Phát triển hàng loạt dự án hạ tầng, Tp.HCM vay Ngân hàng thế giới 100 triệu USD
Theo UBND Tp.HCM, năm nay Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách cho thành phố hơn 42.200 tỉ đồng, trong đó vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ hơn 14.800 tỉ đồng, vốn cân đối từ ngân sách Tp.HCM gần 27.400 tỉ đồng.
Theo đó, chính quyền Tp.HCM vay 100 triệu USD (hơn 2.300 tỷ đồng) từ Ngân hàng Thế giới (WB) để đầu tư phát triển hạ tầng và cải cách chính sách. Đây là nội dung được đề cập trong chương trình cho vay hỗ trợ chính sách phát triển ngân sách Tp.HCM (DPO-2) vừa được UBND thành phố phê duyệt.
DPO là hình thức hỗ trợ của WB nhằm giúp bên vay đạt được kết quả bền vững thông qua tiến trình cải cách chính sách và thể chế. Chương trình kỳ vọng giúp Tp.HCM có nguồn tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực quản lý. Theo đó, toàn bộ số tiền giải ngân từ chương trình sẽ chuyển vào ngân sách thành phố, chi cho các dự án đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của thành phố và chuyển tiếp thực hiện trong 5 năm tiếp theo.
Một số công trình dự kiến dùng vốn vay từ chương trình này, bao gồm: xây mới 3 bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi (hơn 1.850 tỉ đồng), Hóc Môn (hơn 1.800 tỉ đồng), Thủ Đức (hơn 1.900 tỉ đồng); hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, Tp.Thủ Đức (254 tỉ đồng); cải tạo rạch Đầm Sen (hơn 84 tỉ đồng); xây bờ bao và cống ngăn triều trên rạch Cầu Sập, quận 8 (gần 125 tỉ đồng); cải tạo hệ thống thoát nước đường Lý Chiêu Hoàng, quận 6 (gần 100 tỉ đồng)…
Chương trình có thời gian thực hiện 3 năm, kể từ ngày hiệp định giữa Tp.HCM và WB được ký. Về cơ chế tài chính, UBND thành phố vay lại toàn bộ vốn của WB với điều khoản thống nhất như Hiệp định tài trợ chương trình DPO-2 giữa Bộ Tài chính và WB. Thành phố sẽ bố trí ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn khác trả nợ đúng hạn.
Theo UBND Tp.HCM, năm nay Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách cho thành phố hơn 42.200 tỉ đồng, ttrong đó vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ hơn 14.800 tỷ đồng, vốn cân đối từ ngân sách TP HCM gần 27.400 tỉ đồng.
Trong khi đó, nhu cầu vốn đăng ký của các đơn vị trong năm nay hơn 47.800 tỉ đồng, dẫn đến nguồn vốn Trung ương giao không đủ cân đối, thiếu hơn 20.400 tỉ đồng. Vì vậy, UBND Tp.HCM cho rằng việc giải ngân nguồn vốn từ Chương trình DPO-2 trong năm 2021 giúp thành phố tăng khả năng cân đối ngân sách cho đầu tư phát triển.