Phát ấn đền Trần: Lễ hội mua chuộc thần linh
Đến mặc cả với thần thánh để có được chức nọ tước kia, có được vị trí nọ chỗ ngồi kia, là buôn bán, chứ lòng thành gì?
- 03-03-2018Phó chủ tịch TP Nam Định: Đại biểu được chia chứ không tự ý lấy lộc ở lễ khai ấn đền Trần
- 02-03-2018Đại biểu chen chân, thi nhau "xin lộc" trong đêm khai ấn Đền Trần
- 02-03-2018Cảnh người dân vật vờ trắng đêm chờ xin ấn đền Trần
Mông muội
Lại một lần nữa, người ta chứng kiến cảnh đền Trần (Nam Định) ken cứng người là người, trèo lên đầu lên cổ, xô đẩy chen lấn đánh nhau đến thập tử nhất sinh để có được một tấm giấy gọi là “ấn” – như một tấm bùa chú hộ mệnh cho đường công danh vinh hiển.
Từ một tục lệ đơn giản bắt đầu năm mới, những năm gần đây, tục khai ấn đền Trần biến tướng, sai lệch hoàn toàn ý nghĩa ban đầu, trở thành một lễ hội mua chuộc thần linh mong cầu quan lộ hanh thông.
Người dân trèo lên đầu lên cổ nhau trong lễ phát ấn đền Trần năm 2018.
Có nghĩa, tất cả những người muốn thăng quan tiến chức, cứ đổ về đền Trần đêm 14, sáng ngày 15 tháng Giêng, bất chấp bằng mọi giá có được một tấm “ấn”, cầu cúng lễ bái, vậy là đặt niềm tin xong xuôi, ung dung về nhà đợi lộc lá trên trời rơi xuống.
Thậm chí, dù ý nghĩa biến tướng là cầu danh vọng chức tước, nhưng hàng ngàn hàng vạn người giữa biển chen lấn kia, không theo quan lộ, cũng cố sống cố chết bằng được để có trong tay một tờ ấn, bởi họ nghĩ, thứ bùa chú thiêng liêng đó, không “bổ ngang thì bổ dọc”, không phù hộ cái này thì phù hộ cái khác, kiểu gì cũng có lợi ích.
Không biết đã có ai đến xin ấn đền Trần về được thoả ước nguyện chức tước, công danh, tiền bạc mà không cần lao tâm khổ tứ làm việc chưa, hay như một trào lưu người ta có thì mình phải có, từ cái “nghe nói thiêng lắm”, thậm chí chẳng cần thiêng, như một kiểu hiệu ứng đám đông, không cần quan tâm ý nghĩa thực sự của việc đứng trước nơi cửa đền, ùn ùn đổ về xô đổ rào chắn cửa gác, đạp lên đầu lên cổ nhau, trèo thẳng lên ban thờ cướp lộc cướp ấn.
Tiếp tay
Tín ngưỡng là câu chuyện không ai kiểm chứng, đó là lý do nó tồn tại như một thứ văn hóa – văn hóa tâm linh trong lòng mỗi người. Nhưng cũng giống như nhiều nơi, những gì đang diễn ra tại đền Trần cho thấy điều ngược lại, tín ngưỡng đã trở thành câu chuyện của thương mại, của buôn thần bán thánh, của lợi ích cho nhiều kẻ kiếm tiền trên lòng tin – và cả lòng tham của người dân.
Từ ý nghĩa tốt lành, cửa đền bỗng thành nơi buôn bán của bọn gian thương. Người bán thần linh, bán cái ấn kia, lòng tham không thể chối cãi, nhưng người chen lấn bằng chết để có được nó, cũng tham lam, sân si, cầu cạnh chẳng kém. Bởi đến mặc cả với thần thánh để có được chức nọ tước kia, có được vị trí nọ chỗ ngồi mong ước kia, là buôn bán, chứ lòng thành gì?
BTC khẳng định ý nghĩa tốt đẹp của việc phát ấn, và từ xưa đến nay ấn vẫn được phát miễn phí, người dân không phải trả tiền, nhưng ngay ngày hôm qua, ai muốn có ấn phải bỏ ra tối thiểu 20.000 đồng, số tiền bỏ ra càng lớn, số ấn nhận lại càng nhiều.
Chính ban tổ chức đặt thần linh có giá trị ngang hàng với mệnh giá tối thiểu 20.000 đồng.
Đổi tiền lấy ấn cầu mong vinh hiển công danh, không phải đổi chác mua thần bán thánh thì là gì? Thử không có 20.000 đồng đó, liệu có tờ ấn nào được ông thủ từ đưa ra khỏi song cửa không?
Vậy nên đừng nói không có sự tiếp tay của chính BTC lễ hội đền Trần, nếu không muốn nói quá lên rằng, chính BTC đã đặt thần linh có giá trị ngang hàng với mệnh giá tối thiểu 20.000 đồng kia.
Dẹp bỏ
Chen lấn, xô đẩy, đè đầu cưỡi cổ đánh chửi nhau đến mất nhân tính để có một tấm ấn trong lễ hội đền Trần hết năm này qua năm khác, là minh chứng rõ ràng nhất của việc người dân gá mọi niềm tin của mình vào con đường cầu cúng, lễ bái nhang khói.
Người nào không tin cứ để ý mà xem, sau Tết, gần như không còn ai làm việc, hàng triệu người chia nhau đổ về khắp các đền, chùa, miếu, phủ; từ thành thị đến nơi rừng núi xa xôi; từ đồng bằng đến cửa biển, chìm trong mùi khói hương và thiên biến vạn hóa các kiểu tế lễ bằng gà, lợn, xôi thịt, thậm chí nguyên cả con trâu bò, tháp đồ lễ khổng lồ chục người khuân vác không xuể.
Ngay cả chuyện bỏ công bỏ việc đi lễ hàng tuần, nửa tháng hết chùa này đến đền khác, hết miếu nọ đến phủ kia trở thành việc bình thường dịp đầu năm. Cầu khấn gì mà lắm thế, thần phật nào chứng giám cho việc không muốn làm, cái gì cũng chỉ muốn “xin”?
Đã đến lúc, phải dẹp bỏ việc phát ấn đền Trần, dẹp bỏ một hình thức biến tướng tín ngưỡng thành mê tín dị đoan, thành buôn thần bán thánh, cổ súy sự u mê mông muội, cổ súy việc lười nhác lao động, không muốn làm, chỉ chăm chăm cầu cạnh xin xỏ.
Thêm vào đó, vốn dĩ lễ hội gốc đã không có ý nghĩa cầu mong vinh hiển, thì lý do gì để tồn tại một lễ hội phóng đại sai hoàn toàn dẫn đến nhiều hệ lụy đến vậy? Không có lý do gì ngoài lý do lợi ích, mà lý do này, thì quá đơn giản để thay đổi.
Cần phải trả lễ hội đền Trần về ý nghĩa ban đầu, để những người mang nhang đi khấn nhớ rằng, thần thánh không ở phương nào cả, thần thánh ở ngay trong lòng mỗi người, đến cửa đền ngày xuân, chính là để cầu mong lòng mình luôn bình an, bởi mưu cầu lớn nhất cuộc đời mỗi người, không phải bình an đó sao.
Video: Choáng váng số ấn được phát ra trong ngày đầu khai ấn đền Trần
> Đọc thêm: Chen lấn xông vào xin ấn đền Trần: Dân công đức nhiều tiền, ấn xin sẽ được nhiều
Chủ đề:
lễ hội đền trần
,dẹp bỏ lễ hội đền trần
,phát ấn đền trần
VTC News