Phát hiện thận suy teo ở tuổi 32, nữ điều dưỡng không tin vào sự thật vì luôn khám sức khoẻ 2 lần/năm
Làm trong ngành y tế với công việc là điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân, Phương Linh(*) không nghĩ có một ngày bản thân sẽ trở thành bệnh nhân và phải chạy thận suốt đời.
- 09-12-2023'3 nhiều - 1 ít' trong ăn uống của nhiều người Việt khiến thận hao mòn, suy teo lúc nào không hay
- 09-12-2023Cô gái ngoài 20 tuổi đã có tới 300 viên sỏi thận vì 2 thói xấu rất nhiều người trẻ mắc
- 08-12-2023Táo đỏ kết hợp với 1 loại hạt là “thuốc” nuôi dưỡng gan thận, phòng bệnh ung thư hiệu quả
Sốc khi biết bản thân mắc bệnh thận mạn
Cách đây đúng 3 năm, Phương Linh (làm Điều dưỡng, hiện đã 35 tuổi) nhận tin từ bác sĩ rằng cô đã suy thận giai đoạn 4b, phải chạy thận. Điều này khiến cô không khỏi bất ngờ vì trước đây Phương Linh rất khỏe mạnh, hàng năm cô vẫn khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần theo chế độ của cơ quan.
"Trước đó 6 tháng, khi kiểm tra sức khỏe tại cơ quan, cơ thể tôi vẫn bình thường. Trong một lần tình cơ kiểm tra sức khỏe để sinh con thứ 2 tôi mới phát hiện ra bản thân bị suy thận mạn giai đoạn cuối", Phương Linh nói.
Nhận tin thận đã teo hỏng, Phương Linh như chết lặng, cô không nghĩ bản thân lại mắc một căn bệnh nặng nề đến vậy. Mất 2-3 tháng để Phương Linh có thể làm quen với việc phải chạy thận chu kỳ mỗi tuần 3 lần.
"Tôi sốc lắm, không nghĩ mình mắc bệnh thận nên cũng mất một vài tháng để chấp nhận sự thật. Tôi như người mắc trầm cảm vậy", Phương Linh tâm sự.
Phương Linh cho biết, trước đó, cơ thể cô cũng đã xuất hiện những dấu hiệu cảnh bảo nhưng cô lại bỏ qua. Có một thời gian Phương Linh cảm thấy mệt nhiều vào cuối giờ chiều, thời điểm đó là mùa hè. Ngoài mệt, Linh còn gặp tình trạng đau đầu, chóng mặt nhưng Linh cho rằng do nắng nóng, mệt chứ không nghĩ bản thân mắc bệnh về thận.
Theo Linh thì sức khỏe của cô khá tốt, chỉ có huyết áp hơi thấp. Nhưng khi kiểm tra để chuẩn bị sinh thì huyết áp tăng và các chỉ số liên quan tới thận đều bất thường.
Bác sĩ chỉ định cho Linh kiểm tra chức năng thận chuyên sâu, kết quả kiểm tra thận đã suy ở giai đoạn 4b. Về nguyên nhân suy hỏng thận của Phương Linh, bác sĩ nghi ngờ do có viêm cầu thận cấp.
Sau 3 năm chạy thận, sức khỏe của Phương Linh ổn định cô vẫn đi làm công việc điều dưỡng. Linh đã suy nghĩ lạc quan hơn rất nhiều. Vì làm trong môi trường bệnh viện nên Linh biết bệnh của cô nếu duy trì lọc máu định kỳ, cô vẫn có thể sống một cuộc sống bình thường .
"Tôi giờ vẫn đi làm, cố gắng kiếm tiền nuôi con. Con tôi tuy nhỏ như rất thương mẹ. Chồng tôi cũng cũng rất thương vợ nên tinh thần của tôi rất thoải mái", Phương Linh tâm sự.
Bệnh thận mạn gia tăng ở nhóm mắc bệnh mạn tính
BSCK2. Lê Quang Hải, trưởng Khoa Thận – Tiết niệu – Lọc máu, Bệnh viện Nông nghiệp cho biết, trước đây khoảng 15-20 năm, bệnh suy thận mạn ở người trẻ tuổi thường gặp chủ yếu ở người mắc viêm cầu thận. Nguyên nhân là do vi khuẩn gây viêm bể thận và làm tổn thương cầu thận.
Hiện nay, suy thận mạn thường gặp ở người có bệnh lý mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá) chiếm tới 60-70%.. Còn lại một phần nhỏ các bệnh nhân là tổn thương cầu thận nguyên phát không thể tìm rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, tình trạng tổn thương thận có thể xảy ra ở các trường hợp bị ngộ độc hoặc mắc các bệnh lý cơ quan khác kèm theo.
Theo bác sĩ Hải, hiện nay, y học phát triển, người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế sớm nên việc phát hiện ra bệnh lý thận mạn cũng sớm hơn. Đây cũng là lý do vì sao nhiều người đi khám sức khỏe vô tình biết bản thân mắc bệnh thận mạn.
Bác sĩ Hải cho biết, tại bệnh viện, bệnh nhân từ 40-60 tuổi mắc thận mạn phải lọc máu chiếm 50-60%, số bệnh nhân suy thận mạn dưới 40 tuổi và trên 60 tuổi có số lượng bằng nhau, chiếm 20-30%.
Nhóm tuổi từ 30-40 tuổi mắc suy thận mạn do nhiều yếu tố nguy cơ chẳng hạn như do mắc bệnh mạn tính (huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá). Đa phần các bệnh nhân này tới viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, phải lọc thận. Ngoài ra, cũng có một phần nhỏ các trường hợp bệnh nhân trẻ từ 20-30 tuổi suy thận mạn vô căn.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
Đời sống & pháp luật