MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát triển khu dân cư trong khu công nghiệp: Xu thế tất yếu

18-05-2019 - 08:00 AM | Bất động sản

Khi bất động sản (BĐS) công nghiệp lên ngôi, việc phát triển khu dân cư trong khu công nghiệp (KCN) nhằm tạo môi trường sống và làm việc tốt cho chuyên gia và người lao động trở thành xu hướng tất yếu để phát triển KCN bền vững.

BĐS công nghiệp gồm BĐS về sản xuất và BĐS về đô thị - dịch vụ. Trong đó, BĐS về sản xuất là các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp (KCN), nhà xưởng cho thuê, kho bãi, văn phòng cho thuê và các dự án đầu tư mặt bằng phục vụ sản xuất công nghiệp... Còn BĐS về đô thị - dịch vụ là khu dân cư và các tiện ích, dịch vụ đi kèm như bệnh viện, trường học, các trung tâm nghiên cứu và một số công trình kinh tế xã hội khác.

Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2019 – 2020, BĐS công nghiệp sẽ là xu hướng chủ đạo, có tiềm năng nhờ xuất phát từ việc dịch chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam của các tập đoàn đa quốc gia sau căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung, cùng với đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, nhiều doanh nghiệp địa ốc bắt đầu chú ý đến BĐS công nghiệp với các phân khúc mới của nó.

Sự phát triển của KCN ở một số đô thị vệ tinh hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là chưa đồng bộ cơ sở hạ tầng, chưa tạo ra được khu dân cư và các công trình xã hội để đem lại môi trường sống và làm việc tốt cho chuyên gia và người lao động. Từ đó dẫn đến quá trình đô thị hóa chưa được đáp ứng, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững cho KCN nói riêng và nền kinh tế nước nhà nói chung.

Phát triển khu dân cư trong khu công nghiệp: Xu thế tất yếu - Ảnh 1.

Vấn đề nhà ở cho chuyên gia và người lao động vẫn chưa được giải quyết.

Vì vậy, vấn đề thiết yếu được quan tâm là việc phát triển bền vững KCN phải đi đôi với phát triển khu dân cư và các tiện ích xã hội đi kèm. Sau Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, việc quy hoạch KCN – đô thị - dịch vụ là mô hình mới đang được nhà đầu tư quan tâm. Mô hình KCN – đô thị - dịch vụ là mô hình kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của KCN. Cụ thể, khi quy hoạch khu công nghiệp phải gắn liền với phát triển khu dân cư và các công trình xã hội, tạo được sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng.

Tại Việt Nam, một số chủ đầu tư KCN cũng đầu tư đồng bộ khu đô thị, dịch vụ liền kề KCN, tạo tổng thể KCN – đô thị - dịch vụ, như KCN – đô thị - dịch vụ VSIP Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ngãi… Riêng ở Long An, nổi bật với các huyện Đức Hòa, Bến Lức đang tập trung nhiều cụm KCN vẫn chưa giải quyết bài toán về khu đô thị - dịch vụ để giải quyết vấn đề nhà ở và môi trường sống cho chuyên gia và người lao động. Như cụm KCN Hải Sơn, Tân Đô, Tân Đức có quy mô 830 ha, quy tụ hơn 80,000 công nhân và chuyên gia nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở và môi trường sống tiện ích cho chuyên gia và công nhân tại đây.

Phát triển khu dân cư trong khu công nghiệp: Xu thế tất yếu - Ảnh 2.

Khu công nghiệp Hải Sơn.

"Nhu cầu nhà ở, khu vui chơi giải trí cho chuyên gia và người lao động tại các cụm KCN thương mại, dịch vụ hay công nghiệp nhẹ là rất lớn; bên cạnh lại nhận được sự hỗ trợ từ chủ trương chính sách nhà nước. Đây chính là cơ hội rất tốt cho nhà đầu tư BĐS cung ứng các dịch vụ lưu trú và giải trí, góp phần phát triển kinh tế xã hội và tạo ra dòng lợi nhuận kép đầu tư.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nên lựa chọn các dự án có hạ tầng hiện đại, có cảnh quan và tiện ích đẹp, nhất là mô hình đầu tư phù hợp, đáp ứng được số lượng lớn nhu cầu ngày càng cao như: phòng ở cao tầng đầy đủ tiện nghi cơ bản cho chuyên gia và người lao động hay giải pháp lưu trú ngắn hạn cao tầng thay vì các nhà trọ nhỏ lẻ truyền thống" – ông Nguyễn Thanh Quyền - Phó Chủ tịch HĐQT Thắng Lợi Group chia sẻ.

Như vậy, phát triển khu dân cư trong KCN là xu thế tất yếu và giúp KCN nói riêng, BĐS công nghiệp nói chung phát triển bền vững. Đây chính là thời điểm nhiều doanh nghiệp địa ốc nên đầu tư, mang đến giải pháp về nhà ở cho chuyên gia và người lao động.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên