MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh cãi nảy lửa về quy định cấm bán bia vỉa hè

10-09-2014 - 08:29 AM |

Nhiều đại biểu cho rằng dự thảo được ban hành rất đúng đắn nhưng nếu chỉ cấm mà không đi liền với giải pháp quản lý sẽ dẫn đến thiếu tính khả thi và xấu nhất là tình trạng loạn bia ở Việt Nam

Chiều 9/9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định kinh doanh và sản xuất bia. Theo đó phía Bộ ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn, tranh cãi về các quy định trong dự thảo.

Phát biểu tại hội thảo, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng việc xây dựng Nghị định với mục đích cuối cùng là đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm an toàn về chất lượng và quản lý được hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành bia cũng như hạn chế được phần nào bia cỏ, bia nhập lậu.

Ông Phan Chí Dũng- Vụ trưởng Vụ Công Nghiệp nhẹ có ý kiến về tên của Nghị định và cho biết cơ sở pháp lý của dự thảo là dựa trên quyết định 244 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Dũng cho rằng việc cấm bán bia trên vỉa hè có tính khả thi cao và dựa trên ý thức của người dân và từng địa phương. “Trên thực tế bán bất cứ loại hàng hóa nào trên vỉa hè cũng bị phạt chứ không chỉ riêng bia. Đây là quy định của Bộ Giao thông vận tải từ lâu”, ông Dũng nói.

Về quy định cấm bán bia cho phụ nữ mang thai và cho con bú ông Dũng cho biết việc của nhà nước là đưa ra quy định cấm nhưng khả thi hay không là từ phía người dân và người kinh doanh. Lực lượng giám sát không thể có mặt tại khắp mọi nơi để bắt quả tang và xử phạt được, vấn đề là đưa ra lệnh cấm và xử phạt một vài đối tượng để toàn dân nhìn vào đó và ý thức được.

Quy định dán nhãn tem lên sản phẩm bia, ông Dũng cho rằng có nhiều ý kiến trái chiều mà bên nào cũng có lý của mình nên sẽ tiếp tục tiếp thu và đánh giá.

Theo ông Nguyễn Văn Việt- Chủ tịch Hiệp Hội Bia-Rượu-Nước giải khát, những năm qua nhờ có quy hoạch của Bộ Công Thương ngành bia đã phát triển ổn định. Năm 2013 đạt sản lượng 3 tỷ lít bia, đứng thứ 5 tại Châu Á đến năm 2014 quy hoạch sản lượng bia sẽ vào khoảng 4 tỷ lít.

Về quy định dán tem nhãn rất khó khăn để doanh nghiệp thực hiện bởi trên thực tế để dán tem doanh nghiệp phải ra một chi phí lớn, điều này sẽ dẫn đến giá bia tăng cao, tiêu thụ giảm phía doanh nghiệp có thể bị thiệt hại đến hàng chục tỷ đồng.

Về quy định cấm bán bia vỉa hè, trường học, người say, người mang thai và đang cho con bú theo ông Việt là thiếu tính khả thi trong khi các nước trên thế giới việc bán bia vỉa hè được xem là văn hóa, văn minh. Ông Việt đề xuất, nên đưa các quy định này vào mục cảnh báo, giáo dục nhằm mục đích khuyến cáo chứ không cấm.

Trong khi đó về phía doanh nghiệp sản xuất bia, ông - ông Vũ Xuân Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Habeco đề xuất Bộ Công Thương phải có đề án nghiên cứu kĩ về việc dán nhãn tem. Cụ thể, ông Dũng nêu chi phí sản xuất mỗi con tem là 160-170 đồng/con, với 3 tỷ lít bia chi phí dán tem sẽ tương ứng 170 tỷ đồng chưa kể chi phí đầu tư công nghệ, máy móc, làm sạch chai bia trong quá trình tái sử dụng chai.

Ông Dũng nhấn mạnh thị trường bia rất đa dạng bao gồm: bia lon, bia chai, bia nhập khẩu, bia trong nước… nên quy định về dán nhãn cần cụ thể hơn. Theo ông Việt việc dán nhãn phù hợp hơn với bia nhập khẩu và bia lon và đề xuất không đưa quy định dán nhãn vào dự thảo.

Phía Habeco cũng cho rằng cần xem xét rõ việc bán bia qua các phương tiện thương mại điện tử bởi đây là một xu hướng mới tiếp cận người tiêu dùng, phía doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại lớn.

Bà Trần Thị Phương Lan-Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội ủng hộ quy định cấm bán bia trên vỉa hè, trường học, phụ nữ có thai, người say…vì sẽ gây mất mĩ quan đô thị, giao thông lộn xộn. Tuy nhiên bà Lan đề nghị Bộ Công Thương xem xét việc cấm bán bia qua thương mại điện tử bởi hoạt động thương mại điện tử đang phát triển, giúp tiết kiệm nhiều chi phí cho doanh nghiệp.

“Tôi cho rằng khi Nghị định này ra đời cần thêm trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải và trách nhiệm của các địa phương để nâng cao tính khả thi”, bà Lan nói.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Vụ pháp chế Bộ Giao thông vận tải lại cho rằng muốn quản lý hiệu quả phải dựa trên nguyên tắc rõ ràng chứ không phải đưa ra các quy định hời hợt rồi đòi cấm. Như vậy, dư luận sẽ cho rằng Nhà nước không quản được thì cấm cho nhanh, người dân, doanh nghiệp họ không phục.

“Với dự thảo mới này, nhiều quy định mới rất khó hiểu, đặt địa vị là các doanh nghiệp tôi cũng không biết hết được mình cần bao nhiêu giấy phép, thủ tục để ổn định sản xuất. Vấn đề là phải minh bạch các quy định trong dự thảo phải chi tiết để tránh rối loạn. Trong trường hợp nêu quy định và không kiểm soát được thì nên bỏ để tránh doanh nghiệp phải bơi trong biển các giấy tờ, hồ sơ”, bà Nga thẳng thắn nêu quan điểm.

Lê Văn Giang - Cục Phó Cục ATVSTP - Bộ Y tế cho rằng, văn bản pháp quy thì phải có tính khả thi, còn nếu không khả thi thì cần phải cân nhắc. Theo ông Giang, quy định về cảnh báo trên vỏ lon bia là không cần thiết vì bởi có rất nhiều cách khác để cảnh báo hiệu quả hơn.

Đối lập với nhiều ý kiến trên, các chuyên viên kinh tế -thành viên ban soạn thảo dự thảo, Bộ Công Thương cho rằng việc cấm bán bia trên vỉa hè là bắt buộc, cũng giống như trước đây việc cấm bán tiết canh, lòng lợn cũng gây tranh cãi nay việc bán bia cũng vậy. Phía ban soạn thảo cũng xác định sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp về việc dán nhãn tem, cấm bán cho phụ nữ có thai,đang cho con bú…và sẽ cho điều chỉnh sau.

Bà Hồ Thị Kim Thoa cho rằng dự thảo đang trong quá trình tiếp thu ý kiến nên có những tranh cãi, quan điểm trái chiều là hết bình thường. “Chúng tôi rất trân trọng những ý kiến đóng góp có tính xây dựng, và sẽ tiếp thu điều chỉnh cho hợp lý nhất để trình Chính Phủ phê duyệt vào cuối năm 2014”, bà Thoa nói.

>> Bán bia theo cách của…người Việt 

Hướng Dương

anhnt

Theo CafeF/Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên