"Pháo đài" của những kẻ buôn người và cuộc chiến giành địa bàn của mafia người Việt trên đất Pháp
Những kẻ buôn người Việt Nam đã kiểm soát khu vực này suốt khoảng 10 năm nay, bất chấp nỗ lực tranh giành của các băng nhóm khác và các đợt truy quét của cảnh sát.
Mỗi năm, rất nhiều người Việt Nam tới Pháp sau khi chật vật đi xuyên châu Âu trong một hành trình đầy hiểm nguy với mong muốn đặt chân đến Anh quốc. Đối với hàng trăm người trong số họ, điểm dừng chân cuối cùng trước nỗ lực băng qua eo biển Manche là một khu trại kín đáo ở Angres, nơi được dân địa phương gọi với cái tên "Vietnam City" (Thành phố Việt Nam).
Dưới đây là phần lược dịch bài viết của nhà báo Pháp Elisa Perrigueur đăng trên Mediapart về câu chuyện tranh giành địa bàn xung quanh khu trại này của băng đảng Việt Nam. Trong bài có sử dụng hình ảnh minh họa của Elisa Perrigueur, cùng một số trích dẫn từ Guardian, France-3region và Al Jazeera.
Welcome to "Vietnam City"
Bóng tối buông xuống tòa nhà gạch, những chiếc đèn lồng đỏ le lói dưới bầu không lạnh lẽo, ánh sáng hiu hắt tỏa ra từ nhà kho kế bên. Im lặng bao trùm dù trên thực tế, khoảng 30 con người đang ngồi giết thời gian trong cái lạnh một ngày tháng Hai.
Trong vòng vài tiếng đồng hồ, khi màn đêm phủ khắp khu rừng, những người đàn ông ấy sẽ đi bộ vài trăm mét tới trạm xăng của BP trên cao tốc A26, vốn được gọi là "Cao tốc Anh" và làm một việc mà họ vẫn làm gần như hàng đêm: Tìm cách giấu mình trên một trong những chiếc xe tải đỗ bên lề đường trước khi nó khởi hành vào Anh sáng hôm sau.
Khu trại này nằm ở Angres, một thị trấn nhỏ có đường cao tốc chạy qua, con đường cách Calais và eo Manche khoảng 100km. Trại tị nạn không chính thức này đã hiện diện ở đây từ năm 2010 và hiện giờ chỉ đa phần là người Việt, vì thế mà dân địa phương gọi nó là "Vietnam City". Dân thường rất ít người từng vào bên trong khu trại bí mật này.
Những người đàn ông trong bóng tối có vẻ dè dặt nhưng một thanh niên trẻ tươi cười, tiến về phía phóng viên của Mediapart. Cậu là một trong số ít người ở đó có thể nói tiếng Anh. Cậu này nói đến từ Hà Nội và giải thích làm sao mà mất "3 tháng để sang châu Âu".
Tuy nhiên, cậu thanh niên không kịp kể nốt câu chuyện của mình. Một nhóm người bỗng quây lại, nhìn chăm chăm khiến cậu ta trở nên e dè và lo lắng. Như chính quyền và các nhóm tình nguyện địa phương nắm được, những kẻ buôn người ngủ ở "Vietnam City" và sống ngay bên cạnh những người mà chúng gọi là "khách hàng".
Khu trại, nằm sát sườn một nhà máy hóa chất nhỏ, là điểm dừng cuối cùng cho những di dân Việt Nam vượt biên bất hợp pháp sang Anh.
"Họ chủ yếu đi qua Nga", Đại úy Vincent Kaprzyk, trưởng đơn vị điều tra BMR thuộc lực lượng cảnh sát biên phòng Pháp ở Coquelles gần Calais cho biết, "Từ đó người Việt Nam bắt đầu phải băng qua các biên giới trên đất liền để tới Pháp". Có nghĩa là họ phải cuốc bộ đường trường hoặc nhảy xe tải qua Belorussia hoặc Ukraine, Ba Lan, Séc và Đức.
Minh họa: Elisa Perrigueur
Trên bức tường bạc phếch của tòa nhà chính trong trại treo một tấm biển bằng tiếng Pháp và tiếng Việt đề: "Trại Angres, tối đa 50 người, cấm trẻ vị thành niên".
"Nhìn chung, có khoảng 10-15% người dưới 18 tuổi, phụ nữ chiếm khoảng 20%, đàn ông 80%. Họ khá trẻ", Mimi Vũ - chuyên viên của tổ chức từ thiện Pacific Links - cho biết. Rất hiếm khi thấy các gia đình ở đó.
Số người thường ngủ bên trong trại dao động từ 70-150 người. Rất khó có con số chính xác bởi lượng người quay vòng rất chóng vánh.
"Chúng tôi đã gặp hàng nghìn người Việt trong những năm gần đây. Không bao giờ là cùng những con người ấy sau vài tháng", Benoît Decq – một tình nguyện viên từ tổ chức thiện nguyện Collectif Fraternité Migrants Bassin Minier 62 – cho hay. Decq đã hỗ trợ những người di dân ở khu trại này suốt gần 1 thập kỷ và được họ tin tưởng.
Những kẻ buôn người cũng thay đổi. Mỗi tháng lại có người mới đến để thay thế những kẻ thành công vượt qua eo Manche.
"Chính quyền cảng ở Calais có thể tìm thấy từ 20-30 người Việt vài đêm mỗi tuần", Julien Gentile, người đứng đầu văn phòng Office Central pour la Répression de l'Immigration irrégulière et de l'Emploi d'Etrangers Sans Titre (OCRIEST) - đơn vị cảnh sát chống buôn người của Pháp cho biết.
"Chúng tôi nghĩ là có một đường dây buôn người chính giữa Pháp và Anh. Điều đáng ngạc nhiên là khu trại khá nhỏ, so với lượng người được cho là vượt biên", Julien Gentile nói. Đó là một hệ thống có tổ chức cao. "Trong trại có vài đường dây, có khi là 4-5 đường dây".
Những kẻ buôn người khuyến cáo với khách hàng của mình phải thận trọng với người dân địa phương và không được nói gì cả. Những "kẻ chăn dắt" ấy rất cảnh giác. Chúng đã thiết lập đường dây từ Việt Nam tới Anh một cách tỉ mỉ và không có ý định buông tay cho những người di cư đang oằn mình gánh nợ.
Khác với những nhóm di cư hiện diện trong khu vực phía Bắc nước Pháp – người Kurd, người Afghanistan, người Eritrea, người Sudan – người Việt Nam có thể "không phải trả tiền trước cho những kẻ buôn người, thay vào đó, họ làm việc trên đường đi, ở nhà hàng, trong các xưởng dệt may, để trả cho hành trình mà họ chọn", Vincent Kasprzyk nói.
Trạm xăng cuối cùng trước khi tới Calais:
"Pháo đài" của mafia Việt
Ngày 6/2/2018, các sĩ quan thuộc đơn vị cảnh sát OCRIEST phát hiện ra một thế giới ngầm tại khu vực. Trong một chiến dịch chống buôn người mà họ thực hiện gần như hàng năm ở khu trại, họ tìm thấy một hố sâu dưới đất trong khu rừng cách trại vài trăm mét. Có thể tụt xuống dưới đó bằng đoạn dây cáp buộc sẵn vào thân cây.
Sâu 3 mét dưới lòng đất là một đường hầm gạch đỏ có từ những ngày Angres còn là thị trấn mỏ, dẫn tới những hang động. Một trong những đường hầm bỏ hoang dẫn tới ngay phía dưới căn nhà kho ở Vietnam City.
Chính quyền địa phương cho rằng các đường hầm ấy có thể được sử dụng để che giấu người di cư trong những đợt truy quét của cảnh sát. Ngoài ra, cảnh sát còn phát hiện 14 điểm canh gác trên lối mòn từ khu trại tới trạm xăng.
Những phương án hậu cần ấy cho thấy khu trại được canh gác như pháo đài. Nhưng vì sao nó lại cần bảo vệ và được thèm muốn tới mức ấy?
Lý do chính là ở trạm xăng BP kế bên đường cao tốc. Nằm ở một vị trí chiến lược, trạm xăng này giống như thỏi nam châm đối với những kẻ buôn người. Là trạm xăng cuối cùng và duy nhất trước khi tới cảng Calais hoặc đường hầm Eurotunnel nên rất nhiều xe tải đỗ ở đó – tạo cơ hội cho người di cư trốn đi.
Người Việt Nam "giành được" vị trí này sau một "trận chiến khu vực bãi đỗ xe" dài hơi vào giữa những năm 2000. Lúc ấy, nhiều băng đảng buôn người tranh giành các trạm xăng khác nhau trong khu vực, một số cuộc đụng độ còn biến tướng thành đối đầu có vũ trang.
"Người Việt tới Pháp vào khoảng năm 2002 và họ có một bãi đỗ xe trên cao tốc tới Bỉ, nhưng chính quyền đã đóng cửa nó", Đại úy Kasprzyk cho hay. "Sau đó họ xuống Angres".
Trạm xăng BP này đã có thời do một trùm buôn người từ Albania nắm giữ, nhưng rồi hắn bị Ali Tawil – một kẻ buôn người người Iraq giết hại. Tawil muốn độc chiếm trạm xăng.
Tuy nhiên, sau vụ thanh trừng, hắn phải tới Bỉ lánh nạn. Ali Tawil để lại nơi này cho đàn em kiểm soát nhưng chúng không kháng cự được với băng đảng người Việt và để mất khu vực này trong vòng vài tuần.
Các băng nhóm vẫn luôn nhòm ngó vị trí có giá trị chiến lược này. Năm 2009, các băng nhóm Chechnya đã tìm cách thế chỗ mafia người Việt nhưng thất bại. Và những kẻ buôn người Việt Nam đã kiểm soát khu vực này suốt khoảng 10 năm nay, bất chấp nỗ lực tranh giành của các băng nhóm khác và các đợt truy quét của cảnh sát.
Theo hội đồng địa phương, sự tồn tại của khu trại không chính thức này vẫn là lựa chọn đỡ tồi tệ hơn.
"Các khu trại mọc lên từ năm 2006, người Việt sống trong các khu rừng xung quanh trạm xăng và rất khó để kiểm soát", nguồn giấu tên của Mediapart tiết lộ, "Ít nhất hiện giờ họ còn có một mái nhà. Và nếu nó bị phá hủy thì một cái trại khác lại được tạo ra ở đâu đó trong thị trấn".
Khi có đề nghị đóng cửa khu trại, lãnh đạo thị trấn đã nói: "Không phải khu trại hút người Việt Nam tới, mà là trạm nghỉ (trạm xăng BP trên cao tốc A26 - ND). Nếu chúng ta phá bỏ, họ sẽ vẫn tới và kết cục là họ ở trong rừng, dưới những điều kiện vô cùng tệ hại".
"Thành phố vàng El Dorado"
phía bên kia eo biển Manche
Ở cuối hành trình dài, người Việt tới Angres từ các chuyến taxi có biển đăng kiểm ở Paris, Đại úy Kasprzyk cho hay. "Phí cho chuyến đó là 600 euro. Nhưng để vượt qua biên giới cuối cùng ở Calais thì mất tới 10.000 euro".
"Những người nhập cư đến từ các khu vực nghèo ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Nghệ Anh, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Ở đó không có việc cho họ và họ có văn hóa di cư làm kinh tế", Mimi Vũ nói.
"Mục tiêu của họ là kiếm tiền gửi về cho gia đình. Những kẻ buôn người đảm bảo với họ là họ sẽ kiếm được từ 1.500-2.000 euro/tháng. Thế nên họ chấp nhận dù phải trả giá".
"Tất cả những người nhập cư tôi gặp ở Angres và Coquelles đều nghĩ mình sẽ tới làm việc tại các tiệm nail", Mimi Vũ nói, "Nhưng trên thực tế, khi họ đến nơi, đó lại là những vườn cần sa".
Đây là một hệ thống kinh doanh ngầm đồ sộ với những vườn, xưởng trồng cần sa bí mật trên khắp nước Anh. Mimi Vũ cho hay: "Các nhóm xã hội đen Việt Nam thống trị thị trường này", cùng với người Albania và người Anh.
Nhiều nạn nhân bị đưa tới làm việc trong các vườn cần sa. Minh họa: Elisa Perrigueur
Những băng nhóm người Việt bóc lột chính những đồng bào của mình. Những kẻ buôn người lợi dụng món nợ khổng lồ và nỗi sợ hãi của các nạn nhân để kiểm soát họ. Các nạn nhân phải ăn, ngủ tại chỗ, đêm ngày quần quật chăm sóc vườn cần sa trong những ngôi nhà vắng ánh mặt trời.
Tom Dowdall, phó giám đốc Cục Tội phạm Quốc gia Anh, nhận định: "Những kẻ buôn người không hề suy nghĩ tới lần thứ hai khi đặt mạng người vào chỗ rủi ro. Chúng áp dụng hàng loạt phương thức nguy hiểm để tránh kiểm soát biên giới. Với chúng, các nạn nhân chỉ là món hàng, chứ không phải con người".
"Không ai dám trốn chạy. Những kẻ buôn người nói rằng, nếu không có giấy tờ thì sẽ bị vào tù và không thể trả tiền được nữa. Tuy nhiên, những con người trẻ tuổi ấy vẫn hy vọng có thể kiếm được tiền và thấy tủi hổ nếu không gửi được chút gì về cho gia đình".
Nhưng đó là câu chuyện của sau này, còn với những người dân di cư ở Angres thì phía bên kia eo Manche là Anh quốc, là "thành phố vàng" El Dorado.
Rất nhiều người ý thức được là mình sẽ làm việc bất hợp pháp. Nhưng không ai trong số họ ở Angres biết số phận thực sự đang chờ đợi mình phía bên kia bờ eo biển.
Trí thức trẻ