Phát hiện ngôi chùa trăm tuổi mang nét kiến trúc độc đáo ở miền Tây, du khách nhận xét mang vẻ đẹp “không thể quên”
Vẻ đẹp của ngôi chùa trăm tuổi với lối kiến trúc độc đáo, ấn tượng đã khiến bao du khách say mê, lưu luyến.
- 13-10-2023Nam sinh 17 tuổi mất tích vì áp lực học hành, cảnh sát thấy trong tình trạng ngỡ ngàng: Phụ huynh thấm thía 1 điều
- 13-10-2023Loại trái cây được mệnh danh "giàu dinh dưỡng" nhất thế giới, người viêm xương khớp, đau lưng "kinh niên" không nên bỏ lỡ
- 12-10-2023Cô giáo mù quáng chuyển cho bạn trai online 13 tỷ đồng, bất chấp cảnh sát 12 lần cảnh báo bị lừa đảo
Là một đất nước Á Đông, một trong những nét văn hóa đặc sắc ở nước ta là tín ngưỡng đạo Phật. Hiện nay, trên toàn bộ lãnh thổ đất nước có 18.491 ngôi chùa, chiếm 36% tổng diện tích. Những ngôi chùa này không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa mà còn là địa điểm tham quan thú vị với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Trong gần 20.000 ngôi chùa, có những ngôi chùa nổi bật với câu chuyện lịch sử đằng sau, với nét kiến trúc độc đáo hay với vị trí đặc biệt. Ngôi chùa mang tên Xiêm Cán tại Bạc Liêu là một ví dụ. Những hình ảnh chùa Xiêm Cán được chia sẻ trên các hội nhóm, diễn đàn du lịch và thu hút sự quan tâm của nhiều du khách quan tâm bởi lối kiến trúc có phần khác hơn so với số đông ngôi chùa trên cả nước.
Đặc biệt là sau bài viết của Hoa hậu Phương Khánh với những hình ảnh của cô tại đây, ngôi chùa càng được nhiều du khách chú ý. Trong bài viết của mình, Hoa hậu Phương Khánh bày tỏ: “Chùa Xiêm Cán, nơi mà Khánh sẽ không thể nào quên”.
Những hình ảnh của Hoa hậu Phương Khánh đăng tải khi cô ghé thăm chùa Xiêm Cán nhận được nhiều sự quan tâm (Ảnh FBNV)
Ngôi chùa trăm tuổi tráng lệ bậc nhất Bạc Liêu với lối kiến trúc đặc biệt
Vị trí chính xác của chùa là ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Nằm ở miền Tây Nam Bộ, cách TP.HCM hơn 200km, du khách tới đây sẽ mất khoảng hơn 5 giờ đồng hồ di chuyển. Bên cạnh cái tên phổ biến là chùa Xiêm Cán, chùa còn có tên gọi khác theo tiếng Khmer là Komphisako. Là một cái tên còn khá xa lạ đối với du khách, nhưng với người dân Bạc Liêu cũng như người dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), ngôi chùa là điểm đến sinh hoạt tín ngưỡng quen thuộc, đặc biệt là vào những dịp lễ hội.
Theo thông tin trên trang của Ban Tuyên giáo, Tỉnh Ủy Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán được xây dựng vào năm 1887 với diện tích ban đầu là 4500m2. Vậy là tính đến nay, chùa đã có tuổi đời lên tới 136 năm. Cái tên Khmer - Komphisako ban đầu là thể hiện sự uyên bác và sâu xa của trí tuệ Phật pháp. Sau này, một bộ phận người di cư tới đây quyết định dịch ra thành tên Xiêm Cán - có nghĩa là "giáp nước", thể hiện vị trí của ngôi chùa nằm gần bờ biển, để dễ đọc, dễ nhớ hơn.
Xuyên suốt hơn 1 thế kỷ qua, chùa Xiêm Cán được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, văn hóa nghệ thuật của người 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa nói riêng cũng như cộng đồng Phật tử ở Bạc Liêu hay những địa phương lân cận vùng ĐBSCL nói chung. Ngoài ra, nơi đây còn là một trong những ngôi chùa đẹp, tráng lệ bậc nhất ở Bạc Liêu bởi lối kiến trúc đặc biệt.
Tổng quan, quần thể kiến trúc ở chùa Xiêm Cán phần lớn quay mặt về hướng đông và được xây dựng theo kiến trúc trường phái Phật giáo Nam Tông. Màu sắc chủ đạo du khách có thể dễ dàng nhận thấy đó là màu vàng kết hợp với đỏ đặc trưng với các mái nhà có đỉnh nhọn, khiến công trình nổi bật ngay từ khi nhìn từ xa. Đan xen giữa các công trình là màu xanh của cây cối, vườn tược, tô điểm thêm nét đặc sắc cho tổng thể chùa Xiêm Cán.
Qua cánh cổng tam quan của chùa, du khách sẽ đi qua con đường nhựa rợp bóng cây xanh trước khi tới Chính điện. Điểm đặc biệt ở tòa chính điện đó là thay vì tập trung vào phần cửa ngay mặt tiền, ở đây các cửa ở 2 bên được tập trung mở rộng hơn, nhằm tránh ánh nắng buổi sáng chiếu thẳng vào điện thờ. Bên trong điện là các bích họa cỡ lớn miêu tả cuộc sống cũng như các triết lý, bài học của Đức Phật, bao bọc toàn toàn bộ không gian.
Sau khi làm lễ và tham quan trong chính điện, du khách có thể thong dong đến các công trình khác như Tháp Xá lợi, khu nhà truyền thống Sala hay các khu vực có những bức tượng, phù điêu, hệ thống cột trụ ấn tượng khác trong khuôn viên chùa.
Từng chi tiết trên các công trình thuộc chùa Xiêm Cán cũng được thi công vô cùng tỉ mỉ và cầu kì. Có thể kể tới như cổng tam quan, hệ thống tường bao bọc ngôi chùa, các bức phù điêu, tháp cột hay bên trong chính điện... Trên đó chủ yếu là các nét trạm trổ, điêu khắc, đắp nổi hoặc vẽ những hình ảnh quen thuộc trong kiến trúc Angkor. Từ hình ảnh các nhà sư, vị thần, Đức Phật thể hiện sự uy nghiêm, cho đến những con rồng, chú chim thần Krut, bầy voi hay con rắn 5 đầu uốn lượn thể hiện sự kỳ bí.
Một số hình ảnh về những góc khác trong chùa Xiêm Cán (Ảnh Thám hiểm Mê Kông)
Nơi tổ chức những lễ hội văn hóa đặc sắc
Như đã nói ở trên, chùa Xiêm Cán được coi là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của người dân Bạc Liêu, đặc biệt là vào những dịp lễ hội. Hàng năm tại đây diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc với các hoạt động thú vị, thu hút không chỉ các con chiên ngoan đạo mà còn có những người dân bản địa hay các du khách ở các vùng lân cận.
Đầu tiên đó là Lễ năm mới - Chôl Chnăm Thmây, diễn ra từ 14-16 tháng 4 Dương lịch; Lễ cúng ông bà - Sen dolta, diễn ra từ 8-10 tháng 10 Dương lịch hay lễ dâng y cà sa - Kathanhna diễn ra từ 16/9 đến 15/10 Âm lịch.
Ghé thăm chùa Xiêm Cán đúng dịp lễ hội, du khách sẽ có thêm cơ hội tham gia vào các hoạt động truyền thống đặc sắc đậm tính bản địa, từ đó tìm hiểu thêm những câu chuyện về văn hóa, lịch sử cũng như phong tục tập quán của con người nơi này.
Ghé thăm chùa Xiêm Cán vào những dịp lễ hội, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về các hoạt động văn hóa, phong tục tập quán nơi đây (Ảnh UBND tỉnh Bạc Liêu)
Bởi những nét đặc sắc về tính văn hóa, lịch sử cũng như kiến trúc trên, chùa Xiêm Cán ngày càng trở thành một trong những biểu tượng du lịch nổi bật ở Bạc Liêu cũng như trong khu vực. Tháng 6 năm 2022, chùa chính thức được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cấp bảng công nhận "Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL". Trước đó, chùa cũng từng được UBND tỉnh Bạc Liêu xếp vào danh sách Di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 2001.
Tổ Quốc