Người Lao Động