MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Pháp có thể sớm vượt Nga trở thành nhà xuất khẩu vũ khí số 2 thế giới

28-08-2023 - 10:30 AM | Tài chính quốc tế

Báo cáo về các thỏa thuận bán vũ khí mới của Pháp cho Ấn Độ và Qatar là chỉ dấu mới nhất cho thấy, ngành công nghiệp quốc phòng của Pháp đang tăng tốc.

Tin tức này được đưa ra trong bối cảnh xuất khẩu vũ khí của Nga giảm sau cuộc chiến ở Ukraine, dẫn đến suy đoán rằng Pháp có thể sớm trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.

Tại cuộc diễu hành quân sự Ngày Bastille vào ngày 14/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tham dự cùng với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Trong cộc diễu hành, không chỉ có lực lượng Pháp trình diễn. Trên mặt đất, ông Macron và vị khách danh dự theo dõi đội quân Tri-Service của Ấn Độ tiến lên đại lộ Champs-Élysées. Trên không, Lực lượng Không quân Ấn Độ đã thực hiện màn bay lượn của các máy bay chiến đấu Dassault Rafale do Pháp sản xuất.

Đối với bất kỳ ai theo sát hoạt động buôn bán vũ khí quốc tế, điều này sẽ không gây ngạc nhiên. Một ngày trước đó, New Dehli đã phê chuẩn việc đặt hàng Pháp 6 tàu ngầm Scorpène và 26 máy bay phản lực Rafale cho Hải quân Ấn Độ. Hai tuần sau, vào ngày 25/7, tờ La Tribune của Pháp đưa tin, Qatar đang xem xét mua bổ sung thêm 24 chiếc Rafale của Pháp.

Từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ trọng trong buôn bán vũ khí toàn cầu của Pháp đã tăng lên 11% so với 7,1% trong giai đoạn 4 năm trước đó, theo báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) được công bố vào tháng 3. Trong cùng thời kỳ, thị phần của Nga trong thương mại vũ khí quốc tế giảm từ 22% xuống còn 16%.

Kết quả rà soát các đơn đặt hàng vào cuối năm 2022 và năm 2023 cho đến nay cho thấy, xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra. Pieter Wezeman, tác giả của báo cáo SIPRI cho biết: "Các xu hướng rất rõ ràng đối với Pháp".

Pháp có thể sớm vượt Nga trở thành nhà xuất khẩu vũ khí số 2 thế giới - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt tay ở Paris, ngày 14/7. (Ảnh: AP)

Ngay cả trước khi Ấn Độ đặt hàng máy bay Rafale vào tháng 7, đánh giá của SIPRI về những đơn đặt hàng hiện đang trong quá trình thực hiện đối với các hệ thống vũ khí có giá trị nhất cho thấy, Pháp đang giành được thị phần của Nga.

"Đối với Pháp, chúng tôi ghi nhận có tổng cộng 210 máy bay chiến đấu (hiện đang được đặt hàng) và đối với Nga, chỉ có 84 chiếc", ông Wezeman nói. "Tất nhiên, những con số này có thể thay đổi, nhưng chúng cho thấy rằng chắc chắn Pháp sẽ vẫn là nhà xuất khẩu vũ khí lớn".

Nguyên nhân khiến doanh số bán vũ khí của Nga sụt giảm rất đa dạng, mặc dù một số lý do có liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Các quốc gia đương nhiên nhắm đến việc đa dạng hóa các nhà cung cấp của họ. Tuy nhiên, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bắt đầu từ tháng 2/2022 đồng nghĩa Nga hiện đang dành nhiều vũ khí hơn cho tiền tuyến, giữ lại một số hệ thống vũ khí nhất định và tập trung vào việc thay thế vũ khí bị phá hủy trong trận chiến.

Nhiều gói trừng phạt quốc tế đối với Nga cũng có thể đã ảnh hưởng đến khả năng đảm bảo nguyên liệu cần thiết cho sản xuất vũ khí, làm suy yếu khả năng xuất khẩu của Nga. Các báo cáo từ tiền tuyến ở Ukraine cũng đã làm tổn hại danh tiếng của vũ khí do Nga chế tạo.

Một số khách hàng đã thất vọng với các sản phẩm của Nga trong những năm gần đây. Là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, Ấn Độ có mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ với các nhà cung cấp vũ khí của Nga. "Ấn Độ không đặc biệt hài lòng với những vũ khí họ nhận được, về mặt kỹ thuật, từ Nga", Wezeman nói. "Vì vậy, họ đã quay sang (mua của) Pháp".

Wezeman cho biết, những cân nhắc về chính trị cũng rất quan trọng. "Kể từ khi cuộc chiến (ở Ukraine) bắt đầu diễn ra, Ấn Độ đã miễn cưỡng tăng cường hoặc duy trì quan hệ quân sự ở cấp độ cao" với Moscow.

Hơn nữa, Mỹ "tận dụng rất nhiều quyền lực" đối với các quốc gia mua vũ khí từ Nga, ngay cả trước cuộc chiến ở Ukraine, Wezeman nói. Chẳng hạn, Indonesia đã từ bỏ việc mua máy bay của Nga vào năm 2021, thay vào đó chọn các phương án mua vũ khí của Mỹ và Pháp.

Trong khi đó, Nga vẫn nắm giữ phần lớn các giao dịch vũ khí ở châu Phi và với các nước khác như Iran và Trung Quốc.

Nga tăng cường vị thế xuất khẩu vũ khí Nga tăng cường vị thế xuất khẩu vũ khí

VTV.vn - Theo Tổng thống Putin, Nga đang tăng cường vị thế trên thị trường vũ khí toàn cầu, bất chấp các áp lực trừng phạt và sự cạnh tranh không lành mạnh từ các quốc gia khác.

Theo Quỳnh Chi

vtv.vn

Trở lên trên