Pháp bất ngờ đóng cửa trường "tinh hoa"
Vốn là mục tiêu theo đuổi của nhiều sinh viên ưu tú nhưng Trường Hành chính Quốc gia Pháp bị chỉ trích là bắt nguồn của hệ thống tạo ra sự bất bình đẳng ở mọi cấp độ
- 21-03-2021Báo Hàn: LG Electronics sẽ đóng cửa mảng di động thay vì bán lại
- 21-03-2021Bị Bộ Quốc phòng Trung Quốc "cấm cửa", Elon Musk vội lên tiếng phân bua: Sẽ đóng cửa Tesla nếu do thám ở Trung Quốc hay bất cứ đâu
- 18-03-2021Fed duy trì chính sách ôn hoà, Dow Jones lần đầu tiên đóng cửa trên mốc 33.000 điểm
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 8-4 thông báo đóng cửa Trường Hành chính Quốc gia Pháp (tên tiếng Pháp: École Nationale d’Administration - ENA), nơi đào tạo các nhà lãnh đạo của đất nước và cũng là ngôi trường ông từng theo học.
Được xem là con đường dẫn đến quyền lực trong cả lĩnh vực công và tư nhân, ENA là "cái nôi" của 4 tổng thống Pháp, gồm ông Macron tốt nghiệp năm 2004, hàng chục bộ trưởng và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp.
ENA cũng nhanh chóng trở thành nguồn cảm hứng cho các tổ chức giáo dục ở nhiều quốc gia khác, như Nga. Cố Tổng thống Pháp Charles de Gaulle thành lập ENA vào cuối Thế chiến thứ II năm 1945, nhằm đào tạo thế hệ nhân sự tinh hoa cho chính phủ thời hậu chiến đến từ tất cả vùng miền và thành phần xã hội ở Pháp.
Cho đến ngày nay, những sinh viên tốt nghiệp với điểm số cao nhất ở ENA có thể lựa chọn những công việc hàng đầu trong các cơ quan chính phủ uy tín. Nhưng điều gây tranh cãi là nhóm sinh viên ưu tú này cũng có nhiều cơ hội được nhận vào các tập đoàn lớn nhất của Pháp.
Xu hướng dịch chuyển qua lại ngày càng tăng giữa quyền lực ở lĩnh vực công và cơ hội lợi ích của ngành công nghiệp tư nhân càng củng cố sâu sắc hơn nữa nhận thức về một mạng lưới tinh hoa cấp cao nhất nằm ngoài tầm với của nhiều người.
Theo Tổ chức Quan sát bất bình đẳng ở Pháp, học sinh có cha mẹ làm công việc đòi hỏi chuyên môn cao với mức thu nhập cao có khả năng vào ENA cao hơn 12 lần so với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Sinh viên đang tham gia tiết học tại giảng đường ở Trường Hành chính Quốc gia Pháp. Ảnh: Europarl
Dù sự nổi tiếng khiến ENA trở thành mục tiêu theo đuổi của nhiều sinh viên ưu tú nhưng các nhà xã hội học về giáo dục đã chỉ ra rằng ngôi trường ở TP Strasbourg này lại là "điểm mấu chốt" của hệ thống tạo ra sự bất bình đẳng ở mọi cấp độ, từ mẫu giáo đến cấp bậc cao nhất.
Các nghiên cứu cho thấy những sinh viên của ENA chủ yếu là con cái của các gia đình giàu có và ở tầm chuyên gia. Ông Peter Gumbel, một học giả người Anh, đã tuyên bố rằng hệ thống cơ sở giáo dục - đào tạo cao cấp của Pháp, đặc biệt là ENA, đã duy trì một tầng lớp lãnh đạo xuất chúng về trí tuệ nhưng lạc lõng.
Trong khi đó, nhà xã hội học có sức ảnh hưởng Pierre Bourdieu mô tả ENA cũng như các ngôi trường đào tạo sinh viên ưu tú cao cấp khác đã tạo ra "giới quý tộc nhà nước" thay thế các tầng lớp quý tộc cũ.
Trong phát biểu hồi đầu năm nay, Tổng thống Macron thừa nhận có những rào cản trong hệ thống của Pháp và việc leo lên các "nấc thang xã hội" - quá trình mà những người xuất thân nghèo khó vươn lên vị trí cao - ngày nay khó hơn 50 năm trước. Ông Macron cam kết sẽ mở rộng các chương trình để bảo đảm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cũng có cơ hội bước vào các trường đại học.
Trong nỗ lực thực hiện cam kết, ông Macron cho biết tại cuộc họp có sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao hôm 8-4, ENA sẽ được quyết định thay thế bằng cơ sở mới với tên gọi là Viện Dịch vụ công (ISP) và gọi sự thay đổi này là một "cuộc cách mạng sâu sắc về tuyển dụng".
Ông Macron trước đây cũng từng chỉ trích ENA vì nhận ít sinh viên xuất thân từ tầng lớp lao động hơn so với cuối thế kỷ trước dù trên lý thuyết, ngôi trường này mở cửa cho tất cả. Tuy nhiên, để được theo học ở ngôi trường mới, các sinh viên tiềm năng cần phải vượt qua kỳ thi đầu vào khắc nghiệt và tuân theo một giáo trình đào tạo chuyên biệt.
Theo tờ The Guardian (Anh), thêm một thay đổi nữa là những sinh viên tốt nghiệp nhóm đầu sẽ không còn được tự động tiếp cận các vị trí hành chính cao nhất cho đến khi họ thể hiện được giá trị của mình trong các vai trò công chức khác. Một nguồn tin của Điện Élysée cho biết quyết định này đặt dấu chấm hết cho công việc biên chế vốn tồn tại từ trước đến nay. Công chức sẽ không được phân công vĩnh viễn vào một chức năng, một cơ quan hay một ngành cụ thể. Thêm vào đó, nguồn tin cho biết mục tiêu khác nhằm giúp lĩnh vực dân sự cấp cao hấp dẫn hơn và tiếp tục thu hút những người giỏi nhất.
Người Lao động