Phát hiện "hồ Tuyền Lâm thu nhỏ" ngay gần Hà Nội, không cần đi Đà Lạt, chỉ cần lái xe chưa đến 1 tiếng
Cách trung tâm thủ đô Hà Nội chưa đến 1 giờ lái xe, du khách sẽ tới một nơi có khung cảnh cả hồ cả núi, được nhận xét là hồ Tuyền Lâm hay Đà Lạt thu nhỏ.
- 19-09-2023Trào lưu đan móc len lại "xâm chiếm": Kẻ tranh thủ kinh doanh, người mua về ngắm thôi cũng đủ mê rồi
- 19-09-2023Từng ở thuê, vợ chồng Việt mua 2 căn nhà sau 4 năm định cư Mỹ: Căng thẳng vì tài chính, thành quả đáng mơ
- 19-09-2023Chiêm ngưỡng căn biệt thự triệu đô ở Lâm Đồng
Vài năm trở lại đây, có một địa điểm ở Sóc Sơn thu hút vô cùng đông đảo du khách, đó là hồ Đồng Đò. Mỗi dịp cuối tuần hay nghỉ lễ, ta lại dễ dàng bắt gặp những hình ảnh khu vực này tấp nập khách du lịch. Tuy nhiên ít ai biết, ở Sóc Sơn còn có một hồ nước mang vẻ đẹp không kém cạnh gì hồ Đồng Đò, thậm chí nhiều du khách còn nhận xét, nó như một phiên bản thu nhỏ của hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt. Hồ nước đang được nhắc tới mang tên hồ Đồng Quan.
Vị trí hồ Đồng Quan
Hồ Đồng Quan nằm dưới chân núi Sóc, là một hồ nước ngọt nhân tạo, diện tích bề mặt khoảng hơn 85ha. Trong đó, phần lớn diện tích hồ thuộc địa phận xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn. Bên hồ là đập Đồng Quan, phục vụ thủy lợi cho vùng trung tâm huyện Sóc Sơn. Chính đập Đồng Quan cũng một phần tạo ra lối đi hay nơi nghỉ chân cho khách qua đường khi muốn dừng lại, ngắm khung cảnh hồ.
Một góc hồ Đồng Quan từ trên cao (Ảnh Google Maps)
Cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 30km về phía Bắc, du khách khi tới đây có thể dễ dàng lựa chọn phương tiện tùy theo sở thích và điều kiện như xe máy, ô tô. Quãng đường di chuyển sẽ chỉ mất khoảng 45 - 60 phút.
Quanh hồ Đồng Quan là khung cảnh núi rừng bao trùm. Những ngọn núi, quả đồi ở đây thường thấp, có độ cao trung bình từ 50 - 300m. Còn rừng là rừng tự nhiên, xen kẽ với rừng thông và keo trồng. Chính những yếu tố trên đã tạo nên bầu không khí trong lành, mát mẻ ở hồ Đồng Quan, lý tưởng trở thành điểm nghỉ dưỡng, cắm trại vào mỗi dịp lễ hay cuối tuần dành cho các cặp đôi, nhóm bạn hay các gia đình.
Tận hưởng thiên nhiên ở hồ Đồng Quan
Nhiều du khách vốn dĩ không hề biết tới hồ Đồng Quan cho đến khi vô tình đi ngang qua và nhận ra vẻ đẹp của nó. Du khách Mai Phương (24 tuổi, Hà Nội) nhận xét: "Trước kia khi nhắc tới Sóc Sơn, mình chỉ biết tới hồ Đồng Đò chứ không hề biết tới hồ Đồng Quan. Nhưng trong một lần vô tình đi qua đây mình đã rất bất ngờ bởi cảnh vật quá giống với hồ Tuyền Lâm ở Đà Lạt. Từ hồ nước rộng lớn, xung quanh là núi rừng cho đến con đường nhựa đi ngang qua".
Ảnh: Wikipedia
Thật vậy, khung cảnh ở hồ Đồng Quan đến nay được đánh giá là gần như vẫn giữ được vẻ nguyên sơ như ban đầu, vắng vẻ, không đông đúc, xô bồ. Nơi đây chưa được can thiệp nhiều về việc làm du lịch bài bản, nên chủ yếu khi du khách đến sẽ tận hưởng không khí, cùng với đó các hoạt động tự tổ chức như cắm trại, dã ngoại, ngắm cảnh hay đạp xe, thả diều bên bờ hồ. Chiều đến, bên ven hồ cũng sẽ có các hàng quán giải khát nho nhỏ, được người dân bản địa bày bán phục vụ người dân.
Không chỉ là điểm đến lý tưởng với các du khách từ nơi khác đến, hồ Đồng Quan còn là điểm đến yêu thích của chính những người dân Sóc Sơn. Chị Thái Hà (29 tuổi, Sóc Sơn) chia sẻ: "Gia đình tôi sống trong trung tâm thị trấn, cách hồ Đồng Quan khoảng 3km. Mỗi cuối tuần hoặc những người đẹp trời, tôi và chồng thường đưa con nhỏ ra đây để ngắm hoàng hôn, hít thở khí trời trong lành. Bố mẹ tôi cũng thường đạp xe từ nhà vào khu vực này, không khí trong lành rất dễ chịu".
"Vào mùa hè, người dân quanh vùng ra đây rất nhiều để thả diều, vui chơi, hay bơi lội, giờ đã sang mùa thu nên vắng vẻ hơn", chị Hà nói thêm.
Ảnh @rosesyy__
Những người dân bản địa yêu thích ghé thăm hồ Đồng Quan, đặc biệt là vào những buổi có hoàng hôn (Ảnh Thái Hà)
Hoạt động cắm trại và đạp xe cũng vô cùng phổ biến quanh hồ (Ảnh ST, Hằng Phạm)
Con đường đi qua hồ Đồng Quan (Ảnh @huan.ig)
Được biết, nhận thấy vẻ đẹp cũng như tiềm năng khu vực hồ Đồng Quan, địa phương đã có kế hoạch phát triển nơi đây thành khu du lịch sinh thái của thành phố, hứa hẹn có thêm nhiều dịch vụ du lịch phục vụ du khách.
Những địa điểm thăm quan khác gần hồ Đồng Quan
Để chuyến đi tới hồ Đồng Quan nói riêng cũng như đến Sóc Sơn nói chung được trọn vẹn, du khách cũng có thể kết hợp thêm các địa điểm lân cận, gần hồ như Đền Gióng, Việt phủ Thành Chương hay Học viện Phật Giáo Việt Nam.
1. Đền Gióng
Đền Gióng là địa điềm gần hồ Đồng Quan nhất trong những địa điểm được kể trên. Đền nằm trên núi Sóc, là một quần thể di tích lịch sử gồm đền Trình, chùa Non Nước, đền Thượng, đền Mẫu - nơi thờ mẹ Thánh Gióng, chùa Đại Bi, hòn đá Chồng, nhà bia và đặc biệt là tượng đài Thánh Gióng, được đúc bằng đồng nguyên chất.
Ngoài ra, vào khoảng thời gian đầu tháng Giêng Âm lịch, nơi đây còn tổ chức lễ hội mang tên Hội Gióng. Tới thăm đền vào đúng thời điểm diễn ra lễ hội, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa cũng như tham gia nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc.
Tượng đài Thánh Gióng, được đúc bằng đồng nguyên chất ở đền Gióng
2. Việt Phủ Thành Chương
Cách đó không xa, du khách sẽ tiếp tục đến được với Việt Phủ Thành Chương. Địa chỉ chính xác ở đây là nằm tại hồ Kèo Cả, xã Hiền Linh, huyện Sóc Sơn.
Việt Phủ Thành Chương được xây dựng từ năm 2001, bắt nguồn từ ý tưởng của họa sĩ Thành Chương, muốn tái hiện lại dấu ấn văn hóa của cha ông ta từ nhiều đời xa xưa. Tổng diện tích nơi đây vào khoảng hơn 8000 ha, được xem là một công trình kiến trúc đồ sộ, mang đậm nét đặc trưng của Việt Nam.
Tại đây bao gồm 30 công trình khác nhau, mang đậm nét lịch sử Việt qua từng thời kỳ. Có thể kể tới 13 ngôi nhà cổ với những tên gọi đặc biệt, các tháp, bàn cơ, hồ sen, nhà hát, phòng tranh hay ngôi nhà lợp bằng cói rối 200 tuổi của dân tộc Mường, ngôi nhà theo phong cách cung đình Huế có tuổi đời 300 năm, ngôi nhà gỗ lim đậm chất đồng bắc Bắc Bộ...
Du khách tới đây ngoài tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa còn có thể xem biểu diễn nghệ thuật, múa rối nước, dùng bữa trưa là những món ăn dân dã, truyền thống theo dịch vụ đặt sẵn.
Một góc trong Việt Phủ Thành Chương
3. Học viện Phật Giáo Việt Nam
Ít ai biết rằng ngay tại Sóc Sơn, rất gần trung tâm thủ đô Hà Nội có một Học viện Phật Giáo nguy nga, tráng lệ. Đây là nơi đào tạo cử nhân hệ chính quy và các hệ tại chức, cao đẳng, chuyên tu ngắn hạn. Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Sóc Sơn, Hà Nội cũng chính là học viện đầu tiên trong hệ thống giáo dục, đào tạo Phật học của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.
Các công trình ở đây bao gồm các khu: quảng trường, tượng đài, đại giảng đường, giảng đường, thư viện, bảo tàng, câu lạc bộ, ký túc xá, nhà khách, bãi đỗ xe, sân vận động… Tất cả được thiết kế theo kiến trúc Phật giáo với tông màu vàng, đỏ đặc trưng.
Ngoài ra du khách tới tham quan có thể đến Bảo Tháp Viên Quang - nơi tưởng niệm Hoà thượng Thích Thanh Tứ. Ông là người có công xây dựng Học viện Phật Giáo Việt Nam đầu tiên ở Hà Nội.
Học viện Phật Giáo Việt Nam
Hiện nay, với đời sống bận rộn, nhiều người thay vì lựa chọn những chuyến du lịch dài ngày tới những địa điểm xa xôi, thì sẽ tìm đến những điểm gần với nơi sinh sống, thuận tiện di chuyển trong ngày. Và hồ Đồng Quan, Sóc Sơn chính là một điểm đến nổi bật với những tiêu chí như trên.
Chi phí dự kiến cho những chuyến đi này cũng không hề đắt đỏ, đa phần dựa trên nhu cầu và điều kiện của du khách. Dưới đây là một số gợi ý:
- Đi lại: Xe máy - Ô tô - Xe bus
- Ăn uống: ~100.000 - 200.000 đồng/người/bữa
- Cắm trại, chèo thuyền: ~100.000 - 200.000 đồng/người (tùy vào lựa chọn)
- Vé tham quan các địa điểm khác: ~150.000 - 200.000 đồng/người
- Phòng nghỉ qua đêm: Tùy chọn
Tổ quốc