Phát hiện căn bệnh dễ gây nhồi máu cơ tim trong vòng 15 phút
Một phương pháp mới ít rủi ro và dễ thực hiện có thể giúp phát hiện sớm căn bệnh dễ dẫn tới nhồi máu cơ tim và đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ.
- 28-06-2020Bệnh bạch hầu: Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao nhất và cách sàng lọc bệnh
- 28-06-2020Chế độ ăn uống là nguyên nhân chủ yếu gây ra ung thư đường tiêu hóa, bác sĩ khuyên tạo thói quen ăn uống tuân thủ “2 nhiều 3 ít” để ngừa bệnh
- 27-06-2020TS Việt tại Mỹ: Bệnh bạch hầu và quá khứ cực kỳ đáng sợ, chỉ có 1 cách phòng bệnh duy nhất
Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess (BIDMC – Mỹ) đã tìm ra cách ứng dụng một kỹ thuật "xưa như trái đất" là chụp cộng hưởng từ (MRI) để tạo ra một phương pháp chẩn đoán bệnh động mạch vành chỉ trong vòng 15 phút mà không cần xâm lấn.
Trong bài công bố mới đây trên tạp chí khoa học Journal of the American College of Cardiology, nhóm nghiên cứu giải thích rằng kỹ thuật mới này sẽ thông qua hình ảnh để đo lường sự thay đổi lưu lượng máu trong cơ tim và mô cơ tim sau khi gắng sức, từ đó phát hiện bệnh.
Hiện nay, việc chẩn đoán xác định bệnh động mạch vành thường phải trải qua bước chụp động mạch vành chọn lọc có cản quang, là một kỹ thuật xâm lấn tốn kém, phức tạp, phải luồn ống thông vào động mạch, tiềm ẩn một số rủi ro như dị ứng thuốc cản quang, nhiễm trùng. Thông thường bệnh nhân chỉ được chỉ định chụp động mạch vành khi có một số biểu hiện nghi ngờ bệnh rõ ràng khác. Kỹ thuật xâm lấn cũng khiến nhiều bệnh nhân ngần ngại, cố gắng trì hoãn việc thực hiện.
Thế nhưng, bệnh động mạch vành không được can thiệp sớm và đúng cách có thể dẫn đến các tai biến tim mạch nguy hiểm như cơn nhồi máu cơ tim chết người. Bệnh động mạch vành hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ tại Mỹ.
Tiến sĩ Reza Nezafat, giám đốc khoa học của Trung tâm Cộng hưởng từ Tim mạch tại BIDMC và là giáo sư tại Trường Y khoa – Đại học Harvard, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Cách chụp động mạch vành hiện tại đòi hỏi phải sử dụng thuốc cản quang có chứa gadolinium. Tuy nhiên, các dữ liệu gần đây chỉ ra rằng gadolinium có thể bị lưu giữ trong não và các cơ quan khác. Vì vậy, chúng tôi phát triển một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, loại bỏ việc sử dụng bất kỳ thuốc cản quang nào nhưng vẫn có thể đo lường sự thay đổi lưu lượng máu trong cơ tim".
Trong kỹ thuật mới này, bệnh nhân chỉ cần đạp xe đạp thể dục để tăng nhịp tim. Trong vòng 30 giây sau khi đạp, họ sẽ được chụp MRI để xem xét các thay đổi bên trong trái tim. Toàn bộ quy trình sẽ cho kết quả chẩn đoán xác định chỉ trong vòng 15 phút. Theo tiến sĩ Nezafat, ông và các cộng sự sẽ tiếp tục các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn để xác nhận hiệu quả của phương pháp mới trước khi chính thức sử dụng nó để thay thế các phương pháp cũ.
NLĐ