MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Pháp ngăn Mỹ thâu tóm công ty cung cấp linh kiện hạt nhân

10-10-2023 - 13:37 PM | Tài chính quốc tế

Theo tờ Politico của Mỹ, Bộ Kinh tế Pháp mới đây cho biết nước này đã phủ quyết việc tập đoàn Flowserve (Mỹ) mua lại nhà cung cấp linh kiện hạt nhân Segault và Velan SAS.

Pháp ngăn Mỹ thâu tóm công ty cung cấp linh kiện hạt nhân - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: usinenouvelle.com

Thỏa thuận trên đã gây chú ý vào đầu năm nay, khi cả Chính phủ Pháp và phe đối lập đều biến thương vụ này thành một phép thử chính trị đối với tham vọng chủ quyền công nghiệp của Pháp, trong bối cảnh Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire đang cân nhắc giữa việc đảm bảo nước này là điểm đến đầu tư hấp dẫn hay duy trì chủ quyền về công nghệ chiến lược.

Các công ty Velan SAS và Segault sản xuất thiết bị công nghiệp cho tàu ngầm răn đe hạt nhân và các nhà máy điện hạt nhân của Pháp. Tuy nhiên, sau nhiều tháng điều tra, cơ quan phụ trách kiểm soát đầu tư nước ngoài của Pháp đã chính thức từ chối bán hai công ty trên vì lý do chúng có tầm quan trọng chiến lược cho lợi ích quốc gia.

Hồi tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cũng phản đối thương vụ này. Nhưng Bộ trưởng kinh tế Pháp đã đưa ra quyết định cuối cùng, viện dẫn liên quan đến thủ tục sàng lọc đầu tư. Quyết định trên có nguy cơ gây ra căng thẳng mới giữa Pháp và Mỹ, sau một chuỗi thăng trầm trong những năm gần đây.

Công ty Flowserve cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi cho rằng quyết định này không phù hợp với mục tiêu đã nêu của Chính phủ Pháp là khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Pháp”. Trong khi đó, một quan chức Bộ kinh tế Pháp đã bảo vệ quyết định này, nhấn mạnh rằng người mua (ám chỉ Mỹ) không phải là tiêu chí duy nhất để ngăn chặn thương vụ đó.

Một quan chức Pháp nói trong điều kiện giấu tên: “Trong tình huống mà vấn đề an ninh là nghiêm trọng, chúng tôi không ngần ngại chặn một giao dịch, ngay cả khi đó rõ ràng là tin xấu đối với bất kỳ nhà đầu tư nào. Chúng tôi đang thực hiện các quy tắc theo cách cổ điển và người Mỹ cũng sẽ làm như vậy trong trường hợp này, nhưng tôi không nghĩ điều đó có thể làm gia tăng căng thẳng”.

Chính phủ Pháp tự hào khi nhiều lần được chọn là quốc gia hấp dẫn nhất EU đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng Bộ trưởng Maire đã không ngần ngại sử dụng quyền phủ quyết đối với những trường hợp nhạy cảm về mặt chính trị.

Trong những năm qua và thậm chí trước cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19, Pháp liên tục thắt chặt các quy định sàng lọc đầu tư. Vào tháng 8 năm nay, họ tuyên bố sẽ thắt chặt hơn nữa việc sàng lọc các thương vụ thâu tóm nước ngoài.

Theo Công Thuận

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên