Phát triển thị trường khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)
Để phát triển bền vững và có hiệu quả điện khí LNG cần có những quy định, điều kiện rõ ràng thống nhất, có các phương án bám sát thực tế.
- 13-07-2023Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt gần 876.000 tỷ đồng
- 13-07-2023Miễn, giảm, gia hạn thuế, phí khoảng 200.000 tỷ đồng trong năm 2023
- 13-07-2023Cuối năm 2023, cả nước sẽ có 1.852 km đường bộ cao tốc
Phát triển thị trường khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) - VTV.VN
Thí điểm nhập khẩu LNG
Một trong những sai phạm về cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị có liên quan mà Thanh tra Bộ Công Thương vừa công bố đó là để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6 năm 2023, cắt điện đột ngột, không báo trước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.
Ngoại trừ yếu tố sai phạm của con người, việc thời tiết nắng nóng khắc nghiệt cũng khiến thuỷ điện gặp khó vì thiếu nước, giá than, giá dầu thế giới tăng… cũng hạn chế nguồn nguyên liệu cho đầu vào của nhiệt điện. Mới đây, gần 70.000 tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lần đầu tiên được nhập về Việt Nam. Đây được xem là bước tiến của ngành năng lượng với mục tiêu đến năm 2030, nguồn điện từ LNG sẽ chiếm khoảng gần 15% tổng quy mô nguồn.
PV GAS là đơn vị tiên phong nhập khẩu chuyến tàu LNG về Việt Nam, hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhu cầu tiêu thụ khí, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước - Ảnh: VGP/MT
Kho cảng LNG Thị Vải của PV GAS có thể được xem là tổ hợp LNG đầu tiên được đưa vào vận hành có quy mô lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay với công suất qua kho giai đoạn 1 là 1 triệu tấn LNG/năm và lên tới 3 triệu tấn LNG/năm vào giai đoạn 2.
Dự án có mục tiêu bổ sung nguồn cung khí cho các khách hàng tiêu thụ, bao gồm nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, các khách hàng công nghiệp và đáp ứng một phần lượng khí thiếu hụt trong nước sau năm 2023.
Ông Phạm Văn Phong - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam cho biết: "Đối với dự án LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải, ban đầu cũng được Chính phủ chấp thuận một cơ chế, gần như là cơ chế thí điểm để đảm bảo kho LNG giai đoạn 1 có thể hoạt động được. Tuy nhiên để đưa ngành công nghiệp LNG phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu mong muốn theo Quy hoạch điện VIII, chắc chắn phải xây dựng cơ chế chính sách".
Ông Johan Petter Tutturen - Phó Chủ tịch Công ty Tư vấn Năng lượng DNV GL - Na Uy đánh giá: "Khi tiềm năng và các dự án khai thác LNG của Việt Nam còn ở quy mô nhỏ, việc xây kho chứa LNG hiện nay là tốn chi phí rất lớn. Bên cạnh các khung pháp lý hiện có, Chính phủ cũng nên hài hòa các yếu tố về thuế và nhập khẩu thiết bị cho các dự án. Để phát triển thị trường LNG, tập trung vào ba lĩnh vực gồm hỗ trợ tài chính, xây dựng năng lực và phát triển thị trường".
Xu hướng điện khí trên thế giới
Giảm dần việc sử dụng năng lượng hoá thạch sang các nguồn năng lượng mới xanh hơn, sạch hơn cũng là xu hướng của không ít các quốc gia trên thế giới. Có những quốc gia trong khu vực ASEAN, thậm chí tỷ lệ điện năng được tạo ra từ khí đốt tự nhiên lên đến 70%.
Trên thế giới, Mỹ là quốc gia sản xuất điện khí lớn nhất trên thế giới. Vào năm 2022, Mỹ đã sản xuất được 1689 terawatt giờ điện. Con số này nhiều hơn gấp 3 lần quốc gia đứng thứ hai là Nga, này tạo ra 479 terawatt giờ điện trong năm ngoái. Thứ ba là Nhật Bản với sản lượng 330 terawatt giờ điện.
Tại châu Âu, 20% lượng điện được sản xuất từ khí tự nhiên. Italy, Anh và Hà Lan là những nước chủ yếu sử dụng khí đốt tự nhiên để sản xuất điện. Còn tại Đông Nam Á, 3 nước gồm Brunei, Singapore và Thái Lan tạo ra hơn 70% điện năng từ khí đốt tự nhiên.
Việc sử dụng khí đốt tự nhiên để sản xuất điện đã được chứng minh là giúp giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính. Ngoài việc sử dụng khí tự nhiên như một mặt hàng xuất khẩu và phát điện, một phần nhỏ khí tự nhiên còn được sử dụng để làm nguyên liệu trong các quy trình công nghiệp sản xuất metanol, phân bón và dược phẩm.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng hỗ trợ khí đốt tự nhiên bao gồm lưu trữ, vận chuyển và phân phối có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp các loại nhiên liệu tái tạo dạng khí như khí sinh học. Việc sản xuất điện từ khí tự nhiên tích hợp công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon là rất quan trọng để hỗ trợ chuyển đổi sang chuyển đổi năng lượng tái tạo bền vững. Điều này cho phép chuyển đổi sang sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo để phát điện trong tương lai.
Phát triển nhiệt điện khí hoá lỏng tự nhiên LNG sẽ là cánh cửa mới mở ra cho ngành năng lượng. Giá thành cạnh tranh hơn so với điện sinh khối, thân thiện với môi trường hơn so với điện than, ít chịu ảnh hưởng bởi thiên nhiên so với thủy điện.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững và có hiệu quả điện khí LNG cần có những quy định, điều kiện rõ ràng thống nhất, có các phương án bám sát thực tế, ổn định cho cả các doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Mong rằng hướng đi mới này sớm tới đích, để điện khí LNG hòa lưới điện quốc gia, xóa đi nỗi lo cắt điện cho người dân.
VTV