Phát triển TPHCM thành 5 phân vùng đô thị
Đồ án định hướng phát triển đô thị TPHCM dự kiến hình thành và phát triển thành 5 phân vùng gồm: phân vùng đô thị trung tâm, đô thị phía Đông, đô thị phía Bắc - Tây Bắc, đô thị phía Tây và đô thị phía Nam.
Tại Kỳ họp thứ 15 ( kỳ họp chuyên đề ) ngày 19/5, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã thống nhất thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Trước đó, báo cáo tờ trình về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, quy mô dân số thành phố dự báo đến năm 2040 là 13 triệu người, năm 2050 là 14,5 triệu người và đạt 16 triệu người vào năm 2060.
Đồ án định hướng phát triển đô thị TPHCM dự kiến hình thành và phát triển thành 5 phân vùng, gồm: phân vùng đô thị trung tâm, đô thị phía Đông, đô thị phía Bắc - Tây Bắc, đô thị phía Tây và đô thị phía Nam.
Phân vùng đô thị trung tâm được quy định: ranh giới phía Bắc, phía Tây là đường Vành đai 2, phía Nam là kênh Đôi - kênh Tẻ, phía Đông là sông Sài Gòn. Phân vùng này bao gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, một phần quận 12 với tổng diện tích khoảng 17.000 ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 4,5 triệu người.
Phân vùng đô thị phía Đông: Đã thành lập thành phố Thủ Đức, tổng diện tích khoảng 21.000 ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 1,1 triệu người.
Phân vùng đô thị phía Bắc - Tây Bắc: Ranh giới phía Bắc giáp Tây Ninh, phía Tây giáp tỉnh Long An, phía Nam là ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn và Bình Chánh và đường Vành đai 2.
Vùng bao gồm huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, một phần quận 12 với tổng diện tích khoảng 58.500 ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 1,4 triệu người.
Vùng đô thị phía Tây: Ranh giới phía Bắc giáp ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh, ranh giới phía Nam giáp ranh tỉnh Long An, phía Đông giáp đường Vành đai 2 và sông Cần Giuộc, phía Tây và phía Nam là tỉnh Long An.
Vùng bao gồm phần lớn huyện Bình Chánh có tổng diện tích khoảng 23.300 ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 840.000 người.
Phân vùng đô thị phía Nam: Ranh giới phía Bắc giáp kênh Đôi - kênh Tẻ, ranh giới phía Nam giáp tỉnh Long An và biển Cần Giờ, phía Đông giáp sông Đồng Nai, phía Tây là sông Cần Giuộc.
Vùng bao gồm quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh và toàn bộ huyện Cần Giờ, với tổng diện tích 93.300 ha, trong đó có Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 1,2 triệu người.
Về định hướng phát triển không gian, đồ án kết hợp mô hình đô thị đa trung tâm gắn với đa dạng không gian sinh thái, hợp lưu sức mạnh thiên nhiên, nguồn lực về kinh tế, linh hoạt với các phạm vị.
Về giao thông, đồ án dựa trên cơ sở bổ sung quy hoạch phát triển giao thông vận tải Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông quốc gia.
Trong đó, dự kiến bổ sung kết nối đường bộ để củng cố vị trí trung tâm của TPHCM như kéo dài trục đường Nguyễn Hữu Thọ, kết nối đường ven biển tại Tiền Giang; kết nối sân bay Long Thành; kết nối với Đồng Nai; kết nối hệ thống đường sắt…
Quy hoạch chung TPHCM được phê duyệt chậm nhất cuối tháng 9
Trao đổi tại kỳ họp về nội dung này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, lẽ ra phải tiến hành thực hiện đề án quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước rồi sau đó mới rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Tuy nhiên, do bị động bởi thời gian chống dịch nên thành phố triển khai hai nhiệm vụ này gần như song song, kể cả quy hoạch chung TP Thủ Đức cũng đang được tiến hành đồng thời.
Dự kiến, trong khoảng nghỉ giữa Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội tới đây (từ ngày 8 đến 18/6), UBND TPHCM sẽ báo cáo kết quả nghiên cứu quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo ông Phan Văn Mãi, báo cáo này sẽ cập nhật một số nội dung của quy hoạch chung.
Sau khi tiếp nhận những góp ý cho quy hoạch chung tại kỳ họp này, UBND TPHCM sẽ hoàn thiện gửi Bộ Xây dựng để Bộ này lấy ý kiến các bộ ngành khác và tiến hành quy trình thẩm định để phê duyệt.
Như vậy, thành phố còn phải báo cáo giải trình và tương tác qua lại và dự kiến sớm nhất, quy hoạch chung thành phố và quy hoạch chung TP Thủ Đức sẽ được phê duyệt trong quý III.
Riêng với quy hoạch TPHCM, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay, quy trình chậm hơn một chút. Hiện tại, thành phố đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đang lấy ý kiến các bộ ngành để trình Hội đồng thẩm định quốc gia. Khi hội đồng này có ý kiến xong, TPHCM mới tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ trình, thông qua HĐND TPHCM.
Ông Mãi cũng cho biết, theo kế hoạch, dự kiến giữa tháng 6, HĐND TPHCM sẽ họp kỳ chuyên đề để thông qua quy hoạch thành phố. Sau đó, UBND thành phố sẽ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ này trình để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 6.
Như vậy, phê duyệt quy hoạch thành phố dự kiến rơi vào cuối tháng 6, còn phê duyệt quy hoạch chung dự kiến chậm nhất là cuối tháng 9 (cuối quý III).
Tiền Phong