Phật thủ bước vào thời kỳ sôi động nhất năm
Phật thủ từ bao năm nay đã trở thành tâm điểm quen thuộc trên mâm ngũ quả của nhiều gia đình Việt. Vào tháng giáp Tết, thị trường phật thủ đang dần sôi động hơn bao giờ hết góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Nhộn nhịp đưa phật thủ vào thị trường mùa Tết
Chỉ còn nửa tháng nữa, cả nước sẽ bước vào Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019. Đây chính là thời điểm mà nhà vườn khắp mọi miền tổ quốc đang bận rộn chuẩn bị hoa, rau, trái, củ,… cung cấp cho kỳ nghỉ lễ truyền thống được mong chờ nhất năm. Riêng ở miền bắc, cái tên Đắc Sở không còn lạ lẫm nữa, nơi đây được biết đến như là “làng phật thủ” nổi danh thuộc Hoài Đức, Hà Nội.
Chạy thẳng đại lộ Thăng Long, lần theo con đường đê ngoằn ngoèo dẫn đến Đắc Sở, bà Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch UBND xã Đắc Sở phấn khởi chia sẻ: “Gần đến Tết, nhu cầu người mua tăng cao nên người dân Đắc Sở cũng phải gia tăng sản xuất, thuê thêm người làm để kịp hàng cung cấp, do đó giá sản phẩm cũng tăng hơn. Với người nông dân Đắc Sở, tất cả những quả phật thủ to, đẹp nhất họ đều để dành cung ứng cho khách hàng vào cuối năm.”
Phải tận mắt nhìn thấy những quả phật thủ kích thước lớn, vàng ươm tỏa hương thơm ngào ngạt, tôi mới tin rằng những người thợ vườn không đơn giản chỉ là người nông trồng quả mà còn là một nghệ nhân hoa trái. Nhiều quả được chăm sóc đặc biệt kỹ lưỡng, tỉ mỉ bởi với các chủ vườn, chúng không chỉ có giá trị lớn về kinh tế mà còn được đánh giá cao về hình thức, thẩm mỹ.
Phật thủ đã mang lại những hiệu quả kinh tế rất lớn cho các chủ vườn xã Đắc Sở.(Ảnh: Kiều Trang)
Đến thăm vườn phật thủ gần 1ha đang mùa thu hoạch của gia đình anh chị Khương Khích, anh Khích tay thoăn thoắt gói hàng nhưng vẫn tranh thủ trò chuyện: “Năm nay phật thủ được mùa, cả nhà tôi đang tập trung vào hai vườn để kịp hàng cho khách tới lấy. Những năm trước, riêng vào vụ Tết, vườn của chúng tôi đã cung cấp cho thị trường Bắc – Nam gần 10.000 quả. Năm nay cũng phải tầm đó.”
Anh Nguyễn Văn Nam mới 29 tuổi nhưng thời gian anh học trồng trọt, chăm sóc phật thủ phải đến nửa tuổi đời. Vườn quả gần 15 sào của anh tỏa hương thơm cả một góc đồng ruộng. Anh hào hứng cho tôi xem từng quả đặc biệt đã có khách đặt trước, chúng đều được chăm bón, bao bọc kỹ càng. Anh chỉ vào những quả được buộc dây, gương mặt ánh lên vẻ rạng rỡ: “Đây đều là các quả được khách chọn trước, gần tết thì họ đến lấy. Vườn nhộn nhịp nhất là từ ngày 19 đến ông Công ông Táo. Còn khách buôn thì rằm xong là họ bắt đầu đến cắt quả. Năm nay trời thương nên lượng quả cũng xấp xỉ năm ngoái. Thế là mừng rồi.”
Phật thủ được đón nhận không chỉ vì sự bắt mắt, mới mẻ mà còn bởi thời gian tươi lâu hơn so với những loại quả khác (từ 3 - 5 tháng). Thờ phật thủ vừa giúp các bà, các mẹ làm đẹp mâm quả, vừa tiết kiệm được một khoản kha khá về kinh tế. Bởi hình dạng độc đáo, khác biệt nên giá thành của phật thủ được tính theo từng quả. Quả nhỏ có giá từ 50.000 đồng – 100.000 đồng, những quả lớn, đẹp từ vài trăm đến hàng triệu đồng một quả.
Vài ngày nữa là đến ngày toàn dân sắm Tết, các tiểu thương, nhà buôn đang khẩn trương “săn lùng” những vườn phật thủ lớn, tiến hành thu mua để dần tung ra thị trường. Với nhu cầu ngày càng cao, phật thủ năm nay hứa hẹn sẽ đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng.
Anh Nam đang tìm những quả phật thủ đẹp, độc đáo được khách đặt trước. (Ảnh: Kiều Trang) |
Giữa vườn phật thủ ngập tràn hương thơm dịu ngọt, dấu hiệu Tết đến xuân về lại càng rộn ràng hơn. Những ngày này, các vườn trồng đều có người trực 24/24 để đảm bảo phục vụ cho khách mua lẻ và lái buôn mọi thời điểm. Trước sân vườn nhà anh Nam, nồi cơm nhỏ bốc hơi ngùn ngụt, ăn tạm bữa trưa ấm bụng, các anh lại chuẩn bị cho một buổi chiều tháng chạp tất bật người ra kẻ vào.
Đầu tư kinh tế để thu về cuộc sống ấm no
Đắc Sở chính là nơi cung cấp trái phật thủ cũng như phật thủ bonsai số lượng lớn cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Toàn xã Đắc Sở hơn 1.000 hộ dân thì có tới 600 hộ trồng phật thủ. Mỗi năm, các chủ vườn đầu tư vào vườn tược hàng trăm triệu đồng. Đổi lại, nhiều hộ giàu lên nhờ thứ quả độc, có hộ thu nhập lên tới gần tỷ đồng trong năm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao.
Tuy nhiên, ba năm trở lại đây, vùng đất quý đang dần thu hẹp diện tích trồng giống cây này. Đắc Sở nổi lên trồng phật thủ từ năm 2003 - 2004, nhưng hiện nay đất đã già cỗi, người dân phải thuê đất mới để trồng. Theo bà Hường, trong 250ha diện tích đất trồng phật thủ, có đến hơn 200ha đất thuê ở huyện Phúc Thọ, Đan Phượng và các khu lân cận. Hai vườn phật thủ của anh chị Khương Khích, anh Nam và hầu hết người dân trong xã cũng là đất đi thuê để tiếp tục phát triển cây trồng.
Phật thủ mùa giáp Tết được chăm sóc cẩn thận hơn để mang lại chất lượng tốt nhất. (Ảnh: Kiều Trang) |
Tìm về xã Hiệp Thuận, Phúc Thọ, Hà Nội theo chỉ dẫn của bà Hường, đây là nơi có đến 70 mẫu đất trồng phật thủ đang được người dân xã Đắc Sở thuê lại. Chú Nhiên chủ vườn cùng người làm đang đi tìm những trái phật thủ vàng óng, miệng cười thân thiện: “8 sào đất thuê trồng phật thủ này mỗi năm tiêu hao hết của vợ chồng chú gần 70 triệu tiền đầu tư, phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công,…” Nhưng bởi loại quả này có giá trị kinh tế cao nên gia đình chú có được những nguồn lợi để phát triển cuộc sống. Mọi năm theo ước tính, chú Nhiên đã cung ứng cho thị trường 20.000 trái phật thủ riêng vào vụ Tết.
Phật thủ nổi tiếng là loại cây “khó chiều”, ra quả quanh năm nên các chủ vườn phải dành hầu hết thời gian để chăm bẵm, hái lượm. Trong tiềm thức mỗi người nông Đắc Sở, phật thủ xứng đáng được nâng niu, trân trọng hơn bất cứ sản phẩm nông nghiệp nào. Cái danh làng nghề không phải bỗng dưng mà có. Mọi người trong vùng thường đùa nhau rằng trồng phật thủ cũng phải có “nghệ thuật”, nếu dễ trồng, ai cũng trồng được thì còn gọi gì là làng nghề. Bởi thế mà nhắc tới phật thủ thì không thể quên cái tên Đắc Sở.
Quay lại câu chuyện của anh Nam, người “kế tục” nghiệp trồng quả, dẫu tuổi đời còn trẻ, nhưng anh không còn phụ thuộc vào những vườn phật thủ của bố mẹ, anh tự thuê đất, thuê nhân công làm vườn từ sớm và đã dành dụm cho mình những khoản tiền đầu tiên. “Sau khi đủ khả năng thì mình xin phụ huynh tự làm, tự chăm sóc vườn phật thủ riêng. Năm đầu tiên phải vay mượn thêm bố mẹ, đầu tư hết gần 400 triệu cho 15 sào. Nhưng sau này, hai vợ chồng cố gắng làm lụng, trừ vốn đi thì cũng lãi hơn 200 triệu. Vườn này đã được hơn 4 năm, cuộc sống vợ chồng cải thiện đáng kể.”
Làng phật thủ Đắc Sở không chỉ là vùng đất màu mỡ thu lại lợi nhuận kinh tế cao mà còn gìn giữ giá trị làng nghề riêng cho người dân trong xã. Đối với những hộ dân đi thuê đất để tiếp tục theo nghề, ban lãnh đạo xã Đắc Sở đã có những chính sách, hình thức động viên, ủng hộ nông dân kịp thời như chủ động liên lạc với lãnh đạo các xã có người thuê đất nhờ quan tâm, giúp đỡ; hỗ trợ các hộ vay vốn; đào tạo thêm kiến thức về trồng trọt,…
Mặt khác, các nhà nông vẫn luôn tự nhắc nhở bản thân cố gắng, giữ hy vọng rằng những năm tiếp theo, đất trồng sẽ được cải tạo để có thể đưa phật thủ trở lại với mảnh đất ông cha. Giữa trưa tháng chạp, trời nắng ấm, một vùng phật thủ “tâm linh” nhuộm vàng đồng ruộng, hắt lên thứ ánh sáng rực rỡ, phảng phất hương thơm trong trẻo như tình yêu với nghề của người dân nơi đây.
Công an nhân dân