Phát hiện giá cao bất thường, BHXH đề nghị xem lại giá thuốc đấu thầu
BHXH Bình Định đề nghị xem lại giá thuốc đấu thầu sau khi phát hiện gần 130 loại thuốc có giá cao hơn giá trúng thầu so với các tỉnh, thành khác.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bình Định vừa phát hiện gần 130 loại thuốc tại địa phương này có mức chênh lệch cao hơn giá thuốc trúng thầu so với các tỉnh, thành khác từ 10% trở lên, cá biệt có nhiều loại cao hơn 40%. Sau khi phát hiện bất thường này, BHXH tỉnh Bình Định đề nghị xem xét lại giá thuốc đấu thầu.
Tháng 6 vừa qua, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi thuốc Generic, thuộc dự toán mua sắm thuốc tập trung, cấp cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh từ quý II năm nay đến hết quý I/2018. Tuy nhiên, qua rà soát giá thuốc trúng thầu, BHXH tỉnh Bình Định nhận thấy một số thuốc có giá trúng thầu cao.
Theo danh mục do BHXH Bình Định rà soát, 126 tên thuốc từ 18 đơn vị trúng thầu có giá cao hơn so với nhiều địa phương được chọn đối chiếu như Điện Biên, Lai Châu, Bắc Giang, Nghệ An...Ví dụ như thuốc Salbutamol dạng hộp 100 viên nén, do Công ty Cổ phần Dược phẩm Minh Dân, tỉnh Nam Định sản xuất và trúng thầu, cao hơn giá tháng 1/2007 ở chính tỉnh Bình Định đến 18%. Do đó, BHXH tỉnh Bình Định đã gửi công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh này làm việc với các nhà thầu có giá thuốc trúng thầu cao, điều chỉnh cho phù hợp, nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.
Công văn phúc đáp của Sở Y tế gửi Bộ Y tế và UBND tỉnh Bình Định về công tác đấu thầu giá thuốc.
Ông Phạm Mai, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định cho biết: Bảo hiểm xã hội có tham gia kiểm tra, kiểm soát và tham mưu cho Hội đồng do Sở Y tế làm chủ tịch hội đồng. Nhưng có những quá trình kiểm soát không tới, không hết vì quá lớn, lượng thuốc, mặt hàng chằng chịt. Vừa qua, tỉnh cũng có công văn đề nghị xem xét lại giá thuốc, kể cả bên trúng thầu.
Theo Sở Y tế Bình Định, trong 126 loại thuốc được BHXH đề nghị xem xét lại giá, có 124 mặt hàng lấy giá tham khảo từ cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để lập giá kế hoạch. Trong khi đó, xét tổng giá trị gói thầu thì giá trúng thầu tổng mặt hàng so với tổng giá trị kế hoạch giảm đến 22%. Theo đó, tỉnh Bình Định có một đơn vị mua thuốc tập trung để thực hiện việc đấu thầu.
Trong đó, BHXH tỉnh tham gia từ đầu đến cuối cùng với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, còn Sở Y tế chỉ thẩm định. Về việc Bảo hiểm xã hội cho rằng giá thuốc trúng thầu tại Bình Định cao hơn các địa phương khác, Sở Y tế cho rằng BHXH đã rà soát, đối chiếu giá thuốc trúng thầu với 1 đơn vị tại thời điểm khác cách đây 6 tháng.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết trong 126 mặt hàng trúng thầu mà Bảo hiểm xã hội Bình Định đề nghị thương thảo lại giá, chỉ 2 mặt hàng tham khảo bằng phương thức báo giá, còn lại tham khảo giá trúng thầu đăng tải trên trang thông tin điện tử BHXH Việt Nam như quy định theo Thông tư 11 của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, sau khi có kiến nghị, Sở Y tế đã gửi văn bản đến 18 nhà thầu đề nghị xem xét lại giá đã trúng thầu. Có 4 nhà thầu không phúc đáp, đồng nghĩa không chấp nhận giảm giá 11 mặt hàng. Trong 14 nhà thầu phản hồi, có 7 đơn vị không đồng ý giảm giá 20 mặt hàng, 7 doanh nghiệp đồng ý giảm giá 40/95 mặt hàng. Với 40 mặt hàng đồng ý giảm giá, Sở Y tế thông báo cho các bên liên quan triển khai thực hiện.
"Qua sự việc vừa rồi chúng tôi cũng đã có văn bản báo cáo cho Bộ Y tế và UBND tỉnh, báo cáo lại toàn bộ quá trình. Việc này không chỉ xảy ra đối với Sở Y tế Bình Định mà đã có khá nhiều Sở Y tế khác có tình trạng này xảy ra. Xuất phát từ việc này các Sở Y tế này cũng đã kiến nghị Bộ Y tế và Bộ Y tế cũng đã có văn bản chính thức trả lời, là giá trúng thầu có sự chênh lệch của các tỉnh là đương nhiên và nếu đấu thầu theo đúng quy định thì giá đó được chấp nhận" - ông Hùng nói.
VOV