Phát hiện mới về đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng
Các cuộc khai quật mới tiết lộ rằng đội quân đất nung của vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc thực chất còn đa dạng và phức tạp hơn về mặt quân sự so với giả định.
- 23-07-2023Có 2 con trai, tôi vẫn chấp nhận bán căn nhà gần 4 tỷ đồng ở khu đất vàng để lấy tiền vào viện dưỡng lão sau 5 tháng sống cùng các con
- 22-07-2023Cặp vợ chồng 100 tuổi tiết lộ bí quyết sống thọ nhờ tận dụng loại thực phẩm mọi người vẫn bỏ đi
- 20-07-2023Được con trai báo đáp mua nhà trên thành phố, ở được 1 năm vợ chồng tôi vội về quê vì một sự thật không ngờ
Đội quân đất nung là một phần quan trọng trong quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng – lăng mộ hoàng gia cổ đại lớn nhất thế giới. Khoảng 8.000 bức tượng có niên đại hơn 2.200 năm với kích cỡ bằng người thật đã được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc vào năm 1974. Di tích lịch sử này nhanh chóng được Di sản Thế giới đã được UNESCO công nhận vào năm 1987.
Tuy nhiên, một số cuộc khai quật mới đang được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về những người bảo vệ cổ xưa của hoàng đế nhà Tần.
Các bức tượng trong đội quân đất nung có chiều cao từ 175 - 190 cm. Mỗi bức tượng đều khác nhau về cử chỉ và nét mặt, một số bức tượng thậm chí còn có màu sắc khác biệt. Đội quân này đã góp phần tiết lộ nhiều về công nghệ, quân sự, nghệ thuật và văn hóa của vương triều nhà Tần.
Đội quân đất nung được Tần Thủy Hoàng tạo dựng ngay từ khi ông xây dựng quân đội năm 246 trước Công nguyên, ngay sau khi ông lên ngôi khi mới 13 tuổi. Đội quân được tạo ra phục vụ lễ an táng khi hoang đế qua đời. Hàng nghìn năm sau, những người lính vẫn đứng vững, thể hiện trình độ thủ công và nghệ thuật phi thường từ 2.200 năm trước.
Bảo tàng trưng bày đội quân đất nung được chia thành ba khu vực chính bao gồm ba hầm và một phòng triển lãm. Hầm số 1 có diện tích lớn nhất (khoảng 230 x 60 m) và được biết đến nhiều nhất. Đây là nơi trưng bày đơn vị bộ binh chính của quân đội, bao gồm hơn 6.000 bộ hình tượng binh lính và ngựa bằng đất nung.
Về phía tây bắc là hầm số 3 - được khai quật hoàn toàn vào cuối những năm 1980. Hầm có diện tích nhỏ nhất (21 x 17 m) nhưng có vai trò rất quan trọng bởi đây từng là trung tâm chỉ huy của quân đội. Hầm chỉ chứa 68 bức tượng nhỏ và tất cả đều là sĩ quan cấp cao, từ vị trí này, họ sẽ chỉ đạo quân đội của mình.
Hầm số 2 nằm ở phía đông bắc của khu phức hợp. Không giống như hai khu vực còn lại, hầm này có diện tích khoảng 96 x 84 m, dù phần lớn chưa được khai quật hết nhưng đây lại là địa điểm hấp dẫn nhất trong quần thể vì nó hé mở nhiều bí ẩn về dàn quân cổ đại. Tại đây trưng bày sư đoàn “lực lượng đặc biệt” của quân đội, bao gồm nhiều cung thủ, xe ngựa (hay còn gọi là chiến xa), lực lượng hỗn hợp và kỵ binh.
Kể từ khi phát hiện ra đội quân đất nung, hơn 8.000 tượng binh lính, 130 xe ngựa và 670 con ngựa đã được phát hiện. Các nhạc công đất nung, nghệ sĩ nhào lộn và thê thiếp cũng đã được tìm thấy. Ngoài ra còn phát hiện một số loài chim, chẳng hạn như chim nước, sếu và vịt. Người ta tin rằng hoàng đế Tần muốn có cuộc sống như vậy khi ở thế giới bên kia.
Hiện nay, việc tiếp tục khai quật phần còn lại của hầm số 2 được kỳ vọng rất nhiều. Các nhà nghiên cứu cho biết, những phát hiện mới về các nhân vật được chôn tại lăng mộ này có thể cung cấp một cái nhìn sâu sắc chưa từng có về hoạt động của đội quân đất nung và vương triều nhà Tần đã tạo ra nó.
Công trình khảo cổ kéo dài hàng thập kỷ
Phải mất nửa thế kỷ để các cuộc khai quật tại hầm số 2 mới có thể bắt đầu một cách nghiêm túc. Một số người nông dân ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây phía tây bắc Trung Quốc, đã phát hiện ra dấu vết đầu tiên của các chiến binh đất nung vào đầu những năm 1970. Các cuộc khai quật bắt đầu gần như ngay lập tức và ban đầu được tiến hành với tốc độ điên cuồng.
Đến năm 1979, hàng trăm bức tượng đất sét đã được khai quật và danh tiếng của địa điểm này đã lan rộng khắp Trung Quốc. Các nhà khảo cổ đều đồng tình với kết luận rằng các chiến binh đất nung này từng tạo thành một phần của “nghĩa địa khổng lồ” được Tần Thủy Hoàng - vị hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Quốc cổ đại - cho xây dựng trước khi ông qua đời vào năm 210 trước Công nguyên.
Tuy nhiên, quá trình khai quật lăng mộ khổng lồ này gặp không ít khó khăn bởi các phương pháp khai quật được sử dụng ở Tây An lúc bấy giờ còn khá hạn chế. Nhiều chuyên gia phàn nàn rằng kỹ thuật đào được tiến hành thô sơ như “thu hoạch khoai tây” khiến những bức tượng bị nhuốm bẩn và biến dạng nặng nề.
Để bảo tồn giá trị độc đáo và tính nguyên trạng của địa điểm này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định tạm dừng các cuộc khai quật cho đến khi các nhà khảo cổ đưa ra một kế hoạch để khai quật những di sản này một cách tối ưu hơn.
Quá trình khai quật được bắt đầu lại vài năm sau đó, nhưng kể từ đó, người ta luôn nhấn mạnh vào việc bảo vệ các di tích bằng mọi giá. Rút kinh nghiệm từ những vụ khai quật thất bại đầu tiên do không áp dụng đúng kỹ thuật. Hậu quả là lớp sơn trên các bức tượng thường phai màu và vỡ vụn chỉ trong vài giây sau khi được đưa lên khỏi mặt đất. Các nhà nghiên cứu đã quyết định đợi cho đến khi công nghệ được phát triển để bảo quản và phục chế lại từng hình vẽ có niên đại 2.200 năm tuổi khi các bức tượng được khai quật.
Các cuộc khai quật chính thức tại hầm số 2 bắt đầu vào năm 1994. Trong những năm tiếp theo, các nhà khảo cổ học áp dụng phương pháp dọn sạch lớp đất mặt khỏi hố, tiến hành các cuộc khảo sát sơ bộ trước khi khai quật. Trong giai đoạn này, họ đã phát hiện ra bức tượng mặt xanh nổi tiếng có các đặc điểm và màu sắc sống động như thật gây chấn động thế giới.
Tuy nhiên, sau đó, đội lại tạm dừng khai quật ở hầm số 2 một lần nữa cho đến năm 2015. Hiện nay, giới khảo cổ đã có thể tiếp cận các công cụ khoa học cho phép họ thu thập thông tin rộng hơn và sâu hơn về địa điểm đào so với những năm 1990.
Nếu như công việc khai quật trước đây chỉ tập trung hoàn toàn vào bản thân các di tích, thì các nhà nghiên cứu ngày nay còn thu thập thông tin về môi trường xung quanh, bao gồm cả đất xung quanh vị trí các cổ vật nằm. Phân tích hóa học có thể giúp các nhà nghiên cứu tái tạo được hình dạng ban đầu của pho tượng vào hơn 2.000 năm trước bằng cách phát hiện dấu vết của gỗ, vải hoặc sơn bị xuống cấp qua nhiều thế kỷ.
Máy quét tia X cũng giúp các nhà khảo cổ nghiên cứu các di tích trước khi chúng được khai quật. Ngoài máy ảnh tia cực tím cho phép họ thu được thông tin về các vật thể không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhóm cũng sử dụng công nghệ quét hình ảnh siêu quang phổ để tạo cơ sở dữ liệu màu cho các chiến binh đất nung.
Những kỹ thuật này không chỉ cho phép các nhà nghiên cứu ghép lại một bức tranh chính xác hơn về đội quân đất nung ban đầu mà còn cung cấp những hiểu biết mới hấp dẫn về các chiến thuật quân sự mà nhà Tần sử dụng.
Lợi ích của cách tiếp cận chậm rãi và chính xác
Quá trình để hoàn thành công việc này mất đến hàng chục năm. Các cuộc khai quật ở Tây An đã được tiến hành với tốc độ chóng mặt. Ngoài việc thực hiện các biện pháp phân tích và bảo quản các bức tượng khi chúng được khai quật thì mỗi bức tượng cũng cần được lắp ráp lại một cách tỉ mỉ, vì hầu hết đều bị hư hỏng nặng sau khai quật.
Hầm số 1 từng bị hỏa hoạn lớn từ nhiều thế kỷ trước, trong khi hầm số 2 cũng có dấu hiệu từng trải qua một vụ cháy. Tại các hầm này cũng xuất hiện nhiều hố và giếng do nông dân địa phương đào. Kết quả là các cổ vật bị đập vỡ thành những mảnh nhỏ và bị trộn lẫn vào nhau khiến các nhà khảo cổ học phải đối mặt với quá trình phục chế khó khăn.
“Hãy tưởng tượng bạn đang mang một chồng 100 chiếc đĩa sứ và rồi bất ngờ vấp ngã... Các mảnh vỡ nằm rải rác khắp nơi, và bạn phải tìm ra thứ tự chính xác của chúng” , nhà khảo cổ học Trung Quốc Shen Maosheng nói.
Sau 50 năm làm việc ở Tây An, các nhà nghiên cứu ước tính rằng việc khai quật Đội quân Đất nung mới chỉ hoàn thành 1/6. Tại Hầm số 1, hơn 3/4 số chiến binh vẫn chưa được khai quật, còn Hầm số 2 mới chỉ hoàn thành khoảng 100 m2 khai quật kể từ khi dự án bắt đầu vào năm 2015 - một phần rất nhỏ trong tổng diện tích của hầm.
Tuy nhiên, những cuộc khám phá ban đầu đã khai mở nhiều phát hiện đáng chú ý. Một trong số đó là sự mở rộng “đội hình cung thủ” ở hầm số 2. Tại đây, nhóm khảo cổ đã tìm thấy một số bức tượng cung thủ với đội hình được chia thành hai phần: một số đang cúi người như đang bắn nỏ và một số đứng bắn tên bằng một cây cung nặng hơn.
Trong khi đó, ở đội hình chiến xa, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng mỗi chiến xa được kéo bởi bốn con ngựa, với hai người lính đứng ở mỗi bên xe. Trên thực tế, những người lính sẽ đứng trên xe ngựa trong tư thế xông trận, song những hạn chế về chiều cao của các hố dưới lòng đất buộc nhà Tần phải đặt họ sang một bên trong lăng mộ.
Có lẽ phát hiện hấp dẫn nhất là bức tượng đại tướng - một bức tượng đại diện cho một chỉ huy quân đội - được đặt ở ngay phía trước đơn vị. Được biết, những sự xuất hiện của những đại tướng như vậy là cực kỳ hiếm. Trong tổng số 1.000 chiến binh đất nung được phát hiện cho đến nay, chỉ có 9 người là sĩ quan cấp cao. Tuy nhiên, thông tin về vị tướng này vẫn còn là một bí ẩn.
“Ông ta là chỉ huy cao nhất của đơn vị 'Lực lượng đặc biệt' này sao? Tại sao ông ấy lại đứng ở phía trước? Liệu đây có phải là đặc điểm của quân đội Tần, yêu cầu các tướng phải dẫn đầu từ phía trước hay vị tướng đặc biệt này tiên phong dẫn đầu vì lòng dũng cảm và khả năng lãnh đạo tài ba?” , một nhà khảo cổ họ Chu nói.
Lan Desheng, chuyên gia phục chế tại bảo tàng nơi trưng bày Đội quân đất nung cho biết, lời giải cho những câu hỏi này sẽ cần nhiều thời gian. Chuyên gia này cũng ước tính, việc khôi phục hoàn toàn các bức tượng có thể cần hơn 10 năm - lâu hơn khoảng thời gian quân Tần cần để thống nhất Trung Quốc.
Nhóm nghiên cứu đã cân nhắc sử dụng tính năng quét máy tính để tăng tốc quá trình phục chế, nhưng cho đến nay họ nhận thấy việc sử dụng kỹ thuật này là không hiệu quả.
Ông Shen cho biết: “Để đo chính xác kích thước của các mảnh vỡ bằng máy tính, trước tiên chúng phải được làm sạch. Tuy nhiên, tất cả các mảnh vỡ đều có hình lục giác không đều và mỗi mặt phải được làm sạch cẩn thận. Bạn không rửa qua loa như rửa khoai tây được. Điều này cùng với việc khối lượng chiến binh cần khôi phục rất lớn sẽ khiến nhiệm vụ này trở nên bất khả thi. Vì vậy, chúng tôi vẫn sử dụng phương pháp thủ công với đội ngũ các kỹ thuật viên có kinh nghiệm ghép các mảnh vỡ lại với nhau”.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là nó đòi hỏi phải thu thập đủ các mảnh ghép. Trong khi đó, phần lớn các tượng binh sĩ, vũ khí, xe đẩy được chôn làm bằng vật liệu dễ vỡ. Nhiều loại thậm chí bị phân hủy trong đất, chỉ để lại những dấu vết mờ nhạt trông giống như cánh ve sầu. Bởi vậy, để phục chế những cổ vật này đòi hỏi nỗ lực lớn từ các chuyên gia.
Năm 2009, các nhà khảo cổ ở hầm số 1 đã khai quật được phần còn lại của hai chiếc xe ngựa chỉ bằng dấu vết của một mảnh vỡ hình chữ nhật. Ban đầu, nhóm nghiên cứu nghĩ rằng đó là một loại ghế đặt trên các xe gỗ, song họ nhận ra chất liệu của nó quá mỏng để có thể chịu được trọng lượng của một người.
Sau đó, vào cuối năm 2011, nhóm nghiên cứu tìm thấy dấu vết của nhiều đầu mũi tên được gói gọn gàng bên trong một chiếc rương đựng vũ khí. Các nhà khảo cổ đã gửi di vật này đến Viện Khảo cổ học thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc để lấy mẫu.
Tại đây, các nhà nghiên cứu nhẹ nhàng bóc lớp sơn mài trên bề mặt và phát hiện ra những khối than được kết lại với nhau bằng một lớp sợi tơ. Đây là lần đầu tiên sau hơn 30 năm khai quật, dấu vết của sợi tơ được phát hiện tại khu vực Đội quân đất nung. Đây cũng là một ví dụ hiếm hoi về lao động nữ đóng góp cho dự án bởi công việc tơ lụa thường được thực hiện bởi phụ nữ trong thời kỳ đó.
Đối với nhóm nghiên cứu ở Tây An, việc phát hiện ra chiếc rương vũ khí là một lời nhắc nhở về lợi ích của cách tiếp cận chậm rãi và chính xác. Mặc dù nhiều người ở Trung Quốc tỏ ra nôn nóng muốn dự án khai quật nhanh chóng hoàn tất để khám phá hết sự kỳ bí đội quân nhà Tần, song các chuyên gia biết rằng họ đang tham gia vào một dự án nhiều thế hệ.
“Chúng tôi không khai quật để đào kho báu, cũng không phải để trưng bày các di tích văn hóa dưới lòng đất càng sớm càng tốt. Thay vào đó, chúng tôi chú trọng vào công việc khảo cổ học đa ngành, đa góc độ, đa cấp độ và toàn diện nhằm phân tích sâu sắc các giá trị, tinh thần và tư tưởng khoa học thể hiện trong Lăng mộ Tần Thủy Hoàng và các chiến binh đất nung” , Li Gang, giám đốc Bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng nói.
VTC