Phát ngôn "làm từ thiện vì ai" của nhà báo Tạ Bích Loan 5 năm trước bỗng gây sốt trở lại sau loạt ồn ào chuyện showbiz gần đây
Trên mạng xã hội, những tranh cãi về chương trình đã phát sóng 5 năm về trước bỗng dưng lại trở nên nóng hơn bao giờ hết.
- 09-06-2021Thủy Tiên phản hồi khi bị tố giác không minh bạch 178 tỷ đồng từ thiện miền Trung
- 09-06-2021Phi Nhung bị netizen soi lại điểm bất thường trong 2 đợt kêu gọi từ thiện miền Trung, “ngâm” sao kê 1,8 tỷ suốt 5 năm chưa công khai?
- 09-06-2021Về thăm "Đền thờ Tổ nghiệp" của NS Hoài Linh sau loạt lùm xùm từ thiện: Camera bố trí dày đặc, hàng xóm kể "không bao giờ thấy mặt"
Thời điểm này, câu chuyện làm từ thiện lại đang trở nên nóng hơn bao giờ hết với những thông tin xoay quanh các chuyến đi hay kêu gọi quyên góp của các nghệ sĩ nổi tiếng. Và cũng ngay trong lúc này, cư dân mạng đã bất ngờ chia sẻ lại một chương trình đã diễn ra từ 5 năm trước cũng về đề tài từ thiện.
Đó là chương trình 60 phút mở được dẫn dắt bởi nhà báo Tạ Bích Loan trò chuyện với một nhóm từ thiện. Chủ đề của chương trình năm đó là "Người ta làm từ thiện vì ai?" đã tạo ra rất nhiều giá trị nhưng cũng có không ít yếu tố gây tranh cãi.
Nhà báo Tạ Bích Loan trong chương trình 60 phút mở từng gây bão 5 năm về trước.
Câu hỏi dồn dập gây tranh cãi của nhà báo Tạ Bích Loan: “Làm từ thiện để làm gì? Vì các em nhỏ hay vì chính các bạn?”
Chương trình đã bắt đầu bằng câu chuyện nhóm tình nguyện Xây trường Vùng cao trong dịp giáp Tết Nguyên đán 2016 tổ chức hoạt động từ thiện ở Mường Lạn, Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Hơn 50 tình nguyện viên đã đi quãng đường đèo núi gần nghìn cây số, mang theo 3.600 chiếc bánh chưng, 3.600 cây giò, 25 tấn quần áo để tặng cho các trẻ em nghèo tại đây.
Thế nhưng ngay khi tới nơi, chính quyền địa phương lại từ chối tiếp nhận những món quà này. Dù đã tìm đủ mọi cách thuyết phục, cuối cùng, nhóm vẫn phải chuyển số quà kia đến làm từ thiện ở một địa điểm khác.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao một hoạt động nhân văn như vậy mà lại bị phía địa phương khước từ. Nhà báo Tạ Bích Loan đặt ra câu hỏi cho Xây trường Vùng cao, cô có nói rằng xin lỗi nếu câu hỏi làm động chạm: “Các bạn làm chương trình đó, đi lên đó và mang theo lượng thức ăn như thế vì các bạn hay vì các em nhỏ?”.
Đại diện nhóm trả lời, họ làm từ thiện một phần trong đó để thỏa mãn cái tôi, muốn mang được phần quà đến cho những người đang cần chúng. Và cao trào của chương trình được đẩy lên khi nhà báo Tạ Bích Loan liên tục hỏi “Để làm gì ạ?”, đại diện nhóm từ thiện trả lời: "Để thể hiện được lòng yêu thương đối với mọi người".
Nhà báo Tạ Bích Loan tiếp tục hỏi: “Nhưng mà để làm gì ạ?”, đại diện nhóm đáp lại "Để trong cuộc sống mình cảm thấy thanh thản". Lại tiếp tục câu hỏi được đưa ra “Nhưng mà để làm gì ạ?”, thì anh khẳng định, thanh thản để trong cuộc sống mình sẽ làm được nhiều điều khác tốt hơn.
Thời điểm đó, sau khi chương trình được phát sóng, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh nhóm từ thiện và động tác hỏi dồn dập cũng như phát ngôn “làm từ thiện vì mình hay vì người” của nhà báo Tạ Bích Loan. Có người đồng tình với lập luận làm từ thiện vì mình bởi đã chứng kiến nhiều cá nhân, tổ chức dùng từ thiện để quảng cáo, đánh bóng tên tuổi và hình ảnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có vô số ý kiến phản đối, cho rằng những ai có ý tưởng làm từ thiện vốn đã rất tốt và không phải ai cũng có cách thể hiện hợp với số đông, cách họ làm có thể gây ra sự khó chịu nhưng ít nhất lòng hảo tâm trong họ thì luôn có sẵn. Những người này cũng cho rằng, chính cách đặt câu hỏi kiểu cố tình nhấn mạnh việc làm từ thiện của chương trình đã tạo ra kịch tính không cần thiết.
Từ thiện vì mình là có thật nhưng cũng có phần vì người khác nữa
Sự việc dù đã qua được 5 năm nhưng thời điểm này, vì những thông tin "nóng" của các sự kiện từ thiện vừa mới xảy ra trong giới showbiz mà cư dân mạng đã đào lại nội dung của chương trình để mang ra bàn luận. Câu nói: “Làm từ thiện là vì ai” lại tiếp tục được phản chiếu ở nhiều góc độ.
Nếu xét ở khía cạnh ủng hộ quan điểm vì mình, các nghệ sĩ như H.L hay T.T chắc chắn cũng có một phần nào đó bởi họ là người của công chúng, việc xây dựng hình ảnh tốt chắc chắn sẽ có lợi. Chẳng thế mà khi họ phát động làm từ thiện, hàng loạt kênh truyền thông của riêng họ đều có tư liệu cung cấp rất đầy đủ như video, ảnh chụp các khoảnh khắc… Tất cả các khán giả nhìn vào, sẽ thấy họ làm từ thiện thật, sẽ bỏ nhiều sự chú ý vào họ hơn.
Không chỉ có nghệ sĩ, nhiều người khác đi làm từ thiện cũng là vì hình ảnh của bản thân. Nhưng mong muốn này nhiều khi quá lớn cho nên họ đã nghĩ ít hơn cho người nhận. Chẳng vậy mà rất nhiều thùng quần áo gửi tặng đồng bào vùng cao khi khui ra đã có những cái rách nát không thể mặc hay thậm chí có cả những bộ đồ lót trông cực kỳ phản cảm. “Làm từ thiện như vậy là quá xô bồ, không có sự chọn lọc và tôn trọng người nhận”, một tài khoản có đưa ra ý kiến.
Những hình ảnh kém đẹp về làm từ thiện từng được chia sẻ trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, nếu xét ở khía cạnh phản bác quan điểm vì mình thì người nghệ sĩ như T.T cũng không khiến các fan của cô phải thất vọng. Hình ảnh T.T lội nước bì bõm, ăn mì tôm qua ngày, vượt bão gió để trao từng phần quà đến tay người dân chắc chắn đã gây ấn tượng cho người xem. Cho dù họ không muốn chấp nhận điều đó đi chăng nữa thì ít nhất, ở đâu đó đã từng có người vào những khoảng thời gian nhất định bỏ qua thú vui và sự hưởng thụ của bản thân để đi giúp đỡ người khác. Điều đó cũng rất đáng để ghi nhận.
Còn về phần những người không nổi tiếng làm từ thiện, họ cũng trèo đèo lội suối, làm lụng công việc rất vất vả. Tất cả đều xuất phát từ mong muốn mang một điều gì đó tốt đẹp đến những người họ chưa từng quen nhưng lại rất đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn của những người đó.
Người làm từ thiện cũng vất vả chứ không phải không.
Tạm kết
Người ta vẫn có câu “mọi việc xảy ra trong đời đều có nguyên nhân của nó”, và bởi con người là động vật có suy nghĩ nên mỗi hành động trừ những lúc quá bột phát thì còn lại đều có tính toán trước sau. Việc làm từ thiện là mang cơm ăn áo mặc cho người khác thì đổi lại những người đó nên được cộng đồng ghi nhận, âu đó cũng là mong muốn chính đáng.
Cuộc sống này, ai cũng thích hình ảnh của mình đẹp trong mắt người khác, vậy thì có gì sai khi dùng từ thiện như một công cụ hỗ trợ đắc lực? Chỉ có điều, đã làm từ thiện rồi thì phải làm sao cho thật tinh tế, để người nhận cảm thấy họ không phải kẻ đi xin còn người cho thì không bị ném đá vì quá “kém duyên”.
* Bài viết có thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Pháp luật & Bạn đọc