MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phi công người Anh: "Nếu như ở nơi nào khác trên Trái đất, tôi đã chết"

27-06-2020 - 20:39 PM | Xã hội

Theo đài BBC, bệnh nhân 91 - phi công người Anh dự kiến sẽ trở về Scotland trên chuyến bay ngày 12-7 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam

Ngày 27-6, đài BBC đăng tải một bài viết về tình hình điều trị và chia sẻ của bệnh nhân 91 - phi công người Anh - đang nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM).

Bài báo viết: Phi công 43 tuổi người Scotland phải dùng máy thở đến 68 ngày, lâu hơn bất kỳ bệnh nhân nào khác ở vương quốc Anh. Ông được điều trị tại TP HCM, nơi cách xa quê nhà Motherwell hàng ngàn dặm, mà không có bạn bè thân thích hay gia đình bên cạnh. Bệnh nhân 91 là ca mắc Covid-19 nặng nhất mà các bác sĩ Việt Nam phải chữa trị trong đại dịch.

Đất nước 95 triệu dân chỉ có hơn 300 trăm ca bệnh được xác nhận, trong đó có chưa đến 10 bệnh nhân phải vào khu chăm sóc tích cực và chưa có ai tử vong. Vì vậy, trường hợp cực hiếm của bệnh nhân 91 rất được quan tâm và được thông tin chi tiết trên báo chí và truyền thông trong nước.

Phi công này được gọi là bệnh nhân 91 theo cách đánh số của các quan chức y tế công cộng khi ông bị phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 vào tháng 3. "Tôi thấy rất xấu hổ khi được người Việt Nam quan tâm đến như vậy. Trên hết, tôi biết ơn lòng quyết tâm cứu tôi đến cùng của các bác sĩ" - bệnh nhân 91 bày tỏ.

"Nếu như ở nơi nào khác trên Trái đất, tôi đã chết" - bệnh nhân 91 chia sẻ trên giường bệnh.

Phi công người Anh: Nếu như ở nơi nào khác trên Trái đất, tôi đã chết - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (giữa) và Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM Ian Gibbons thăm bệnh nhân 91. Ảnh: BV Chợ Rẫy

Hàng chục chuyên gia chăm sóc tích cực của Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp thường xuyên để thảo luận tình hình của bệnh nhân này. "Số lượng rất ít những bệnh nhân nguy kịch khiến cho bất kỳ ai bệnh nặng sẽ được các y bác sĩ hàng đầu của Việt Nam quan tâm" - bác sĩ Park Kidong, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, giải thích.

Trong suốt thời gian hôn mê kéo dài 2,5 tháng, bệnh nhân 91 phải phụ thuộc vào máy ECMO (tim phổi nhân tạo), loại máy được dùng trong các trường hợp nguy kịch để duy trì sự sống.

"Tôi rất may mắn khi tác dụng phụ cuối cùng chỉ là chân tôi chưa đủ khỏe để đứng vững nhưng tôi đang tập vật lý trị liệu 2 lần/ngày. Có lúc, Craig, bạn tôi, được Văn phòng Ngoại giao thông báo rằng tôi chỉ còn 10% cơ hội sống nên cậu ấy đã lên kế hoạch cho trường hợp xấu nhất. Cậu ấy trả lại căn hộ của tôi và bắt đầu chuẩn bị những việc cần làm nếu tôi trở về quê hương trong quan tài" - trích lời bệnh nhân 91.

Sau khi tỉnh lại, viên phi công nhận được rất nhiều cuộc gọi đẫm nước mắt từ bạn bè ở quê nhà, những người không nghĩ rằng ông có thể trở lại.

Các bác sĩ phải đối mặt với rất nhiều biến chứng phức tạp khi bệnh nhân 91 còn hôn mê. Máu của ông trở nên đặc quánh và trở thành huyết khối. Chức năng thận không hoạt động dẫn đến phải lọc máu và phổi chỉ hoạt động được 10%.

Phi công người Anh: Nếu như ở nơi nào khác trên Trái đất, tôi đã chết - Ảnh 2.

Bác sĩ từ khắp các bệnh viện ở Việt Nam họp trực tuyến về tình trạng của Bệnh nhân 91. Ảnh: Chính phủ Việt Nam

"Khi truyền thông đưa tin rằng tôi cần ghép phổi, rất nhiều người đã đề nghị hiến tặng, bao gồm cả một cựu binh 70 tuổi. Nhưng ca phẫu thuật cần tới cả 2 lá phổi nên sẽ không tốt cho ông ấy" - bệnh nhân 91 mỉm cười kể lại.

Khi phi công người Anh lần đầu tiên được dùng máy thở vào đầu tháng 4, cả thế giới chỉ có khoảng 1 triệu ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, khi ông tỉnh lại vào ngày 12-6, con số này đã tăng lên thành 7 triệu người. Nhưng Việt Nam đã tránh được tình hình tồi tệ nhất khi chưa có ca nhiễm mới nào trong cộng đồng kể từ ngày 16-4.

"Tôi chưa từng nghĩ rằng tôi sẽ hôn mê suốt 10 tuần. Tôi nhớ lúc được mở khí quản, được đẩy xe qua các hành lang bệnh viện và rồi những ngày sau đó là một làn sương mờ" - bệnh nhân 91 kể.

Trong phòng hồi phục riêng tại bệnh viện Chợ Rẫy, nơi ông được chuyển đến sau khi cai máy thở và âm tính với Covid-19, viên phi công mới cảm thấy hậu quả của những tháng ngày nằm bất động trong tình trạng bệnh nặng.

Bệnh nhân sụt 20 kg và các cơ trở nên yếu ớt đến mức ông phải cố gắng mới có thể đưa chân lên vài cm. Phi công người Anh còn bị mệt mỏi và căng thẳng nghiêm trọng sau khi tỉnh dậy. Đó là chưa kể mối lo ngại ông có thể bị stress hậu chấn thương. "Tinh thần của tôi đã chịu đựng rất nhiều. Ngay bây giờ, tất cả những gì tôi muốn làm là về nhà" - bệnh nhân chia sẻ.

Viên phi công dự kiến sẽ trở về Scotland trên chuyến bay ngày 12-7 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.

Theo Bảo Hạnh

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên