Phế liệu tồn đọng vẫn "bất động"
Hàng loạt vướng mắc, bất cập về quy định, quản lý khiến việc tái xuất gần 1.100 container phế liệu tồn đọng ở cảng Cát Lái đến nay vẫn chưa thể thực hiện
- 21-11-2020Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới: Việt Nam đã chiến thắng Covid-19, vậy tại sao không thể là nhà vô địch về phục hồi xanh?
- 20-11-2020Nhiều người bất ngờ bị truy thu thuế thu nhập cá nhân nhiều năm
- 20-11-2020Bộ trưởng Singapore: ASEAN cần tăng cường hợp tác thương mại hơn nữa!
Theo thông tin chúng tôi có được, đến thời điểm này, chỉ mới có 37 container phế liệu không đạt chất lượng tồn đọng tại cảng Cát Lái (quận 2, TP HCM) được hãng tàu Yangming Shipping Việt Nam tái xuất. Hơn 1.000 container phế liệu tồn đọng ở cảng tới nay vẫn trong tình trạng "án binh bất động".
Đại diện Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 (Hải quan Cát Lái) xác nhận hiện tại mọi hoạt động về tái xuất hàng tồn phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu "vẫn dừng lại đó, chưa có hướng xử lý gì mới".
Một số container phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái
Trước đó, hồi tháng 8, Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 có thông báo đến các hãng tàu phải tái xuất container phế liệu tồn đọng trong vòng 30 ngày, nếu không tái xuất được phải báo cáo. Trong thời gian này, khá nhiều hãng tàu (trong số gần 30 hãng tàu phải có trách nhiệm tái xuất) đã gửi công văn yêu cầu được tái xuất hàng với các phương án cụ thể nhưng sau đó phải chờ chỉ đạo từ phía Tổng cục Hải quan.
Đại diện một hãng tàu cho biết trước đó, các hãng đã làm việc với một số nước và họ đồng ý chịu nhập hàng tồn này nhưng trong quá trình chờ chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, những nước này đã thông báo không nhận hàng nữa. Cho tới khi Tổng cục Hải quan ra văn bản hướng dẫn chi tiết (Công văn 6595/TCHQ-GSQL ngày 13-10 về việc tái xuất phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển) với nhiều yêu cầu khắt khe khiến các hãng tàu không có cách nào để xử lý phế liệu tồn đọng.
"Chúng tôi đã cố gắng tìm mọi cách để tái xuất nhưng các quy định của Tổng cục Hải quan quá khó. Tình thế này buộc chúng tôi phải bỏ hàng, để mọi việc cho nhà nước xử lý. Có thể tiêu hủy hoặc xử lý bằng hình thức nào tùy thuộc vào nhà nước" - đại diện một hãng tàu bức xúc.
Công văn 6595 của Tổng cục Hải quan quy định các hãng tàu không được chuyển hàng hóa sang vỏ container khác; phải tái xuất toàn bộ các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu về đúng nước xuất khẩu; hay việc tái xuất phải thực hiện ngay tại cửa khẩu nhập, không được tái xuất qua cửa khẩu đường bộ và đường thủy nội địa... Các quy định trên, theo các hãng tàu là gần như không thể thực hiện được.
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố thông báo cho các hãng tàu về việc chỉ cho phép tái xuất đối với những lô hàng phế liệu tồn đọng sau khi có kết quả giám định xác định là phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu.
Trong công văn báo cáo Phòng Giám sát quản lý về hải quan thuộc Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Hải quan Cát Lái, cho rằng nếu thực hiện quy định nói trên thì sẽ đến lượt Hải quan TP "vướng". Hải quan Cát Lái đặt vấn đề nếu các container phế liệu đã được Hội đồng Xử lý hàng tồn đọng giám định bằng mắt thường và xác định không đủ điều kiện nhập khẩu thì có phải thực hiện giám định lại để có kết quả giám định hay không?
Để nhanh chóng xử lý hàng phế liệu tồn đọng tại cảng, tránh tình trạng kéo dài, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng tàu và doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng trong những tháng cao điểm cuối năm, Hải quan Cát Lái đề xuất không giám định lại đối với 1.099 container đã được giám định bằng mắt thường xác định là phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu.
Ngoài ra, Hải quan Cát Lái cũng cho rằng việc phân loại hàng tồn đọng này đã được đơn vị thực hiện đúng theo hướng dẫn tại điểm 4 công văn 6632/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan. Do đó, đơn vị này đề xuất chỉ thực hiện giám định lại đối với trường hợp các hãng tàu không đồng ý với kết quả kiểm kê phân loại của hội đồng và được thực hiện bởi các tổ chức giám định do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định, chi phí giám định sẽ do các hãng tàu chi trả.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Phòng Giám sát quản lý về hải quan cho biết nếu doanh nghiệp không khiếu nại hay có ý kiến gì khác với kết quả phân loại bằng mắt thường và cam kết tái xuất theo hướng dẫn tại Công văn 6595 thì cho doanh nghiệp tái xuất.
Chi phí tiêu hủy ai chịu?
Một đại diện hãng tàu cho biết nếu không tái xuất được, các hãng tàu sẽ bỏ hàng. Khi đó, theo quy định số hàng này phải đem tiêu hủy vì không đạt quy chuẩn nhập khẩu vào Việt Nam. Với chi phí tiêu hủy phế liệu ít nhất 2.500-3.000 đồng/kg thì một container trung bình phải tốn 50 triệu đồng, hơn 1.000 container sẽ lên tới trên 50 tỉ đồng. Chưa kể, chi phí vận chuyển, xếp dỡ container... Điều đáng nói là nếu buộc tiêu hủy có thể gây ô nhiễm môi trường vì đây là phế liệu không bảo đảm chất lượng. Hãng tàu này còn lo ngại nếu không kiểm soát tốt công tác tiêu hủy, phế liệu bị tuồn ra ngoài tái sử dụng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Hải quan Cát Lái, cho biết đang chờ xin ý kiến từ Tổng cục Hải quan. Đến nay vẫn chưa biết cách xử lý cuối cùng như thế nào. Nếu tiêu hủy thì chi phí này ai chịu?
Theo Người lao động