Phát triển nhà ở xã hội: Vướng nằm ngay ở cơ quan quản lý
Cải cách các thủ tục liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng triển khai được dự án.
- 06-02-2017Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ trong năm 2017
- 06-02-2017Công an vào cuộc vụ bán khống nhà ở xã hội Đại Kim
- 05-02-2017TP.HCM muốn xây nhà ở xã hội giá từ 100 triệu đồng
Năm 2017, dự báo phân khúc nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu của đại đa số người dân sẽ có nhiều khởi sắc, sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhất là quyết định về mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là 5%/ năm.
Bên cạnh các chính sách về nguồn vốn tín dụng ưu đãi, thì một trong những vấn đề quyết định còn lại là cải cách các thủ tục liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng triển khai được dự án.
Các thủ tục hành chính cũng góp phần tạo “điểm nghẽn” trong phát triển nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa: KT)
Mặc dù chính sách đã có, nhưng việc vận hành các thủ tục hành chính đối với việc triển khai, thực hiện dự án nhà ở xã hội ở nhiều địa phương thời gian qua còn phức tạp, tạo “điểm nghẽn” trong phát triển nhà ở. Trong đó phải kể đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án kéo dài.
Tham gia xây dựng một dự án nhà ở xã hội ở quận Hà Đông, Hà Nội, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Kiến Hưng cho hay, hiện nay các thủ tục dài nên tính rủi ro của các chủ đầu tư rất cao. Vẫn đang ràng buộc bởi nhiều quyết định chi phối, có những việc chủ đầu tư tự quyết định được, nhưng có những việc chủ đầu tư phải trình, chờ phê duyệt.
“Ví dụ vừa rồi giá nhà trình lên nhưng chủ đầu tư vẫn phải chờ giữa thông tư Bộ với Sở có hướng dẫn 2 bên chưa đồng thuận. Thông tư của Bộ ra rồi nhưng có thể phía Sở cần chi tiết rõ hơn, sau đấy sẽ phải mất rất nhiều thời gian chủ đầu tư mới triển khai được nên rất khó khăn”, ông Trung cho biết.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM nhận định, các thủ tục làm nhà ở xã hội nhiều gấp 1,5 lần so với làm nhà ở thương mại, phải được duyệt qua nhiều cấp, duyệt đơn giá thi công xây dựng, đơn giá bán, phải cam kết lợi nhuận không quá 10%. Do đó, càng kéo dài thời gian chờ đợi thủ tục, đồng nghĩa với rủi ro về lợi nhuận càng cao.
“Chính quyền là người quyết định sự thành bại của chương trình nhà ở này. Chính quyền cần hỗ trợ cho doanh nghiệp giải quyết hết các khâu khó khăn đó, kể cả hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ tất cả những điều kiện mà doanh nghiệp gặp khó khăn như khi làm thủ tục ở các quận, các Sở… Dự án muốn thành công thì 70% thuộc về chính quyền kiến tạo, doanh nghiệp chỉ quyết định 30%”, ông Đực cho biết.
Một trong những vấn đề mất rất nhiều thời gian để triển khai các dự án nhà ở là đền bù, giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch. Thời gian chờ đợi đất sạch có khi lên đến vài năm.
Qua thực tế giám sát ở các địa phương, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có đến 70% khiếu nại của người dân liên quan đến chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng. Đây chính là một trở ngại, rào cản để các doanh nghiệp có mong muốn đầu tư vào chương trình nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp rất ngần ngại.
“Phải làm sao để có quỹ đất sạch và việc tạo quỹ cần được đồng bộ. Nếu chúng ta có chủ trương giải phóng mặt bằng tốt, định mức đền bù phù hợp cho người dân để có đất sạch, khi đó mới có cơ hội, tạo thuận lợi cho chương trình phát triển nhà ở”, bà Hải cho biết.
Để thúc đẩy chương trình phát triển nhà ở xã hội, vai trò chủ động, tích cực, quyết tâm của từng địa phương trong cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp xây dựng nhà ở, nhất là nhà ở xã hội rất quan trọng. Bên cạnh đó còn phải kể đến vai trò của Bộ Xây dựng trong việc tham mưu, xây dựng thể chế, chính sách một cách kịp thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo sự đồng bộ từ trung ương đến địa phương, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, chương trình phát triển nhà ở xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017.
“Chúng ta phải nắm bắt tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt để điều chỉnh, loại bỏ ngay những quy định không hợp lý, bổ sung những gì thực tiễn đang thiếu. Đối với Bộ Xây dựng, đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là cơ sở để đánh giá trình độ, khả năng cũng như tinh thần phục vụ, thái độ của cán bộ Bộ Xây dựng”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ.
Nhiều chuyên gia nhận định, khâu yếu nhất và đang cản trở sự phát triển nhà ở xã hội chính là việc vận hành thủ tục hành chính ở các cơ sở, địa phương. Thủ tục hành chính vẫn “đè nặng” lên doanh nghiệp, muốn thực hiện dự án nhà ở xã hội vẫn phải qua quá nhiều cửa và ẩn chứa tiêu cực.
Vì vậy, việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, gỡ vướng cho doanh nghiệp để đẩy nhanh chương trình phát triển nhà ở xã hội là yêu cầu cấp thiết hiện nay./.
VOV