Phép thử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ
Cử tri Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế hạ viện, 35/100 ghế thượng viện, 36 thống đốc bang trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 6-11 tới
- 02-11-2018Tổng thống Trump yêu cầu soạn thảo các điều khoản tiềm năng cho thỏa thuận thương mại với Trung Quốc
- 02-11-2018Tổng thống Trump: Tôi vừa có cuộc trao đổi về thương mại "dài và rất tốt" với ông Tập
- 31-10-2018Nếu ông Trump quyết định đánh thuế thêm hàng Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu nỗi đau gấp 10 lần
- 31-10-2018Ông Trump muốn ngừng cấp quốc tịch cho mọi trẻ em sinh tại Mỹ
- 30-10-2018Ông Trump "cấm cửa" công ty sản xuất chip của Trung Quốc
Chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào ngày 6-11 tới đang tăng tốc với những nỗ lực giờ chót của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Đảng Dân chủ giành lại hạ viện?
Có mặt tại TP Miami để vận động cho ứng viên Andrew Gillum, người chạy đua cho vị trí thống đốc bang Florida, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 2-11 nhấn mạnh đến chủ đề chung của các chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ - bảo vệ đạo luật chăm sóc sức khỏe năm 2010 và thúc giục người dân không chấp nhận sự thù địch, chia rẽ trong chính trị. Sau TP Miami, ông Obama lên đường đến bang Georgia để vận động cho bà Stacey Abrams, người đặt mục tiêu trở thành nữ thống đốc bang da màu đầu tiên của Mỹ.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump tận dụng thông điệp chống nhập cư cứng rắn và vấn đề kinh tế để kêu gọi cử tri bỏ phiếu để bảo đảm Đảng Cộng hòa vẫn kiểm soát lưỡng viện quốc hội. Đây là chuyến đi đến bang Tây Virginia thứ 3 của ông Trump trong vòng 3 tháng qua nhằm huy động sự ủng hộ dành cho ứng viên Patrick Morrisey trong việc lật đổ Thượng nghị sĩ Joe Manchin của Đảng Dân chủ. Ông chủ Nhà Trắng dự kiến tham gia các cuộc tuần hành tranh cử tại 7 bang nữa trong những ngày tới với hy vọng kết quả bầu cử có thể giúp ích cho các chính sách của mình, thay vì chứng kiến quyền lực bị giảm bớt.
Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới, cử tri Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế hạ viện, 35/100 ghế thượng viện, 36 thống đốc bang, cũng như nhiều ghế trong cơ quan lập pháp các bang. Các cuộc thăm dò dư luận nhìn chung cho thấy phe Dân chủ có cơ hội thắng thêm 23 ghế để đạt 218 ghế, qua đó chiếm thế đa số tại hạ viện. Theo Reuters, kết quả như thế cho phép đảng này mở các cuộc điều tra nhằm vào chính quyền ông Donald Trump và cản trở chương trình nghị sự lập pháp của ông chủ Nhà Trắng nói riêng và Đảng Cộng hòa nói chung, như cải cách di trú, cắt giảm thuế, đảo ngược đạo luật chăm sóc sức khỏe thời ông Obama…
Cử tri bỏ phiếu sớm tại TP Nashville, bang Tennessee hôm 1-11 qua Ảnh: EPA-EFE
Chìa khóa là số lượng cử tri bỏ phiếu
Trong khi đó, Đảng Cộng hòa được dự báo vẫn giữ quyền kiểm soát thượng viện, cơ quan có những quyền như phê chuẩn đề cử nhân sự của tổng thống. Cơ quan này hiện gồm 51 người của Đảng Cộng hòa, 47 người của Đảng Dân chủ và 2 ghế của nhân vật độc lập (đang là đồng minh của Đảng Dân chủ). Trong số 35 ghế được đưa ra bỏ phiếu, 24 ghế đang do Đảng Dân chủ nắm giữ, 2 ghế độc lập và 9 ghế của Đảng Cộng hòa.
Điều này đồng nghĩa Đảng Dân chủ phải bảo vệ toàn bộ 26 ghế của mình và giành thêm 2 ghế từ Đảng Cộng hòa nếu muốn chiếm thế đa số. Đây là kịch bản không dễ xảy ra, nhất là khi 10 ghế Đảng Dân chủ trong đó là tại các bang ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Bà Lakeyta Bonnette-Bailey, nhà khoa học chính trị tại Trường ĐH bang Georgia (Mỹ), cho rằng trong bối cảnh cuộc đua diễn ra sít sao, số lượng cử tri đi bầu sẽ đóng vai trò then chốt. Kết quả thống kê của Trường ĐH Florida (Mỹ) cho thấy số lượng cử tri bỏ phiếu sớm nhiều khác thường trong cuộc bầu cử mà Nhà Trắng không phải là tâm điểm. Cho đến giờ, 27 bang và quận Columbia ghi nhận nhiều phiếu bầu hơn so với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cách đây 4 năm.
Reuters nhận định cuộc bầu cử sắp tới là phép thử thực sự cho ảnh hưởng của phong trào đã góp phần đưa ông Trump lên nắm quyền và đứng sau khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Thành công của chương trình nghị sự lập pháp của ông chủ Nhà Trắng trong 2 năm tới phụ thuộc nhiều vào việc ông có thể vận động người ủng hộ bỏ phiếu cho những ứng viên Đảng Cộng hòa khác hay không.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng đánh giá rằng cho dù kết quả bầu cử ngày 6-11 có ra sao thì môi trường chính trị ở Mỹ khó có thể bớt "xấu xí" hơn bởi các đảng và ứng viên nhanh chóng chuyển hướng sang mùa bầu cử năm 2020. Điều này đe dọa khiến nội bộ chính quyền ông Trump sao nhãng, từ đó ảnh hưởng đến tư duy chiến lược về chính sách đối ngoại.
Ông Kuni Miyake, chuyên gia về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia tại Viện Nghiên cứu toàn cầu Canon (Nhật Bản), cảnh báo cuộc tranh giành quyền lực ở Mỹ sẽ chỉ tăng chứ không giảm thời hậu bầu cử. Và một khi ông Trump gặp rắc rối với các vấn đề trong nước, ông có khuynh hướng phân tán sự chú ý. "Đây là điều đã và có lẽ sẽ tiếp tục xảy ra" - ông Miyake nói.