Vì sao nguyên chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thủy sản Việt Nam bị bắt?
Cả hai bị bắt về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
Chiều 18-6, nguồn tin từ Công an tỉnh Trà Vinh cho biết cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hữu Lộc - nguyên chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), ông Trần Vũ Dũng - nguyên giám đốc Công ty CP Biển Tây (Q.7, TP.HCM - công ty con của Seaprodex).
Cả hai bị bắt về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bước đầu cơ quan điều tra xác định các bị can đã làm giả các báo cáo tài chính từ lỗ thành lãi, lập các hợp đồng thu mua nguyên liệu khống để rút tiền của Nhà nước...
Nhiều điều bất thường
Theo tài liệu, Seaprodex được hợp thành từ ba doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, Tổng công ty thủy sản Hạ Long và Tổng công ty hải sản Biển Đông theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 14-3-2011. Ông Nguyễn Hữu Lộc giữ chức chủ tịch HĐTV của tổng công ty mới. Tuy nhiên, những dấu hiệu bất thường liên quan tới ông Lộc đã có từ trước khi sáp nhập, thành lập tổng công ty mới.
Theo báo cáo kết quả kiểm tra của Seaprodex gửi lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tháng 9-2012, tháng 6-2007 HĐQT Tổng công ty hải sản Biển Đông nhất trí thành lập Công ty CP Aquafeed Cửu Long (Khu công nghiệp Long Đức, Trà Vinh), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn thủy sản, vốn điều lệ là 1,5 tỉ đồng. Năm 2008, Tổng công ty hải sản Biển Đông thống nhất tăng vốn điều lệ lên 2,1 tỉ đồng. Tới thời điểm kiểm tra vào năm 2012, đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xác định tổng vốn đầu tư của Công ty CP Công nghiệp thủy sản vào Aquafeed Cửu Long là hơn 7,2 tỉ đồng.
Báo cáo của đoàn kiểm tra còn cho thấy Công ty CP Công nghiệp thủy sản chuyển tiền cho các Công ty CP Biển Tây (thành lập năm 2007), Công ty Aquafeed Cửu Long bằng cách bán nguyên liệu sản xuất thức ăn nuôi cá có nhiều bất thường.
Theo đó, ông Trần Vũ Dũng đại diện cho Công ty CP Công nghiệp thủy sản là cổ đông chiếm 58% vốn điều lệ của Công ty CP Biển Tây, do đó các giao dịch của Công ty CP Biển Tây cần phải thông qua HĐQT Công ty CP Công nghiệp thủy sản bằng văn bản, nhưng không có hồ sơ nào thể hiện có các văn bản bắt buộc phải làm này.
Toàn bộ việc làm chỉ do ông Lộc, ông Dũng quyết định, không thông qua các khâu theo quy định của các doanh nghiệp và pháp luật. Đoàn kiểm tra cũng xác định không có hồ sơ nào làm căn cứ để ký kết các hợp đồng giao dịch mua bán giữa Công ty CP Biển Tây, Công ty Aquafeed Cửu Long.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra xác định trách nhiệm của ông Lộc trong việc chào bán ra 900.000 cổ phần, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, làm giảm tỉ lệ sở hữu của Nhà nước trong Công ty CP Công nghiệp thủy sản từ 59% xuống còn 46%, làm mất khả năng chi phối của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh. Theo quy định, ông Lộc phải báo cáo, xin ý kiến trước khi quyết định, nhưng ông Lộc không thực hiện.
Nợ nần, đổ vỡ
Theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Tân - người đại diện phần vốn của Công ty CP Công nghiệp thủy sản tại Công ty CP Aquafeed Cửu Long vào tháng 1-2012, ở thời điểm này tình hình đã “mất cân đối trầm trọng, nợ phải trả quá lớn so với tài sản đang có. Khả năng thu hồi nợ rất khó khăn, thậm chí không thu hồi được”.
Báo cáo của ông Tân nêu rõ: Aquafeed Cửu Long nợ ngân hàng 100 tỉ đồng, nợ Công ty CP Công nghiệp thủy sản 95 tỉ đồng (chưa kể gần 20 tỉ tiền lãi do nợ quá hạn phát sinh) và nợ các đơn vị khác khoảng 7 tỉ đồng.
Trong khi đó, toàn bộ tài sản, số nợ phải thu hồi của Công ty Aquafeed Cửu Long chỉ khoảng 150-160 tỉ đồng. Từ giữa năm 2011, Công ty Aquafeed Cửu Long đã không còn tiền mua nguyên liệu, đại bộ phận công nhân không có việc làm, nợ lương công nhân nhiều tháng, nợ bảo hiểm gần 1 tỉ đồng và đang ăn vào vốn.
Cũng vào tháng 1-2012, bà Bùi Thị Tuyết Mai - thành viên HĐQT, tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp thủy sản - có tờ trình gửi HĐQT và trực tiếp ông Nguyễn Hữu Lộc (lúc này là cố vấn HĐQT của Công ty CP Công nghiệp thủy sản) nêu rõ: mọi hoạt động của Công ty CP Công nghiệp thủy sản và Công ty Aquafeed Cửu Long đều do ông Nguyễn Hữu Lộc trực tiếp chỉ đạo. Từ khi Aquafeed Cửu Long hoạt động, chưa có một báo cáo tài chính nào được gửi cho tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp thủy sản. Mọi hoạt động chỉ do ông Lộc và ông Dũng trao đổi trực tiếp, thông báo sơ sài trong cuộc họp HĐQT.
Theo Gia Minh- Sơn Bình