MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Phép màu" chỉ xảy ra khi có người tốt dám hành động

03-03-2021 - 09:21 AM | Sống

Nếu nhìn thấy em bé sắp rơi, bạn có ra cứu không, hay đứng cầu nguyện cho phép màu? Phép màu chỉ xảy ra khi người tốt hành động.

Chiếc mái tôn gây chia rẽ và người hùng bị hoài nghi

Qua nay, trên mạng lan tràn những clip quay trực diện cảnh anh Nguyễn Ngọc Mạnh cứu em bé rơi từ 13 tầng nhà xuống. Nó đã cho thấy “một góc độ khác của sự thật”, thậm chí tạo ra những cuộc khẩu chiến xoay quanh việc người hùng có thật là người hùng không?

Bỗng dưng, khoảnh khắc đẹp đẽ vài phút ấy trở thành một mớ bòng bong để người ta phán xét. Có người soi mói từng giây của clip để xem Mạnh có THỰC SỰ ĐỠ ĐƯỢC em bé không. Rồi người ta chỉnh chế độ quay chậm để xem Mạnh vấp ngã trên mái ra sao, em bé nảy xuống mấy lần, để hỉ hả: “Ồ, người hùng thực ra đã “tranh công” của cái mái tôn”. “Hóa ra là vồ hụt” (?!).

Với họ, hành động được tôn vinh của Mạnh phải bao gồm: Chụp được em bé, ôm gọn vào lòng, không một vết xước, thế mới xứng đáng chăng?

Người ta bàn tán nhiều về anh, có thể bởi cái “hào quang” xung quanh anh - thứ mà Mạnh kiên quyết chối từ, ngay từ những giây phút đầu tiên. Có thể người ta muốn tỏ ra mình thông thái và công bằng với... cái mái tôn. Có thể vì người ta nghĩ, anh và em bé kia chỉ may mắn?

Phép màu chỉ xảy ra khi có người tốt dám hành động - Ảnh 1.

May mắn thì chắc rồi! Bởi việc một em bé rơi từ tầng 13 xuống đất mà vẫn an toàn là một sự kiện hy hữu. Một chiếc chìa khóa rơi ở độ cao 40m đã có thể làm rách toạc đầu, chấn thương sọ não một người vô tình đi ngang qua. Còn cơ thể người khi rơi, theo tính toán vật lý về gia tốc rơi tự do, trọng lực của Trái Đất, tác động lực vô cùng khủng khiếp. Phần lớn những vụ người rơi từ trên cao xuống đất có tỷ lệ tử vong rất cao.

Ngay cả Trung tá Khúc Nguyên Khánh, Phó Đội trưởng Đội Phòng cháy chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ, Công an quận Bắc Từ Liêm, một người được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm nhiều năm cứu hộ còn phải thừa nhận, không phải lúc nào việc cứu người từ tầng cao rơi xuống cũng thành công, tức là người còn sống, chứ chưa bàn đến chuyện lành lặn.

Trong công tác cứu hộ khẩn cấp, ngay cả những người được đào tạo chuyên nghiệp cũng có thể bị chấn thương, thiệt mạng vì cứu người rơi từ tầng cao mà không có bảo hộ. Đó là tình huống 99% là nguy hiểm, 1% là an toàn. 

Tôi tin rằng, bản năng con người, lòng tốt của Mạnh đã thúc đẩy anh hành động nhanh chóng, quyết liệt như thế để cứu em bé. Đó quả thực là khoảnh khắc cả đời mới có một lần, khi từng cử động cơ thể, vật chất xung quanh kết hợp với nhau tạo ra kết quả như chúng ta thấy: Cả hai chú cháu cùng sống. Có thể chỉ cần sai lệch 1mm, nhanh chậm một tích tắc thôi, chỉ cần Mạnh hơi ngửa đầu thêm một tí thôi, thảm họa đã xảy ra. Đó là may mắn, nhưng may mắn bắt nguồn từ lòng tốt, sự dũng cảm của Mạnh, không thể phủ nhận điều này”.

Nếu Mạnh không hành động, may mắn ấy liệu có xảy ra?

Điều đáng quan tâm nhất trong cuộc “khẩu chiến” này, không phải là việc Mạnh có thực sự anh hùng, góp công lớn chừng nào, mà là tại sao một hành động tử tế lại bị ngờ vực và trở thành đề tài của những cuộc tranh cãi ngớ ngẩn?

Người ta có thể bất mãn, toan tính với đủ thứ, nhưng lòng tốt thì tuyệt đối không nên. Một khi người ta ngờ vực lòng tốt, đó là khi người ta cho hạt mầm của sự vô cảm, của cái ác một mảnh đất màu mỡ để nảy mầm. Xã hội có thể trở nên tồi hơn, nhưng không phải vì có quá nhiều kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt kìa!

Em bé được cứu sống không phải nhờ phép màu, mà vì người tốt đã nhảy lên mái tôn 

Dù có phân tích hàng nghìn lần những clip ghi lại vụ việc (mà rõ ràng là Mạnh đã với tay đỡ được đầu em bé), dù ai đó có toan tính, ngờ vực, cũng không thể thay đổi sự thật: Mạnh là một người đàn ông tử tế và nhân hậu. Nó không thể thay đổi sự thật là Mạnh không chần chừ, không toan tính, lao đi cứu người rất hồn nhiên.

Mạnh sẽ không kịp nghĩ xem với lực rơi của em bé từ tầng 13, anh có đỡ nổi không. Nhưng anh chắc chắn cảm thấy mình phải làm vậy.

Mạnh sẽ không kịp tính nếu anh không đón được chính xác điểm rơi, anh có cứu được em bé không. Nhưng anh chắc chắn mình phải làm vậy.

Mạnh không lường trước được sau hành động đẹp đẽ của mình, sẽ có ai đó trên mạng ngồi phân tích để bình xét xem anh có bao nhiêu phần trăm công trạng, bao nhiêu phần trăm là… cái mái tôn. Anh nhìn bé gái cheo leo trên lan can với đôi mắt của một người cha, một con người có lương tri. Và anh thấy mình phải làm vậy.

Cho dù, trong một thực tế giả định, anh không chạm được vào đứa bé ấy ngay khoảnh khắc nó rơi xuống, thì hành động nhanh chóng trèo lên mái tôn và có mặt tại hiện trường để đón em bé, không để ngã thêm một lần nữa, cũng đủ để an ủi bố mẹ bé lắm rồi, vì ít nhất có một người ở cạnh em trong tình thế “đi trên băng mỏng”, ngàn cân treo sợi tóc ấy. Mạnh hành động khi anh không dùng nhiều đến “suy nghĩ”, đến lý trí, mà bằng thôi thúc của trái tim.

Phép màu chỉ xảy ra khi có người tốt dám hành động - Ảnh 2.

Giờ thì, bạn đang bình tĩnh, tôi muốn hỏi, nếu là bạn, bạn có lao đến cứu đứa bé không?

Chứng kiến ai đó có thể chết ngay trước mắt mình, người ta có những phản ứng rất khác nhau. Người rành rẽ sự nguy hiểm và không có kỹ năng sẽ không (dại gì mà) mạo hiểm tính mạng.

Người không đủ bình tĩnh có thể sợ hãi, la hét ầm ĩ, có thể bị “đóng băng”. Một số người khác có thể sẽ bối rối, không biết phản ứng thế nào. Đó là tâm lý bình thường của con người.

Những người sẽ nhảy lên mái tôn như Mạnh, xứng đáng được gọi là anh hùng, bất chấp việc anh có cứu được em bé hay không, vì anh đã có hành động dũng cảm và tử tế. Dũng cảm không phải là không biết sợ, mà là sợ nhưng vẫn quyết làm.

Trung tá Khúc Nguyên Khánh cảm xúc nói: “Tôi thấy trong Mạnh có hình ảnh của chúng tôi và trong chúng tôi cũng có hình ảnh của Mạnh. Đó là sự giao thoa giữa “tần số” nhân văn của những người dám hy sinh thân mình vì an nguy của người khác, của tinh thần công dân, của tình người. Năng lượng đẹp đẽ ấy từ Mạnh đã góp phần cứu sống em bé, và khiến mọi người được truyền cảm hứng. Những ồn ào trái chiều xung quanh đó, tôi nghĩ Mạnh nên bỏ qua”.

Chỉ lòng nhân ái và dũng khí mới có thể vực dậy sự tử tế của tâm hồn xã hội. Khi em bé tuột tay khỏi lan can, bố mẹ em không có mặt để ứng cứu. Nhưng em vẫn được sống, không phải nhờ phép màu, mà nhờ những người tốt đã gào lên kêu cứu, đã nhảy lên mái tôn.

Ai trong chúng ta rồi cũng có lúc bất cẩn, không có mặt ở đúng nơi, đúng thời điểm cần mình. Nhưng nếu tất cả đều là người tử tế, thì dù bạn vắng mặt, vẫn có những người tốt khác làm được điều gì đó. Và nếu có gì gọi là “may mắn”, đó là họ sẽ có mặt đúng lúc ta cần.

Có lẽ, trong cuộc sống này, thứ chúng ta nên cầu nguyện để có được, ấy là những người tốt xuất hiện ở quanh mình, những-người-tốt-không-im-lặng.

Theo Phong Linh

Pháp luật & Bạn đọc

Trở lên trên