Phát hiện đường đá trăm tuổi xuyên rừng ở miền Bắc: Mang dấu ấn lịch sử, du khách nhận xét như cổ tích
Những con đường đá cổ rêu phong có tuổi đời hàng trăm năm không chỉ có trên phim hay trong truyện mà ngay ở miền Bắc Việt Nam, du khách có thể chinh phục nó.
- 01-01-2024Linh Rin cập nhật tình hình ở nhà chăm ái nữ, hội Hàn Hằng - Trang Lou vi vu du lịch: Ngày cuối năm của bạn thế nào rồi?
- 29-12-2023Mua tour du lịch giá rẻ, chàng trai bị bắt cóc và bán làm nô lệ suốt 3 năm
- 28-12-2023Chi gần 300 triệu đi nghỉ ở Maldives, cặp đôi ngán ngẩm trước cảnh tượng không như mơ: Kiếp nạn đi du lịch là đây!
Nhắc tới du lịch vùng núi phía Bắc Việt Nam, du khách sẽ nhớ ngay tới những địa điểm với khung cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, nguyên sơ. Song trong số đó, ít ai biết rằng, suốt 100 năm qua, còn có 1 con đường đá cổ phủ đầy rêu phong, trông như bước ra từ 1 thước phim hay cuốn truyện cổ tích. Đây là con đường mà du khách có thể chọn trong hành trình trekking của mình.
Con đường này nằm trong địa bàn tỉnh Lai Châu, cũng là con đường mà người đồng bào dân tộc lựa chọn để di chuyển từ bản Nhìu Cồ San sang bản Sàng Mà Pho và ngược lại. Tên của nó là đường đá Pavi.
Những dấu ấn lịch sử của con đường đá cổ Pavi
Theo thông tin trên Cổng Thông tin Điện tử Tỉnh Lào Cai, con đường được đặt theo tên của thống đốc người Pháp - Auguste Jean-Marie Pavie, người cho xây dựng đường vào năm 1920 và hoàn thành vào 7 năm sau đó. Toàn bộ công trình được làm thủ công với những tảng đá lớn và đá cuội, tổng chiều dài lên đến 80km. Bề ngang đường không lớn, đoạn rộng nhất cũng chỉ khoảng hơn 3 mét.
Con đường Pavi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh, rừng thảo quả và các dãy núi cao vút vùng Tây Bắc. Tuy nhiên đường không hề khó đi. Mục đích của việc xây dựng con đường xuyên rừng này chính là để vận chuyển các loại hàng hoá bằng người, ngựa, trâu, bò, giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Cũng bởi vậy, đá làm đường đã được mài nhẵn để việc đi lại trở nên thuận lợi hơn.
Trải qua thời gian dài với nhiều thăng trầm, biến động, con đường Pavi giờ đây chỉ còn lại khoảng 14km. Mặt đá vẫn còn đó nhưng đã được phủ lên trên phần nào lớp rêu phong. Người dân ở bản Sàng Ma Sáo và Sàng Mà Pho của 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu vẫn đi bằng đường này.
Cũng bởi những giá trị về mặt lịch sử, vào năm 2019 UBND huyện Bát Xát (Lào Cai) và UBND huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã thực hiện những chuyến khảo sát kết nối phát triển du lịch cho đường đá Pavi. Kết quả cho thấy, con đường đá cổ đã giúp phát huy được tiềm năng du lịch hai xã, hai huyện, cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của tuyến đường đá cổ.
Hành trình chinh phục “con đường cổ tích”
Nhiều du khách nhận xét, so với nhiều điểm đến khác ở Lai Châu, vẻ đẹp của con đường Pavi thực sự rất khác biệt. Phải đặt chân đến tận nơi mới có thể cảm nhận được. Như đã nói ở trên, bên cạnh được sử dụng như đường di chuyển từ bản Nhìu Cồ San sang bản Sàng Mà Pho, đường cổ Pavi còn là con đường trekking thuận tiện, dễ dàng hơn dành cho khách du lịch. Phổ biến nhất, du khách thường chọn trekking đường Pavi để lên đèo Gió.
Phượt thủ Quang Khải (đến từ Hà Nội) nhận xét: "So với đi đường rừng trong các ngọn núi như Bạch Mộc Lương Tử, Tà Chì Nhù… thì hành trình vượt đường cổ Pavi có phần 'dễ thở' hơn vì đây là con đường có người qua lại thường xuyên, không gian khá thoáng đãng".
Anh Lý A Sáng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Lý A Sáng bật mí: "Qua nhiều lần khảo sát, tôi chọn tuyến đường trekking cho du khách của mình bắt đầu từ bản Sàng Mà Pho tới bản Nhìu Cồ San. Du khách đi theo cung đường từ Lai Châu sang Lào Cai qua đường đá cổ Pavi sẽ không phải lên dốc nhiều, độ dốc cũng không lớn, điều đó giúp du khách đỡ tốn sức hơn so với hành trình ngược lại".
Cũng theo kinh nghiệm của Quang Khải, nên chọn thời gian đi trekking vào khoảng 7-8h sáng để có thể kịp ăn trưa và nghỉ ngơi trên đỉnh đèo Gió. Để thuận tiện hơn, trước đó có thể liên hệ với công ty du lịch để có các porter (người khuân vác) đồng hành trong chuyến đi, đảm bảo an toàn tối đa cho hành trình.
Càng đi vào sâu trong rừng, vẻ đẹp của đường đá cổ Pavi càng trở nên quyến rũ và huyền ảo. Du khách sẽ được bước đi trên con đường đá phủ đầy rêu phong xanh mướt, có những đoạn sẽ khá trơn trượt, đòi hỏi người đi đường phải có gậy để hỗ trợ.
Điều thu hút nhất trong quãng hành trình trekking đường đá cổ Pavi là được băng qua một khu rừng nguyên sinh với đa dạng sinh học. Rừng được chia thành nhiều tầng với lớp thảo quả, các loại cây hỗn hợp thấp tầng, cao hơn là các loại cây lá kim, cây lá phong và các loại cây gỗ lớn ở phía trên. Khi nắng xuyên qua các tầng thực vật, đổ xuống tán lá khiến cả khu rừng như bừng sáng, trở nên vô cùng thơ mộng.
Mất khoảng 3-4 tiếng, du khách sẽ có mặt tại đèo Gió. Lên tới độ cao hơn 2000m so với mực nước biển, lớp sương mù dày đặc sẽ xuất hiện ở đây kể cả khi trời nắng. Du khách lưu ý nên mang áo khoác và di chuyển thật cẩn thật.
Chị Thanh Hương, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi cảm giác mình như đang lạc vào một khu rừng cổ tích, thật bất ngờ trước vẻ đẹp ấy. Ngồi ăn trưa giữa một cánh rừng nguyên sinh phảng phất mùi hương thảo quả là một trải nghiệm không phải ai cũng may mắn có được. Bên tai, tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót, gió thổi rì rào, mây trắng lững lờ trên nền trời xanh ngắt…. Đó là thành quả xứng đáng sau mấy giờ leo bộ mà cuộc sống nơi thị thành không thể có được”.
Trên đường đi du khách còn có thể thăm sân bay Pháp cũ. Đây là cả một vùng bình nguyên rộng lớn với mặt cỏ xanh mượt xen lẫn những đóa hoa mua tím ngắt. Qua khỏi sân bay 2km là tới bản Nhìu Cồ San, du khách sẽ kết thúc hành trình chinh phục con đường đá cổ Pavi huyền thoại.
Đời sống & pháp luật