Phí môi trường trên xăng dầu tăng kịch trần: Doanh nghiệp phải cải tổ mạnh mẽ để giữ lợi nhuận
Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT), tăng mức thuế BVMT với xăng lên mức trần 4.000 đồng/lít.
- 21-09-2018Tăng thuế môi trường xăng dầu chỉ tác động đến CPI từ 0,07-0,09%
- 20-09-2018Chốt tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 1/1/2019
- 13-09-2018‘Xăng sinh học E5, ít quốc gia nào làm được như Việt Nam’
Các loại dầu, dầu diezel, dầu mazut, dầu nhờn… cũng được đề nghị tăng mức trần 2.000đ. Qua phân tích, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng TBVMT đối với xăng dầu không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát 2019.
Nhiều doanh nghiệp (DN) cũng tự nhận thấy đã đến lúc bắt buộc phải cải tổ mạnh mẽ để vượt qua khó khăn và phát triển.
Tiết kiệm chi phí, mở thêm dịch vụ, tinh gọn bộ máy
Theo VCCI, nếu tăng thuế đối với xăng dầu thì những ngành chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản. Đối với ngành vận tải, theo thông tin từ Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), tỉ trọng chi phí nhiên liệu chiếm từ 25% - 35% đối với xe chạy xăng, từ 35%-45% đối với xe chạy dầu, và chiếm khoảng 39,5% đối với hàng không.
Khi TBVMT đối với xăng tăng từ 3.000 lên 4.000 đồng, tức tăng tương ứng là hơn 30% thì cước vận tải sẽ tăng từ 9-12%. Hàng loạt DN gặp khó trong sản xuất kinh doanh, phải “thắt lưng buộc bụng” giảm thiểu chi tiêu, chi phí để vượt qua khó khăn.
Nhiều chủ DN cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ cần được cân nhắc thận trọng bởi sức mua hiện nay không dồi dào.
Thực hiện cách mạng về công nghệ và nhân sự
Cách đây không lâu, VCCI đã nêu ý kiến: Đối với ngành thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm từ 33% - 59% cơ cấu giá thành. Đối với ngành nông nghiệp, chi phí vận chuyển hàng hóa cũng thường chiếm từ 35% - 40% cơ cấu giá thành.
Đây là những ngành kinh tế có nhiều đối tượng yếu thế và đang trong giai đoạn hiện đại hóa, chuyển từ thủ công sang cơ giới. Nếu chi phí xăng dầu tăng có thể làm giảm động lực chuyển đổi cơ giới hóa của nông dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, người nông dân đã được đào tạo, được chuyển giao công nghệ, họ ý thức được vấn đề cốt lõi, không tái cơ cấu, không ứng dụng công nghệ.
“Giá xăng tăng có khiến lợi nhuận của chúng tôi bị giảm sút, tuy nhiên, đây cũng là dịp để trang trại rà soát, sắp xếp lại các khâu, cắt giảm những bộ phận thừa, bất hợp lý để việc quản lý quy củ hơn. Đây cũng là dịp để DN sắp xếp lại nhân sự dư thừa một cách hợp lý hơn”-ông Nguyễn Thế Anh, chủ một DN chăn nuôi lợn tại Ứng Hòa, Hà Nội nêu ý kiến.
Nhiều ý kiến cho rằng, hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu và rộng, sản phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc,Thái Lan có chất lượng ổn định với mức giá hợp lý sẽ khiến sản phẩm của Việt Nam khó khăn hơn khi phải cạnh tranh bằng giá cả trên thương trường. Điều này đòi hỏi các DN phải rà soát, sắp xếp và xây dựng lại đội ngũ nhân sự chất lượng cao hơn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải, qua xem xét báo cáo đánh giá tác động bổ sung và giải trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy các nội dung tiếp thu, giải trình bổ sung trong đó có đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tác động đến một số ngành sản xuất kinh doanh, giá bán lẻ xăng dầu và tỉ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng dầu so với các nước… là phù hợp.
Việc chuyển thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết bắt đầu từ 1.1.2019 sẽ không tác động làm tăng chỉ số CPI của năm 2018 đã được Quốc hội quyết định và bảo đảm dư địa cho Chính phủ điều chỉnh chỉ số lạm phát 2019, hạn chế tối thiếu tác động đến đời sống người dân và hoạt động của nền kinh tế.
Theo Lao động