Đại gia tán gia bại sản vì... tín dụng đen
Nội dung nổi bật:
- Trong lúc thiếu vốn lại không vay được từ ngân hàng, nhiều người đã bấm bụng vay tín dụng đen với lãi suất hàng chục %/ tháng.
- Khi không trả được nợ, lãi mẹ đẻ lãi con việc tán gia bại sản, mất nhà đã xảy đến với rất nhiều người.
Khi thủ tục vay tín dụng của ngân hàng quá lâu và phức tạp, nhiều doanh nhân tìm đến tín dụng đen như một cứu cánh tức thời cho các bản hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên, khi những đồng tiền này được vào tay cũng đồng nghĩa với việc, họ tự vác dao kề cổ chính mình.
Không ít người phải ngậm đắng nuốt cay trở về với... chân đất đúng nghĩa sau bao năm lăn lộn kiếm được nhiều tỷ đồng.
“Dũng sỹ” diệt đại gia
Điển hình cho câu chuyện bỗng một ngày nhận ra mình là "chúa chổm" phải kể đến trường hợp của bà V.T.C. (ở Hoàng Mai, Hà Nội). Thời điểm trước vay tín dụng đen, bà C. cũng được liệt vào danh sách đại gia. Cách đây một năm, thấy công ty do mình quản lý đang làm ăn phát đạt, bà C. lên kế hoạch mở rộng lĩnh vực kinh doanh.
Đang lúc "bí" vốn, trong khi ngân hàng thì không thể vay được vì tình hình lạm phát, bà C. được người quen giới thiệu đến một "chủ sới" (từ lóng để gọi các tín dụng đen - PV) để vay tiền. Hí hửng tìm đến, ngay lập tức bà C. bị một "gáo nước lạnh" hất vào mặt, khi tiền lãi được hét lên đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Nghĩ đến việc vay trong khoảng 1 tháng có thể sinh lời gấp nhiều lần hơn thế, bà C. "cắn răng" chấp nhận vay 800 triệu đồng bằng việc thế chấp sổ đỏ của gia đình mình.
Căn nhà hiện tại đại gia C. đang ở sau cuộc hành trình tham gia tín dụng đen.
Thế nhưng, việc kinh doanh không xuôi chèo như bà C. tính toán. Đã 4 tháng trôi qua mà bà C. vẫn chưa trả được một đồng tiền gốc nào, trong khi vẫn phải quay cuồng trả khoản lãi đã lên đến 480 triệu đồng. Cứ thế, lãi mẹ đẻ lãi con, từ khoản vay ban đầu, sau nửa năm, tổng số bà C. nợ chủ tín dụng đen đã tăng gấp đôi. Không có tiền trả nợ, trong khi chủ nợ liên tục dồn ép, bà C. lại chạy đi vay của người khác với tiền lãi cao hơn để đập vào khoản vay cũ.
Sau hơn một năm, bà C. đã là con nợ của gần chục chủ nợ với số tiền xấp xỉ 10 tỷ đồng, đó là chưa kể khoản lãi mà bà đã trả được cũng ngót nghét 9 tỷ đồng. Đáng nói, để có được khoản vay này, bà C. phải mượn cả sổ đỏ những người thân để đem đi thế chấp.
Tương tự, trường hợp bà H.T.P., giám đốc một doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội). Bà P. do cần tiền để đầu tư làm ăn nên người nhà của bà đã "vay nóng" 4 tỷ đồng từ nguồn tín dụng đen. Sau một thời gian ngắn vay, chủ nợ tính cả gốc lẫn lãi lên gần 6 tỷ đồng. Trước số tiền lãi mẹ đẻ lãi con lớn như vậy và đề phòng khả năng thu hồi nợ của mình nên chủ nợ đã dùng các chiêu trò yêu cầu người nhà bà P. làm giấy bán căn nhà của mình cho phía chủ nợ. Nguy hại hơn, sau khi đạt được mong muốn của mình, chủ tín dụng đen này còn thuê đầu gấu đến đe dọa, yêu cầu người nhà bà P. dọn ra khỏi căn nhà đang ở.
Thế là các đại gia một thời cũng không thoát khỏi cảnh trắng tay vì tín dụng đen, vì những sai lầm về kinh doanh của mình.
Căn nhà của một trong những hộ dân ở huyện Thạch Thất, Hà Nội có nguy cơ mất trắng.
“Đốn gục” cả nông dân chân lấm tay bùn
Trong khi đặt bút viết loạt bài này, PV đã cất công tìm đến xóm Tháp (xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội), hỏi thăm gia đình anh Trần Gia Cương (vợ chồng anh Cương vốn là doanh nhân đình đám một thời, trong làng ai chẳng biết - PV). Thế nhưng, chuyện anh Cương, chị Dung mất nhà, cả gia đình 5 người phải đến tá túc bên nhà ngoại lại chẳng mấy ai để tâm. Một căn phòng rộng chừng 10m2, vốn được dùng làm bếp nay là nơi ở, ngủ nghỉ của 5 người trong gia đình vốn được nhắc đến như đại gia, khiến chúng tôi thấy xót xa.
Sự thể là đang trong lúc công việc làm ăn phát đạt, cần tiền để mở rộng sản xuất, anh Cương được giới thiệu gặp một phụ nữ tên N. ở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Biết anh có tài sản và cần vay 1 tỷ đồng, N. liền dẫn dắt anh vào những mối quan hệ vay mượn phức tạp. Anh Cương chỉ cần nghe và đặt bút ký. Sau đó, anh ngộ ra thì "bút sa gà chết". Thế nhưng, anh Cương vẫn bị cuốn vào vòng ký bán nhà với họ. Khi tỉnh giấc, ngoài việc mất đứt căn nhà mới xây, anh còn mất thêm 928 triệu đồng - số tiền mà bà N. bảo với anh đưa để chuộc nhà...
Sau câu chuyện vài trăm tỷ đồng náo loạn giới tín dụng đen Lạng Sơn, nhiều người phải giật mình nhớ lại một sự vụ tương tự đã xảy ra với gần 30 hộ dân ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội đứng trước nguy cơ trắng tay vì trót vay tín dụng đen với lãi suất ưu đãi 1%/thời hạn 5 năm.
Cụ thể, do cần vốn làm ăn cùng với sự thiếu hiểu biết về pháp luật, cho nên hàng chục hộ dân đã nhờ người môi giới, vay hộ tiền từ 20 triệu đồng đến 120 triệu đồng tuỳ thuộc vào nhu cầu của từng hộ. Điều chung ở chỗ, muốn có tiền, các hộ dân đều phải ký vào hợp đồng vay tiền trong đó có điều khoản bảo lãnh thế chấp bằng quyền sử dụng mảnh đất của gia đình.
Sau khi có trong tay sổ đỏ (GCNQSDĐ) của người dân, phía cho vay tiền đã hợp thức hoá bằng cách sang tên người khác và đem đặt thế chấp ở ngân hàng với số tiền lớn hơn rất nhiều lần so với số tiền mà họ đã xuất cho người dân vay.
Sau khi vụ việc được phát hiện cùng với thông báo phát mại tài sản thế chấp ngân hàng. Mà thực chất là những sổ đỏ đã được đứng tên của chủ cho vay tín dụng đen, nhưng người sử dụng vẫn chính là những người dân đã khiến cho vùng quê vốn yên bình nay càng hoang mang, trầm lặng. Họ lo lắng, rồi đây không biết hoàn cảnh mình sẽ ra sao, từ món nợ có vài ba chục triệu đồng mà bây giờ hậu quả phải gánh chịu quá lớn. Trong khi đó, phía chính quyền lại cho rằng đây hoàn toàn thuộc về cá nhân, là những giao dịch dân sự nên phía chính quyền không thể xử lý, can thiệp được?!
Con số báo động!
Số liệu thống kê của C45, Bộ Công an cho thấy, từ năm 2010 đến nay trên địa bàn cả nước đã xảy ra gần 4.500 vụ việc liên quan đến tín dụng đen. Kèm theo đó là hàng loạt tội danh: Gây rối trật tự, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản, thậm chí giết người... Trong số này, có khoảng 100 vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn với lãi suất cao do người dân tự huy động.
Theo Vương Trần - Quỳnh Chi