Phát hiện bất ngờ từ cuộc thám hiểm "rất khó khăn" mới nhất tại hang Sơn Đoòng: Thực tế khác xa so với nhận định ban đầu của các chuyên gia thế giới
Thông tin về chuyến lặn thám hiểm sông ngầm trong hang động lớn nhất thế giới, Hang Sơn Đoòng và một số hang động tại Phong Nha – Kẻ Bàng một lần nữa mang về những kết quả bất ngờ và mở ra cánh cửa mới cho các nhà thám hiểm.
Từ năm 1990 cho đến 2019 đoàn thám hiểm hang động BCRA do ông Howard Limbert dẫn đầu đã khảo sát được hơn 300 hang tại khu vực VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và 20 hang động ở các vùng lân cận. Từ đó lập ra các bản đồ, danh mục hệ thống hang động tại Quảng Bình phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Các hang động nổi bật bao gồm Hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới về thể tích, Hang Khe Ry (20km) là hang dài nhất Việt Nam, Hang Va có hệ thống các cột thạch nhũ hiếm có, hệ thống hang động Tú Làn với các hang ngầm nối các thung lũng đá vôi với nhau. Hay hệ thống Hang Tiên có cấu tạo địa chất độc đáo.
Trong gần 30 năm nhóm thám hiểm đã tìm kiếm, khảo sát hàng trăm hang động tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, tuy nhiên mới chỉ 30% khu rừng và dãy núi đá vôi được khảo sát do đó hàng năm nhóm thám hiểm của ông Howard Limbert vẫn tổ chức các đợt khảo sát mới trong khu vực này. Lần gần đây nhất là chuyến lặn thám hiểm sông ngầm trong hang động lớn nhất thế giới, Hang Sơn Đoòng và một số hang động tại Phong Nha – Kẻ Bàng.
Tại buổi họp báo, ông Limbert tiết lộ: “Đây là cuộc thám hiểm rất khó khăn”.
Khám phá bí ẩn bên trong những dòng sông ngầm
Lặn thám hiểm hang động là loại hình thám hiểm đặc thù, những hang ngầm có chiều dài khác nhau, độ sâu khác nhau, dòng chảy khác nhau hay độ trong suốt của nước cũng khác nhau nên đòi hỏi những người lặn thám hiểm hang động phải cực kỳ kinh nghiệm. Họ cần sử dụng thành thạo các thiết bị lặn đặc chủng và không giống với các loại thiết bị lặn ở biển hay các dòng sông mở. Các dòng sông ngầm có nhiều hang hoàn toàn chìm trong nước do đó trong quá trình lặn các chuyên gia lặn phải xử lý được các tình huống khẩn cấp vì họ không thể trồi lên khỏi mặt nước.
Trong 30 năm thám hiểm các hang động ở Quảng Bình, các chuyên gia hang động của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã thử lặn ở một số hang nước với tần suất chưa nhiều. Việc mời các chuyên gia lặn hang động giỏi nhất thế giới đến để lặn xuống sông ngầm bên dưới hang Sơn Đoòng mở ra các cơ hội lớn để khám phá những bí mật và những điều mới lạ bên dưới các hang ngầm mà trước đây các chuyên gia chưa làm hoặc rất ít làm.
Chuyến khảo sát hang Sơn Đoòng và một số hang động tại Phong Nha – Kẻ Bàng có sự tham gia của các chuyên gia lặn hang động thuộc nhóm top 50 chuyên gia lặn hang động giỏi nhất thế giới.
Nhóm thợ lặn bao gồm: Trưởng nhóm lặn: Ông Martin Holroyd - Chuyên gia BCRA, và 3 thành viên đã thực đã đóng góp lớn cho việc giải cứu thành công đội bóng nhí Lợn Hoang tại Tham Luông, Chiang Rai năm 2018 là Ông Rick Stanton, Ông Jason Mallinson và ông Chris Jewell cùng điều phối viên thiết bị lặn: Bà Laura Jewell
Đây được đánh giá là một thử thách đặc biệt và tuyệt vời cho các chuyên gia, bởi vì lộ trình này chưa từng được khảo sát trước đây và các chuyên gia thợ lặn rất khao khát khám phá những hang động mới.
Kết quả bất ngờ của cuộc khảo sát
Mục tiêu của chuyến khảo sát lần này của các chuyên gia là tìm ra đoạn hang ngầm nối giữa Hang Sơn Đoòng và Hang Thung cách nhau 600m. Nhận định ban đầu là khi đạt độ sâu 45m thì đoạn sông ngầm bên trong Hang Sơn Đoòng sẽ chạy ngang để nối với dòng sông ngầm bên trong Hang Thung.
Tuy nhiên trên thực tế hoàn toàn khác, khi nhóm chuyên gia đo độ sâu của dòng sông ngầm bằng dây thì đáy của dòng sông ngầm bên trong Sơn Đoòng nằm ở độ sâu là 93m. Ở độ sâu này, không thể dùng bình lặn nén khí thông thường để lặn. Do đó, các chuyên gia lặn phải tìm kiếm các điểm trần hang ngầm với độ sâu khoảng 40-50m để có thể dùng bình khí nén hiện tại. Cùng với hệ thống rebreath, thợ có thể lặn bên dưới hang ngầm nhiều giờ liền.
Ông Jason đã thực hiện đợt lặn ở độ sâu 77m là độ để tìm kiếm lối thông qua hang Thung nhưng vẫn chưa thể tìm thấy điểm nối mà độ sâu của hang vẫn tiếp tục sâu hơn. Nhóm chuyên gia lặn hang động đã có phương án dùng bình khí heli (Helium) để có thể lặn sâu 120m đến 200m.
Phát hiện mới của chuyến lặn thám hiểm
Chuyến khảo sát lần này đã phát hiện ra một hệ thống hang ngầm (tunnel) nằm ở độ sâu 60m, càng sâu hệ thống hang ngầm càng mở rộng ra. Ở độ sau này đã sâu hơn mực nước biển tại vị trí lặn. Với phát hiện này, Hang Sơn Đoòng lại trở thành điều bí ẩn đối các chuyên gia hang động và các nhà khoa học.
Ngoài dòng sông ngầm bên trong Hang Sơn Đoòng, các chuyên gia lặn hang động còn lặn khảo sát tại khu vực suối Nước Moọc bên trong VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và tại độ sâu 74m các chuyên gia buộc phải dừng lại vì cần thiết bị phù hợp hơn. Như vậy theo nhận định của các chuyên gian lặn hang động lần này, hệ thống hang động đá vôi tại Phong Nha - Kẻ Bàng được chia thành 3 tầng, hang khô, hang mở có dòng chảy và hệ thống hang ngầm nằm ở độ sâu trên 60m.
Kết quả khảo sát lần này đã mở ra một trang khám phá mới về hệ thống hang ngầm nằm ở độ sâu trên 60m đồng thời mở cách cửa cho các nhà thám hiểm hang động khảo sát thêm hệ thống hang động nằm sâu bên dưới lòng đất. Với những điều này, Phong Nha- Kẻ Bàng vẫn sẽ là điều bí ẩn dành cho các nhà thám hiểm khám phá trong thời gian tới.