Phạt tiền đến 70 triệu đồng nếu đầu tư kinh doanh các ngành nghề bị cấm
Thông tin trên là đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP.
Dự thảo nêu rõ, phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi đầu tư kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật cấm.
Theo dự thảo đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến, sẽ phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
Đầu tư kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện nhưng không đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình hoạt động;
Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế khi chưa có dự án đầu tư hoặc chưa thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa);
Thành lập tổ chức kinh tế không đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định.
Dự thảo cũng quy định, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế không đáp ứng các điều kiện theo quy định; chuyển nhượng dự án đầu tư không đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Đối với vi phạm các quy định về ưu đãi đầu tư: Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi kê khai không chính xác, không trung thực các thông tin cần thiết để được hưởng ưu đãi đầu tư. Trường hợp kê khai để hưởng ưu đãi đầu tư có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng nếu sử dụng vốn đầu tư công không đúng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, dự thảo kiến nghị tăng mức xử phạt đối với hầu hết các hành vi vi phạm do các dự án đầu tư công thường có quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao, dẫn tới nguy cơ gây thất thoát, lãng phí cho Nhà nước. Vì vậy, cần có chế tài cao hơn để tăng cường hiệu quả răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Cụ thể, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng hoặc vượt tiêu chuẩn, định mức đã được phê duyệt.
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư sử dụng vốn đầu tư công có cấu phần xây dựng về khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, xây dựng công trình, quản lý chất lượng, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán dự án đầu tư thì người có thẩm quyền xử phạt hành chính tại Nghị định này được xử phạt theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.
Đối với vi phạm về quản lý thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
Không tổ chức giám sát, đánh giá quá trình thực hiện chương trình, dự án ODA; Thực hiện chương trình, dự án chậm tiến độ mà không có lý do khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi triển khai chương trình, dự án không đúng các nội dung trong quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt Văn kiện chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật.
Vi phạm về chế độ báo cáo và cung cấp thông tin đối với chương trình, dự án ODA sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không tuân thủ chế độ báo cáo kết quả thực hiện chương trình, dự án ODA gửi cơ quan có thẩm quyền.
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai lệch cho các bên hợp đồng, tư vấn lập và thực hiện chương trình, dự án ODA./.
VOV