Phát hiện thu phí bất thường tại BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ
Dự án mới đầu tư giai đoạn 1, chiếm 30% vốn dự án nhưng giá thu tương đương đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ - Ninh Bình...
- 20-05-2016Nghi án quay vòng vé tại BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ
- 08-05-2016Sẽ kiểm tra công tác thu phí tại trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ
- 06-05-2016Đề nghị điều tra công tác thu phí tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ
Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về việc đầu tư, quản lý các dự án BOT, BT của Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó, chỉ ra nhiều sai phạm và điểm bất thường tại dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Cụ thể, kết luận thanh tra chỉ rõ, Bộ Giao thông Vận tải đã lập và phê duyệt dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thành 2 giai đoạn thực hiện: Giai đoạn 1 cải tạo nâng cấp mặt đường cũ 4 làn xe; Giai đoạn 2 xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe. Lý do phân kỳ đầu tư là tính cấp bách do đường xuống cấp và nhu cầu giao thông.
Tuy nhiên, dự án không có quy trình đánh giá, xác định căn cứ cụ thể là dự án cấp bách và cũng chưa được cấp thẩm quyền xác định vào danh mục dự án cấp bách.
UBND thành phố Hà Nội cũng chưa có văn bản thống nhất thoả thuận cụ thể về việc phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn vì lo ngại sẽ không đảm bảo kết nối đồng bộ các hạng mục hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật hiện có và quy mô đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt.
Việc thực hiện trình tự phê duyệt tổng mức đầu tư, thiết kế cơ sở còn thiếu chặt chẽ, không lường hết các yếu tố ảnh hưởng dẫn đến phải điều chỉnh, thay đổi quá lớn trong thời ngắn.
Cụ thể, sau khi đã phát hành hồ sơ yêu cầu lần thứ 3 để lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư từ gần 8.500 tỷ đồng xuống còn 6.700 tỷ đồng.
Ngay sau khi triển khai thực hiện dự án, bộ này đã phê duyệt thay đổi cơ bản thiết kế cơ sở giai đoạn 1, bỏ lớp cấp phối base bù vênh và thay hoàn toàn bằng bê tông nhựa tăng cường mặt đường dẫn đến tăng chi phí 25 tỷ đồng. Áp dụng đơn giá đất đắp chưa đúng khu vực theo thông báo giá dẫn đến phê duyệt tổng mức đầu tư tăng sai trên 21 tỷ đồng.
Thanh tra cũng chỉ rõ, Bộ Giao thông Vận tải xác định tính cấp bách của dự án còn thiếu cơ sở để trình Thủ tướng Chính phủ phương án chỉ định nhà đầu tư và việc không thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục đầu tư dự án BOT theo hướng dẫn tại Nghị định 108/2009 của Chính phủ, dẫn đến thông tin về dự án được công bố chưa thực rộng rãi, minh bạch, kịp thời để các nhà đầu tư có thể tiếp cận thuận tiện, bình đẳng.
Việc lựa chọn nhà đầu tư phức tạp, nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian: 3 lần lựa chọn từ chỉ định thầu, đấu thầu rồi lại chỉ định thầu mới lựa chọn được nhà đầu tư.
Về phương án thu phí và giá phí, trước khi thực hiện dự án, Bộ Tài chính đã có văn bản, nêu rõ “việc đặt trạm thu phí trên đường BOT để thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư chỉ được thu phí khi dự án hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng”.
Tuy nhiên, hợp đồng dự án ký kết giữa Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư đã thống nhất việc thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư thực hiện ngay sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 1. Sau đó Bộ Tài chính đã chấp thuận và ban hành thông tư thu phí theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư.
“Như vậy, dự án mới đầu tư giai đoạn 1 (sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ), vốn đầu tư chỉ là 30% của dự án nhưng giá thu tương đương với giá thu đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ - Ninh Bình (1.500 đồng/km) là bất hợp lý và bất thường, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân”, kết luận khẳng định.
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ có chủ đầu tư là liên danh Công ty CP Đầu tư phát triển Minh Phương, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành.
Thời gian thực hiện dự án đến cuối năm 2017, giai đoạn 1 đến Quý 4/2015. Thời gian thu phí là 17 năm 2 tháng 18 ngày.
Vneconomy