Phát triển thương mại điện tử - Bài 2: Xu hướng bán hàng đa kênh
Phân loại hàng hóa của hãng thương mại điện tử Lazada. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là nền kinh tế có thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba Đông Nam Á và được dự báo sẽ đạt mức 39 tỷ USD vào năm 2025.
- 15-02-2023Lời cảnh báo: ''Đừng vội kiếm tiền từ chatbot AI như ChatGPT''
- 15-02-2023Vị trí nào trong ngành CNTT thì có mức lương gần 500 triệu đồng/tháng?
- 15-02-2023Bài học lớn từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng của CEO startup dịch vụ hỗ trợ TMĐT số 1 Việt Nam
Cũng tại ASEAN, Việt Nam là 1 trong bốn quốc gia đã đưa Cổng thông tin thương mại điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vào hoạt động. Hiện đã có 6 nhà cung cấp nước ngoài nắm giữ 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam là Meta (Facebook), Google, Microsoft, Tiktok, Netflix và Apple.
Bà Lê Thị Dung, Giám đốc Khối Tăng trưởng, Công ty cổ phần Công nghệ Sapo cho biết, qua khảo sát 15.000 nhà bán hàng qua nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cho thấy, xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh vẫn được thể hiện rõ rệt. Sàn Thương mại điện tử được ưa chuộng nhất với tỷ trọng 49,69% nhà bán hàng sử dụng. Tiếp đó là mạng xã hội Facebook với tỷ lệ 39,13%, bán qua website là 9,94% và qua TikTok Shop - kênh bán hàng mới xuất hiện trong năm 2022, chiếm 1,24%. Tuy nhiên, TikTok shop đang trở thành xu hướng khai thác và chuyển dịch chủ yếu của các nhà bán hàng hiện nay.
Kết thúc năm 2022, các nhà bán hàng đang kỳ vọng thị trường năm 2023 sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Vì người tiêu dùng đang cởi mở trong lựa chọn, sẵn sàng thay đổi thương hiệu, thay đổi địa điểm khi mua hàng. Thương mại điện tử sẽ tiếp tục trở thành đầu tàu trong sự tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam. Người mua hàng của ngành bán lẻ sẽ trở thành “người tiêu dùng kỹ thuật số”, tiếp tục duy trì, thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến trong những tháng tới.
Do đó, dự đoán của Sapo là tới đây các nhà bán lẻ sẽ tập trung vào các xu hướng lớn trong năm nay như mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng đa kênh sẽ tiếp tục thể hiện ưu thế. Sẽ có thêm kênh Shoppertainment - Mua sắm giải trí, sáng tạo nội dung số đi kèm với tiếp thị sản phẩm và ứng dụng công nghệ và phần mềm quản lý bán hàng giúp cho chủ cửa hàng ngành bán lẻ mở rộng kinh doanh và vận hành hiệu quả trên thương mại điện tử.
Một trong những đại diện nền tảng thương mại điện tử lớn và uy tín nhất nhì toàn cầu đang hiện diện tại Việt Nam, ông Vũ Thế Tùng, Giám đốc phát triển thị trường và quan hệ Chính phủ, Alibaba Việt Nam chia sẻ, với thế mạnh là sàn bán buôn (B2B) có lượng người mua lớn nên một số ngành như nông sản, thực phẩm chế biến - đóng gói, thủ công mỹ nghệ, may mặc, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, bao bì đóng gói… của Việt Nam hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh trên sàn Alibaba.com về chi phí giá thành.
“Alibaba.com tiếp tục dành riêng cho thị trường Việt Nam các dịch vụ riêng biệt để giúp các doanh nghiệp tăng tốc, giúp họ có cơ hội giới thiệu các sản phẩm đến người mua hàng toàn cầu tốt hơn. Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, Alibaba.com đã tiến hành các hoạt động tập huấn đào tạo nâng cao năng lực vận hành Thương mại điện tử cho các doanh nghiệp.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam cho hay, trong xu thế phát triển của thương mại điện tử như hiện nay để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các bên liên quan vẫn cần những cơ chế đơn giản, thông thoáng về thủ tục, chính sách thuế....
Không chỉ vấn đề thuế, vấn đề mạng lưới giao hàng hay kho bãi (logistics) cũng là những thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử. Ngay cả khi doanh nghiệp có mạng lưới logistics thì vẫn phải dựa vào các đối tác thứ 3 để thực hiện các đơn đặt hàng của thương mại điện tử. Việt Nam hiện chủ yếu vẫn là nền kinh tế dựa trên tiền mặt. Hầu hết các giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt để thanh toán nên chi phí hoạt động của các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng vì thế mà cao hơn.
Trên nền tảng giao dịch thương mại điện tử, các hãng cũng phải đối mặt với tình trạng sản phẩm bị trả lại, đổi, hỏng. Ngoài ra, 75% đơn hàng thương mại điện tử hàng ngày được giao dịch ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, những nơi có lượng truy cập lớn, làm tăng chi phí. Hơn nữa, khung pháp lý và các quy định liên quan đến lĩnh vực logistics vẫn còn nhiều khó khăn và phức tạp. Các vấn đề chặng cuối phải được giải quyết và việc vận chuyển hàng hóa đến các vùng xa, nông thôn cũng là một thách thức. Những vấn đề này trở nên rõ ràng hơn khi các doanh nghiệp bán lẻ tìm cách giành được chỗ đứng bên ngoài các thành phố lớn có trình độ mua sắm và tiêu dùng cao như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng..., ông Tuấn nhận định.
Từ thực tiễn của doanh nghiệp, bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam cho biết, thương mại điện tử đã có những thay đổi lớn trong thời gian qua. Song đến nay, thị trường thương mại điện tử vẫn còn nhiều dư địa để phát triển với 71% người dùng Internet tại Việt Nam từng thực hiện ít nhất 1 lần mua hàng trực tuyến; 81% người Việt xem mua hàng trực tuyến trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Các doanh nghiệp đang ngày càng coi trọng và đầu tư nhiều vào việc chuyển đổi số và kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.
Tuy nhiên, việc kinh doanh, mua sắm trực tuyến chưa có nhiều sự hỗ trợ, ưu đãi. Dưới góc độ quản lý Nhà nước, cần nhìn nhận đây là việc kinh doanh có hàm lượng tri thức, công nghệ cao để có sự hỗ trợ, ưu đãi lớn, chứ không phải là hoạt động mua bán truyền thống.
Hiện nay, các sàn thương mại điện tử như Lazada đều phải đầu tư rất nhiều nguồn lực để xây dựng hệ thống rà soát các sản phẩm; đồng thời, kết hợp với cơ quan quản lý để xử lý các tranh chấp, khiếu nại đối với những sản phẩm vi phạm nguồn gốc xuất xứ; thêm nữa là tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử làm đau đầu cơ quan quản lý Nhà nước cũng như gây khó khăn cho sự phát triển của các sàn thương mại điện tử.
Trước những vấn đề nêu trên, để hoạt động thương mại điện tử có bước tiến xa hơn, bắt kịp xu thế phát triển của khu vực và thế giới, bà Vũ Thị Minh Tú đề nghị, ngay lúc này, Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan cần có những kế sách cụ thể và linh hoạt hơn, đảm bảo vừa chặt chẽ trong quản lý vừa thông thoáng về cơ chế, chính sách giúp các đơn vị có nền tảng thương mại điện tử kể cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử tận dụng và phát huy hiệu quả nhất sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Báo Tin tức