Phát hiện dòng họ quái thú mới: Mình bò sát dài 3 m, chân đà điểu
Hài cốt của cả một đàn quái thú 100 triệu tuổi đã giúp xác định không chỉ một loài mà cả một chi động vật cổ đại chưa từng được biết đến.
- 25-04-2024Xuất hiện quái thú bọc giáp 165 triệu tuổi "kỳ lạ chưa từng thấy"
- 20-04-2024Phát hiện quái thú “Kẻ hủy diệt” dài 30 m ở Argentina
- 13-04-2024Phát hiện loài mới là “con lai” của 2 quái thú, nặng đến 10 tấn
Theo Sci-News, những mảnh hài cốt quái thú đã được tìm thấy ở hệ tầng Huincul thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pueblo Blanco, phía Bắc tỉnh Río Negro - Argentina.
Số hài cốt này thuộc về nhiều cá thể khác nhau nhưng cùng một loài, mang những đặc điểm rõ ràng của nhánh khủng long chân chim Elasmaria.
Tuy vậy, chúng cũng sở hữu những đặc điểm dị biệt so với tất cả các loài Elasmaria từng được khai quật trên lục địa Nam Mỹ, Nam Cực và châu Đại Dương.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Rodrigo Alvarez Nogueira từ Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Bernardino Rivadavia Argentina, Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và kỹ thuật quốc gia (CONICET) và Đại học Maimonides (Argentina) đã phân tích các mẫu vật.
Họ xác định đó là một loài Elasmaria mới và cũng thuộc về một chi riêng biệt so với các loài họ hàng được biết đến trước đây.
Loài mới được đặt tên là Chakisaurus nekul, sống vào khoảng 90-100 triệu năm trước. Trong đó, các cá thể được khai quật có chiều dài từ 2,5 m đến 3 m và cao khoảng 0,7 m.
Với kích thước đó, loài này có kích thước trung bình trong dòng họ Elasmaria.
Chúng có thân hình đặc trưng như các khủng long chân chim khác: Một đôi chân chắc khỏe, nhanh nhạy như chân đà điểu, với ba ngón chắc khỏe và một chiếc cựa phía sau, nhưng thân hình vẫn là bò sát.
Ngoài việc là một loài mới, các quái thú ở Argentina còn đem đến một điều thú vị khác: Các hóa thạch này bao gồm các phần khá đầy đủ của đuôi, vốn thường bị thiếu trong các hóa thạch Elasmaria khác.
"Hình dạng hài cốt của chúng cũng rất khác so với các loài Elasmaria cỡ trung bình khác, giống với các loài nhỏ hơn và gợi ý rằng nhánh khủng long này bao gồm các loài có thói quen vận động khác nhau” - các tác giả viết trong bài công bố trên tạp chí Cretaceous Research.
Người lao động