Luật Phá sản: Từ 'chết không được chôn' tới 'chôn cho chết'
- 14-09-2013Luật phá sản bị phá sản từ khi nào?
- 16-08-2013Bao nhiêu doanh nghiệp thực sự phá sản 6 tháng đầu năm?
Nội dung nổi bật
- Luật Phá sản năm 2004 đã coi những người điều hành doanh nghiệp bị phá sản giống như những “tội phạm” kinh tế khiến cho họ không mặn mà phá sản doanh nghiệp.
Luật Phá sản 2004 ra đời với vai trò là một trong những công cụ pháp lý quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong việc thể chế hóa chính sách kinh tế của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đang trong tình trạng sản xuất kinh doanh khó khăn, thua lỗ có cơ hội để rút khỏi thị trường một cách có trật tự.
Tuy nhiên, Luật Phá sản 2004 đã bộc lộ một số hạn chế tác động tiêu cực đến việc thúc đẩy sự phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã...
Cụ thể, đến nay nhiều quy định của Luật khó thực hiện nên số lượng các vụ phá sản do Tòa án thụ lý chưa nhiều. Một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả nhưng không tiến hành phá sản được. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc đánh giá năng lực thực tế của doanh nghiệp, hợp tác xã và sự lành mạnh của nền kinh tế.
Có tới 57 điều trên tổng số 95 điều của Luật Phá sản năm 2004 được các tòa án, các cơ quan, tổ chức có liên quan kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Điều này cho thấy Luật Phá sản năm 2004 còn quá nhiều điểm bất cập.
Luật Phá sản năm 2004 đã coi những người điều hành doanh nghiệp bị phá sản giống như những “tội phạm” kinh tế. Theo quy định của Luật, chủ doanh nghiệp bị phá sản và những người quản lý doanh nghiệp đó sẽ bị Tòa án ra quyết định không được quyền thành lập cũng như cấm đảm nhiệm các chức vụ quản lý doanh nghiệp từ một đến ba năm, kể từ ngày doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.
Đối với những người quản lý, điều hành doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, người được giao đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp khác bị tuyên bố phá sản thì sẽ không được đảm đương chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào cũng như ở các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Với lý đó mà nhiều doanh nghiệp đã không lựa chọn cách phá sản theo Luật Phá sản.
Tại Điều 3, Luật Phá sản năm 2004 quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Với quy định như vậy, theo các doanh nghiệp, điều luật này chỉ mang tính chất chung chung, thiếu chặt chẽ, chỉ là định tính, không phản ánh đúng thực trạng tình hình tài chính của DN khi lâm vào tình trạng phá sản.
Thực tế, không phải cứ có nợ quá hạn là doanh nghiệp, hợp tác xã coi là lâm vào tình trạng phá sản được. Bởi, hầu hết đều vừa là con nợ, lại vừa là chủ nợ. Thậm chí doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu tuyên bố phá sản vẫn là chủ nợ với số tiền lớn hơn số nợ mà họ quá hạn. Điều này đã đẩy doanh nghiệp đến cái khổ là muốn chết không được chết.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân bản thân lâm vào tình trạng vừa là con nợ vừa là chủ nợ, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Hiện nay, có rất nhiều công ty đã vay tiền ngân hàng để tiến hành nhận thầu.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gói thầu thì bị nợ tiền không thể trả, trong đó nợ ngân hàng lãi hàng tháng doanh nghiệp vẫn phải trả. Nhiều doanh nghiệp xin phá sản để cắt cảnh lãi mẹ đẻ lại con cũng không được, biến các doanh nghiệp thành "xác chết biết đi".
Diệt luôn cả doanh nghiệp khỏe?
Thực tế, có cả nghìn doanh nghiệp đang chờ sửa Luật Phá sản như tình cảnh tử tù chờ được tiêm thuốc độc. Doanh nghiệp ngắc ngoải mong chờ được chết (đến mức nhiều chuyên gia phải ví von, "chết không được chôn") thì Luật Phá sản sửa đổi lại như muốn chặt đầu luôn cả những kẻ sống khỏe.
Tại Điều 3 của dự thảo Luật Phá sản sửa đổi quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì được coi là lâm vào tình trạng phá sản”.
Với quy định mới này thì nhiều doanh nghiệp sẽ bị chết oan vì cứ có người đến đòi nợ mà không có trả là phải chết.
Người viết chẳng nói sai mà thực tế cho thấy quy định là nợ 200 triệu đồng trở lên là phải đăng ký phá sản là không phù hợp. Trong trường hợp này các tập đoàn, tổng công ty quy mô hàng nghìn tỉ đồng mà nợ quá hạn có 200 triệu đồng thì cũng bị đem đi "chôn sống". Một chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn, cứ chiếu theo tiêu chí này chắc chắn sẽ có tới 99% doanh nghiệp của Việt nằm trong diện phá sản
9 năm trời mong chờ luật mới ra đời để cho các doanh nghiệp đã "chết được đem chôn" thì không thấy mà chỉ thấy luật "chôn sống" doanh nghiệp. Chẳng lẽ các doanh nghiệp, hợp tác xã đành chịu phận thấp thỏm, quan trên cho chết lúc nào thì đành ngậm cười mà chết?
Theo Trúc Linh