Hôm nay phúc thẩm vụ án tại Vinalines: Sẽ có bất ngờ tại phiên xét xử
Theo quy định, Người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt thì có thể không xử phạt tử hình...
- 21-04-2014Lời khai mới có giúp Dương Chí Dũng thoát án tử?
- 23-01-2014Dương Chí Dũng là người thứ 5 ngã ngựa khi chơi với Dũng 'Bắc Cạn'
- 31-12-2013Dương Chí Dũng thoát án tử nếu bồi thường 5 tỉ đồng?
- 27-12-2013Hai bị cáo đầu tiên trong vụ Dương Chí Dũng chống án
- 12-12-2013Dương Chí Dũng có tới 3 luật sư bào chữa
- 15-10-2013Choáng ngợp độ xa xỉ khu căn hộ của 'bồ nhí' Dương Chí Dũng
- 15-10-2013Vụ án Dương Chí Dũng: Mua 'sắt vụn' với giá trên trời, đút túi triệu đô
- 14-10-2013Vụ án Vinalines: Dương Chí Dũng tham ô 1,6 triệu USD để mua nhà cho 'bồ nhí'
Hôm nay (22.4), Tòa phúc thẩm TAND Tối cao xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines và đồng phạm phạm tội “Tham ô”, “Cố ý làm trái...”.
Trước đó, tại phiên sơ thẩm, từ ngày 12-16.12.2013, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái...”. Các bị cáo khác cũng bị tuyên phạt từ 8-20 năm tù.
Luật sư sang Singapore để tìm chứng cứ
Chiều 21.4, trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Đình Triển - bào chữa cho Dương Chí Dũng - cho biết, ông vừa làm việc với Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao để cung cấp chứng cứ mà ông vừa thu thập được tại Singapore. Theo luật sư Triển, đây là những chứng cứ hết sức quan trọng liên quan đến việc buộc tội “tham ô” đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.
Ông Triển cho biết, trong những chứng cứ cung cấp cho Tòa phúc thẩm có lời khai của ông Goh Hoon Seow - Giám đốc điều hành Cty Addpower Pte Ltd (Cty AP) - Cty đã môi giới bán ụ nổi 83M cho Vinalines. Theo ông Triển, ông đã gặp ông Goh Hoon Seow và đề nghị ông này xác nhận một số vấn đề liên quan trực tiếp đến việc mua bán ụ nổi 83M và khoản tiền “lót tay” 1,666 triệu USD.
“Ngày 16.4, tôi đã yêu cầu và ông Goh Hoon Seow đã lập “bản khai tuyên thệ trước pháp luật”. Bản khai này được công chứng viên Singapore và Viện Pháp luật Singapore xác nhận. Sau đó, được Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại Singapore đóng dấu chứng nhận. Tại bản khai này, ông Goh Hoon Seow khẳng định, toàn bộ việc thương thảo mua ụ nổi 83M đều được tiến hành giữa ông - đại diện cho Cty AP - và ông Trần Hải Sơn (nguyên TGĐ Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) - đại diện cho Vinalines.
Ông Goh Hoon Seow cũng cho biết, số tiền 1,666 triệu USD là phần thanh toán mà Cty AP trả theo tín dụng thư cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M. Khoản tiền này, ông Goh Hoon Seow cho rằng, ông trực tiếp bàn thảo với ông Trần Hải Sơn chứ chưa bao giờ trao đổi với ông Dương Chí Dũng và ông Mai Văn Phúc” - luật sư Trần Đình Triển cho biết.
Theo ông Triển, bằng lời khai này của ông Goh Hoon Seow, thì khoản tiền 1,666 triệu USD đã chuyển về Việt Nam và đến tay Trần Hải Sơn là đúng như cơ quan điều tra đã kết luận.
“Tuy nhiên, sau khi 1,666 triệu USD đến tay Trần Hải Sơn, nó đi đâu? Có thật là đã đến tay Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc hay không thì tôi sẽ trình bày vấn đề này tại phiên xét xử” - ông Triển cho biết. Cũng theo ông Triển, tại phiên xét xử phúc thẩm, các luật sư của các bị cáo sẽ đưa ra nhiều thông tin mới, hết sức bất ngờ có liên quan đến vụ án.
Gia đình Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc đã nộp 8,2 tỉ đồng
Cũng theo luật sư Trần Đình Triển, trước phiên xét xử phúc thẩm, ông đã gặp Dương Chí Dũng. “Sức khỏe và tinh thần ông Dũng khá ổn. Lúc có tâm trạng, ông Dũng còn làm thơ cho người thân trong gia đình” – luật sư Triển cho biết. Theo ông Triển, gia đình ông Dương Chí Dũng đã đến cơ quan thi hành án nộp 4,7 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Cũng về vấn đề này, luật sư Nguyễn Huy Thiệp - bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc, nguyên TGĐ Vinalines - cũng cho biết: “Mai Văn Phúc luôn khẳng định không nhận hối lộ, tuy nhiên gia đình ông Phúc cũng đã đến cơ quan thi hành án nộp số tiền 3,5 tỉ đồng”.
Theo luật sư Nguyễn Huy Thiệp thì việc gia đình các bị cáo này nộp tiền khắc phục hậu quả đều nhằm mục đích giữ lại sinh mạng cho các bị cáo.
Theo Nghị quyết 01/2001 của HĐTP TAND Tối cao, tại mục 4, hướng dẫn xử lý với tội “Tham ô tài sản”; mục 4.4 có quy định: Người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn...
HĐXX dự kiến xét xử vụ án trong 3 ngày.
Theo Chí Tùng