MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ Huyền Như: Nhiều ngân hàng, công ty, bị cáo kháng cáo

08-02-2014 - 12:50 PM |

Ngày 7-2, theo thông tin từ TAND TP.HCM, nhiều bị cáo cùng các nguyên đơn dân sự, bị hại đã nộp đơn kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm được hội đồng xét xử TAND TP.HCM tuyên ngày 27-1-2014.

Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phân Á Châu (ACB) là đơn vị đầu tiên nộp đơn kháng cáo bản án, tiếp theo là Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông (ORS), Công ty cổ phần chứng khoán Toàn Cầu, Công ty An Lộc, Ngân hàng Nam Việt (Navibank)... và một số bị cáo đang tại ngoại.

Theo đó, nội dung các đơn kháng cáo của các nguyên đơn dân sự, bị hại trong vụ án đều kháng cáo phần về trách nhiệm dân sự mà bản án tòa tuyên. Đơn kháng cáo của ORS đề ngày 27-1 đã kháng cáo nội dung bản án liên quan đến ORS là không đúng với các cơ sở pháp lý cũng như chứng cứ vụ án. ORS cũng cho rằng tòa sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương VN (VietinBank) và ORS trong vụ án. 

Đơn kháng cáo của ACB không đồng ý toàn bộ nội dung bản án liên quan đến ACB và tiếp tục yêu cầu VietinBank trả tiền cho ACB.

Trước đó ngày 27-1, HĐXX TAND TP.HCM đã tuyên Huỳnh Thị Huyền Như mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức. Tòa cũng tuyên Huyền Như có trách nhiệm cùng một số bị cáo khác hoàn trả toàn bộ số tiền mà bị cáo này đã chiếm đoạt là gần 4.000 tỉ đồng cùng lãi suất quá hạn kể từ khi vụ án được khởi tố. 22 bị cáo còn lại bị tuyên các mức án từ 1 năm án treo đến 20 năm tù giam.

HĐXX TAND TP.HCM cũng đã có những kiến nghị điều tra, khởi tố, xem xét trách nhiệm đối với một số cá nhân có hành vi sai trái liên quan đến vụ án.

Theo đó, HĐXX kiến nghị điều tra xử lý làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm đối với ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương, phó giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM. Tòa xác định hai đương sự này đã ký các hợp đồng tiền gửi với Navibank và ACB nhưng không kiểm tra, giám sát để Huyền Như chiếm đoạt tiền của khách hàng.

HĐXX cũng kiến nghị xem xét một số sơ hở trong hệ thống các ngân hàng: kiến nghị Ngân hàng Nhà nước VN hủy bỏ quy định huy động vốn có lãi vượt trần vì khi thực hiện dễ bị lợi dụng dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hủy bỏ quy định ủy thác đầu tư vốn của các tổ chức, cá nhân vì dễ biến tướng thành đầu tư trá hình, rủi ro cao, không bảo toàn được vốn gây rối loạn thị trường tài chính tiền tệ; yêu cầu VietinBank hủy bỏ quy định cho phép trưởng phòng được quyền ra lệnh chuyển tiền đến 50 tỉ đồng nhưng không có cơ chế giám sát chặt chẽ để dẫn đến tình trạng lạm dụng; kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong các ngân hàng ACB, Navibank đã ủy quyền cho các nhân viên gửi tiền vào VietinBank để hưởng lãi suất vượt trần gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để xử lý thỏa đáng...

Liên quan đến số tiền còn lại được xác định đến thời điểm tuyên án là 24 tỉ đồng trong tài khoản của 19 nhân viên ACB đã ký hợp đồng ủy thác tiền gửi tại VietinBank, HĐXX tuyên VietinBank có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ số tiền này.

Đây là số tiền được coi là tình tiết mới trong vụ án được các luật sư đưa ra nhằm khẳng định số tiền này đã được các nhân viên ACB ký với VietinBank, và cho đến thời điểm xét xử vụ án số tiền này vẫn nằm trong tài khoản của VietinBank dù cáo trạng khẳng định toàn bộ số tiền Huyền Như đã chiếm đoạt hết.

Theo H.Điệp

duchai

Tuổi trẻ

Trở lên trên